Phản hồi loạt bài “Gian nan phòng chống dịch bệnh” - Chỉ chống, thiếu phòng

Chấn chỉnh tình trạng cho thuê mặt bằng trạm y tế
Phản hồi loạt bài “Gian nan phòng chống dịch bệnh” - Chỉ chống, thiếu phòng

Nhận định công tác phòng chống dịch bệnh của TPHCM còn nhiều hạn chế và bất cập, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, nói đó là hệ quả của một quá trình “trên phình, dưới teo”. Với quá nhiều ban bệ, phình ra ở cấp trên, kế hoạch đặt ra rất hoành tráng nhưng xuống đến phường-xã thì teo tóp dần, triển khai chẳng đến đâu.

- Phóng viên: Ông đánh giá thế nào qua đợt giám sát công tác phòng chống dịch bệnh ở một số quận-huyện, bệnh viện nhi vừa qua?

Ông Huỳnh Công Hùng thăm hỏi một bệnh nhân bị bệnh tay - chân - miệng ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Tg.LÂM
Ông Huỳnh Công Hùng thăm hỏi một bệnh nhân bị bệnh tay - chân - miệng ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Tg.LÂM

- Ông HUỲNH CÔNG HÙNG: Nhìn chung lãnh đạo từ cấp TP đến quận-huyện đều nhận thức, chỉ đạo sát sao để dự phòng ngăn ngừa dịch bệnh. Các quận-huyện đều có kế hoạch ngay từ đầu năm. Có nơi triển khai chặt chẽ, đồng bộ nhưng có nơi chưa chặt chẽ, chưa xác định trọng tâm, trọng điểm. Điển hình như qua các cuộc làm việc với quận 8, huyện Bình Chánh cho thấy những hạn chế đó. Một điểm yếu nữa là vẫn hiện hữu tình trạng “trên phình, dưới teo”. Bên trên chỉ biết chỉ đạo dồn về cho cơ sở bên dưới, nhất là các trạm y tế, UBND phường-xã, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, con người yếu kém. Trạm Y tế phải là nơi mà người dân vào khám là được ngay, là nơi giáo dục kiến thức y tế cộng đồng nhưng không có bao nhiêu trạm y tế làm úng chức năng của mình. Đó là do sự gắn kết giữa trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện quận-huyện chưa tốt. Phải đầu tư thực chất để trạm y tế là cánh tay nối dài của trung tâm y tế dự phòng và liên kết được với bệnh viện quận-huyện. Chúng ta vẫn biết, trạm y tế cũng có nữ hộ sinh đỡ đẻ nhưng liệu có mấy sản phụ tìm đến? Lý do là người dân chưa yên tâm. Vậy phải làm sao để người dân yên tâm?

- Hiện tất cả quận-huyện, phường-xã đều có ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nhưng thực chất hoạt động chưa mang lại hiệu quả, vẫn còn nặng tính hình thức. Ông nghĩ sao về điều này?

- Việc hình thành ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh là tốt, nhưng thành phần phải đúng. Phải phân công đúng đối tượng mới tiếp cận người dân hiệu quả. Mỗi một đoàn thể tiếp cận một lực lượng cụ thể. Ban chỉ đạo không thể dựng lên cho đủ ban bệ. Khi thực hiện phải làm đại trà chứ không phải kiểu cuốn chiếu, chỉ chú trọng vào các chỗ có dịch. Phải vận động thêm các thành phần xã hội cùng tham gia.

- Trong đợt dịch bệnh tay - chân - miệng, nhiều quận - huyện hô hào phòng chống nhưng qua giám sát cho thấy, người dân chưa “thấm”. Cụ thể là các quận-huyện đều cho biết đã phát chất diệt khuẩn Cloramin B đến tận các hộ có con dưới 5 tuổi nhưng khảo sát lại thì chưa tới 50% hộ dân sử dụng. Ông đánh giá công tác tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh hiện nay ra sao?

- Nói đến dự phòng là nói đến công tác tuyên truyền. Qua giám sát cho thấy các quận-huyện có truyền thông tờ rơi, tờ bướm nhưng còn rời rạc, chưa phối hợp, mục tiêu chưa rõ ràng. Người dân thuộc nhiều đối tượng, tuyên truyền phải phù hợp. Công nhân đi làm sớm, về muộn; trường học-nhà trẻ phải có cách tuyên truyền khác nhau. Nếu chỉ phát tờ rơi trước cổng nhà, không khéo xuống cống hết! Mới đây, mấy chục cháu nhỏ ở Bình Dương bị cô giáo cho uống nhầm hóa chất diệt khuẩn. Cái đó một phần lỗi do truyền thông chưa tới. Nhận thức, dân trí nhiều người dân chưa cao nên tuyên truyền trực quan sinh động vẫn là quan trọng. Làm sao dân thấy tận mắt, nghe tận tai. Các hình thức làm phim, ảnh, viết kịch… rất cần được áp dụng.

- Tuy nhiên, bất cập lớn hiện vẫn là con người, là nhân lực?

- Đây là vấn đề lớn, vấn đề mấu chốt. HĐND TPHCM cũng đang xem xét lại tương quan giữa y tế dự phòng và y tế điều trị để giao định biên. Vấn đề làm sao cho anh em y tế dự phòng, chống dịch sống được. Phải gắn kết giữa y tế dự phòng với điều trị để vừa phát huy nghiệp vụ vừa cải thiện đời sống y bác sĩ dự phòng. Hiện nhân lực cho y tế dự phòng còn thiếu nên tính toán đào tạo thêm y tế cộng đồng chứ không thể cứ mãi tình trạng cái đầu điều trị thì to mà cái đuôi dự phòng lại teo tóp.

Chấn chỉnh tình trạng cho thuê mặt bằng trạm y tế

Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài về “Gian nan phòng chống dịch bệnh” phản ánh một số trạm y tế ở quận 10-TPHCM cho thuê mặt bằng làm nhà thuốc, phòng mạch tư, BS Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 10, cho biết đang tìm biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên.

Theo BS Tùng, tại một số phường, người dân có nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngoài giờ nên Trung tâm Y tế dự phòng có hợp đồng cho thuê làm phòng khám tại một số trạm y tế. Còn nhà thuốc là do tồn tại của tủ thuốc dân lập trước đây. Trong khi đó, việc cho thuê trạm y tế không hề có chủ trương từ Sở Y tế và UBND quận 10. Về phòng chống dịch bệnh, BS Tùng cho biết, trạm y tế không đủ sức để thực hiện công tác này mà cả hệ thống các ban ngành đoàn thể phải cùng có trách nhiệm tham gia.


Q. CHI


TƯỜNG LÂM (thực hiện)

Thông tin liên quan:

>> Gian nan phòng chống dịch bệnh

Tin cùng chuyên mục