Phản hồi loạt bài “Miền Trung: Sông cạn – núi mòn”

Sau loạt bài “Miền Trung: Sông cạn núi mòn” chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến, bài viết chia sẻ của bạn đọc, các nhà quản lý, cơ quan chuyên môn... Các dòng sông ở miền Trung bị khô hạn có nguyên nhân của việc xây dựng thủy điện một cách ồ ạt làm biến đổi dòng chảy, mất cân bằng nước, gây khô kiệt các dòng sông...
Phản hồi loạt bài “Miền Trung: Sông cạn – núi mòn”

Sau loạt bài “Miền Trung: Sông cạn núi mòn” chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến, bài viết chia sẻ của bạn đọc, các nhà quản lý, cơ quan chuyên môn... Các dòng sông ở miền Trung bị khô hạn có nguyên nhân của việc xây dựng thủy điện một cách ồ ạt làm biến đổi dòng chảy, mất cân bằng nước, gây khô kiệt các dòng sông...

  • Ông PHAN THANH HÙNG, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thừa Thiên - Huế:
    Trả nước cứu lúa - Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược!

Lần đầu tiên trong lịch sử, sông Bồ tại Thừa Thiên - Huế hạn hán ngay từ cuối mùa đông năm 2009, một hiện tượng trái khoáy. Lòng sông khô cạn đột ngột từ 0,5m đến 1m không chỉ đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, mưu sinh hàng ngày của hàng vạn người dân mà còn uy hiếp trực tiếp tới sự sống còn của gần 7.000ha lúa thuộc các huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền.

Ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế đã triển khai phương án giải quyết khô hạn trước mắt trên sông Bồ là nạo vét, khơi thông dòng chảy, lắp thêm ống dẫn nước công suất lớn, tải nước về các trạm bơm (Phong Sơn - Hương Vân và các trạm bơm trên sông Bồ) cung cấp nước cho vùng hạ lưu. Huy động nguồn nước từ thủy điện Bình Điền (trên sông Hương), với lưu lượng xả là 36m³/giây để ứng cứu lúa đông-xuân và có nước vụ hè-thu nay. Đồng thời đóng tất cả các cửa đập ở hạ lưu nên đã điều tiết được nguồn nước từ sông Hương cho sông Bồ.

Ghe mắc cạn trên sông Bồ. Ảnh: V.V.THẮNG

Ghe mắc cạn trên sông Bồ. Ảnh: V.V.THẮNG

Để tránh xảy ra “cú sốc” như sông Bồ khô hạn đến mức có đoạn ô tô đi được dưới lòng sông như hiện nay, ông Nguyễn Văn Cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp chỉ đạo thủy điện Hương Điền, phải thực hiện ngay phương án cấp nước trả lại hạ lưu khi cao trình mức nước thượng lưu đạt +34m nhưng đến thời điểm này đã gần cuối tháng 5-2010, dù đã tích nước ở cao trình vượt 35m nhưng thủy điện Hương Điền lại lấy lý do “đang vướng thi công” một số hạng mục như nạo vét lòng sông, kè chống xói lở ở phía hạ lưu thân đập thủy điện... nên “phớt lờ” lệnh xả nước của lãnh đạo tỉnh?

Một lần nữa, ông Nguyễn Văn Cao, hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, lại yêu cầu chủ đầu tư dự án thủy điện Hương Điền đến ngày 15-6 phải trả nước cho hạ lưu sông Bồ.

Chúng tôi mong thủy điện Hương Điền thực hiện đúng theo lệnh Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đừng khất lần... Đợi mưa lũ tràn về rồi xả nước một thể (!).

VŨ VĂN THẮNG ghi

  • Ông HUỲNH VẠN THẮNG, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng:
    Thủy điện phá vỡ cân bằng nước

Theo Quyết định 875/QĐ-KTĐT ngày 2-5-2003 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) về việc phê duyệt quy hoạch bậc thang thủy điện hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp) thì cân bằng nước tự nhiên được đảm bảo duy trì và cải thiện tốt hơn.

Quyết định này cũng khẳng định “các hồ chứa A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Đắk Mi 4, Sông Côn 2 ở giai đoạn nghiên cứu, thiết kế tiếp theo cần đánh giá khả năng tham gia giảm lũ cho hạ du, cần có biện pháp phù hợp để đảm bảo nguồn nước cho môi trường hạ lưu sau tuyến đập và trong mọi trường hợp, công trình Sông Bung 4 phải xây dựng trước công trình Đắk Mi 4”.

Tuy nhiên, ở các giai đoạn tiếp theo, các cơ quan hữu quan đã không thực hiện đúng với tinh thần của Quyết định 875.

Thứ nhất, khi xây dựng các công trình thủy điện đã giảm đi tổng lượng nước các hồ chứa bổ sung cho sông Vu Gia, trong đó: hồ chứa Sông Côn 2 giảm 210 triệu m³; hồ chứa Sông Bung 4 giảm 234 triệu m³. Như vậy, với 2 công trình Sông Côn 2 và Sông Bung 4 đã giảm đi 444 triệu m³ nước. Tổng lượng nước trung bình của thủy điện Đắk Mi 4 lấy đi của sông Vu Gia trong mùa khô 1,014 tỷ m³, trong khi đó tổng lượng nước bổ sung chỉ còn 595 triệu m³. Điều này sẽ gây mất cân bằng nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Vu Gia, nơi vẫn thường xảy ra hạn hán, thiếu nước.

Thứ hai, trên thực tế, thủy điện Đắk Mi 4 được thực hiện xong trước thủy điện Sông Bung 4 dự kiến 2 năm, điều này trái ngược với tinh thần Quyết định 875, làm cho tình hình thiếu nước ở thời gian 2 năm đó càng thêm nghiêm trọng do lúc này lượng nước bổ sung chỉ còn 267 triệu m³ trong khi tổng lượng nước bị lấy đi đến 1,014 tỷ m³. Hơn nữa, tất cả các công trình thủy điện trên đều không có công trình tham gia giảm lũ, chậm lũ theo Quyết định 875 vì hồ chứa không có dung tích phòng lũ.

Do không thực hiện đúng với Quyết định 875, tình hình thiếu nước ở hạ du sông Vu Gia sẽ rất nghiêm trọng. Chính vì vậy, vừa qua Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam (IDICO) phải thay đổi thiết kế và xây dựng cống điều tiết tại tuyến đập có khả năng xả 25m³/giây nước về lại sông Vu Gia đồng thời chỉ đạo Bộ NN-PTNT khảo sát xây dựng các hồ chứa trên lưu vực sông để bổ sung nước cho hạ du sông Vu Gia.

IDICO phải thiết kế cống điều tiết tại tuyến đập Đắk Mi 4 có khả năng xả 47m³/giây từ nay cho đến khi các dự án thủy điện đi vào hoạt động và các hồ chứa bổ sung nước vùng hạ du được dựng xong thì hạ mức xả xuống còn 25m³/giây. Như thế mới đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế, dân sinh ở hạ lưu sông Vu Gia với lợi ích doanh nghiệp.

NGUYÊN KHÔI ghi

  • Ông PHAN TRỌNG HỔ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định:
    Chuyển đổi cây trồng ở vùng thiếu nước

Hiện lượng nước ở các hồ chứa trên địa bàn Bình Định chỉ ở mức từ 50% - 70% so dung tích thiết kế ban đầu. Lưu lượng dòng chảy trên sông Côn, tại Đại Bình (An Nhơn) đang ở mức 18,2m³/giây; lưu lượng dòng chảy trên sông Lại 0,8m³/giây, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình nhiều năm gần đây.

Trong vụ hè-thu này, Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định ký kết hợp đồng cung cấp nước tưới cho 23.646ha lúa và cây trồng cạn, sau đó là 6.817ha lúa vụ mùa. Tuy nhiên, nếu nắng nóng kéo dài như hiện nay thì khó đáp ứng đủ nguồn nước tưới.

Đối với những vùng thiếu nước tưới cục bộ, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân chuyển đổi từ cây lúa nước sang các cây trồng cạn, các loại cây có khả năng chịu hạn cao…  

HOÀNG TRỌNG ghi

- Thông tin liên quan:

>> Miền Trung: Sông cạn - Núi mòn

- Bài 2: Triệt sản cá quý, thu hẹp thủy sinh

- Bài 1: Chảy đi sông ơi!

Tin cùng chuyên mục