Sau khi khởi đăng loạt bài “Ma túy, mại dâm lộ thiên”, Báo SGGP đã nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại đề cập đến những khó khăn, bất cập trong quá trình chuyển hóa các tụ điểm ma túy, mại dâm cũng như đề ra các giải pháp, kiến nghị để thực hiện trong thời gian tới.
- Thiếu... đủ thứ
Thượng tá Lý Văn Ngộ, Phó trưởng Công an quận 10 cho biết: Người dân trên địa bàn bức xúc, vì sao sau nhiều năm vẫn chưa chuyển hóa dứt điểm hẻm 601 Cách Mạng Tháng Tám (phường 15, quận 10). Quận cũng rất trăn trở và quan tâm đến “cuộc chiến” này. Để giải quyết tụ điểm phức tạp này là việc rất khó, khó nên kéo dài nhiều năm nay vẫn chưa dứt điểm. Về phần “ngọn”, quận thực hiện tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc người sau cai; bắt các đối tượng hút chích, mua bán nhỏ lẻ... Hiện vẫn có lực lượng liên ngành chốt ở hẻm nhưng lợi dụng lúc giao ca, các đối tượng vẫn hoạt động. Do lực lượng quá mỏng nên chốt gác chỉ mang tính phòng ngừa, ngăn chặn. Tình hình vẫn phức tạp bởi cái “gốc” vẫn còn tồn tại. Đó là 10 hộ dân với 19 người (sưu tra và nghi vấn mua bán ma túy), có người ở tù cả chục năm và gia đình có truyền thống buôn bán ma túy. Nhưng muốn bắt, xử lý phải có hành vi mua bán, có tang vật tức là bắt quả tang. Trong khi đó, khi công an ra quân là các đối tượng đều biết trước vì đã bố trí chân rết canh phòng…
Về phần mình, Trung tá Nguyễn Việt Hùng, Đội trưởng Đội cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Công an quận 8 lại nêu một khó khăn khi lực lượng của đội rất mỏng, chỉ có 5 người làm công tác tố tụng, mỗi người thường “ôm” trên 10 vụ án một lúc. Ông trăn trở: “Người dân bức xúc về các tụ điểm “nóng”, chúng tôi cũng thấy được vấn đề, cũng bức xúc nhưng với lực lượng như trên, chúng tôi cũng chưa thể đánh được vào các đối tượng đầu sỏ”.
- Cần sự chung tay
Đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng, hiện nay, công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm gặp nhiều bất lợi. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhạy cảm nghi vấn có tệ nạn mại dâm nhưng theo quy định, đoàn kiểm tra liên ngành 814 muốn kiểm tra đột xuất phải… báo trước 1 tuần! Trong công tác đấu tranh với loại tệ nạn này, rất khó xử lý đối tượng cầm đầu về hành vi tổ chức môi giới mại dâm, bởi họ thường chỉ đạo tiếp viên bằng miệng.
“Chúng ta cũng đang mất thời gian cho những danh hiệu ảo khi còn nhiều khu phố vẫn còn tệ nạn mại dâm, ma túy nhưng lại được công nhận là khu phố văn hóa. Tại sao số lượng khu phố, phường, xã văn hóa tăng mà tệ nạn ma túy, mại dâm vẫn phức tạp? Công an TPHCM sẽ công bố số liệu các vụ vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm, ma túy trên các địa bàn để đối chiếu, tìm cho ra vấn đề”, ông Minh cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, hiện nay, quy định của pháp luật về phòng chống mại dâm còn trống, chưa phủ kín được tình hình thực tế và cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục kiến nghị để hoàn chỉnh. Ông Minh cho biết: Bên cạnh việc yêu cầu người cho thuê địa điểm ký cam kết về phòng, chống mại dâm để nâng cao trách nhiệm của chủ nhà, có thể tăng cường giáo dục, kiểm điểm và công khai các hành vi vi phạm của doanh nghiệp (người thuê nhà, đối tượng hoạt động mại dâm thường không hoạt động tại địa phương mình) thông qua các cuộc họp tổ dân phố, khu phố. Làm được điều này, phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân trong việc loại trừ tệ nạn xã hội khỏi địa bàn.
“Riêng về công tác quản lý đối tượng “nhạy cảm”, chúng ta cần nắm được chính xác là họ có nhu cầu về vốn, về việc làm hay không và phải tạo điều kiện giải quyết việc làm. Lực lượng công an không làm hết được, giao hẳn cho một đoàn thể cũng không làm nổi mà phải có vai trò phối hợp, hỗ trợ của các ban ngành. Nếu đối tượng không được giải quyết việc làm ổn định thì cuộc đua này không có hồi kết”, Trung tá Nguyễn Quốc Việt, Phòng Phong trào Công an TPHCM cho biết. Ông nói thêm: “Công tác quản lý, chăm lo cho các đối tượng là việc làm không riêng một quận, mà là của cả TP, cần sự đồng bộ, nhất quán”
ĐƯỜNG LOAN - HỒ THU
| |
Bài đã đăng: