Báo SGGP ngày 6 và 7-7-2012 có đăng loạt bài “Những hệ lụy quy hoạch treo”. Theo đó, phản ánh những khu dân cư đã bị quy hoạch treo hơn 10 năm khiến đời sống người dân trở nên điêu đứng, nhất là không được sử dụng diện tích đất của chính mình. Liên quan đến phản ánh này, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh TPHCM, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
° Phóng viên: Dự án Công viên đa năng tại xã Bình Hưng đã được quy hoạch hơn 10 năm qua. Vậy UBND huyện đã có cách nào tháo gỡ quy hoạch treo này cho người dân?
° Ông Nguyễn Văn Trường: Dự án Công viên đa năng tại xã Bình Hưng nói riêng và hơn 100 dự án khác tại huyện Bình Chánh nói chung được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch thành Khu đô thị Nam Sài Gòn từ năm 1997. Nhưng từ đó cho đến nay, rất ít dự án được triển khai do vướng công tác đền bù giải tỏa. Riêng dự án công viên có diện tích 46,9ha tại xã Bình Hưng thì đã trải qua hai chủ đầu tư. Năm 2002, thành phố có quyết định thu hồi đất và giao cho huyện lập hiện trạng. Đến 2004 giao Công ty Nam Sài Gòn triển khai nhưng đến năm 2008, công ty này không thể thực hiện. Đến năm 2009 thành phố quyết định chuyển đổi nhà đầu tư sang cho Công ty cổ phần Park City nhưng cho đến nay cũng chưa thể triển khai được.
° Nguyên nhân nào khiến dự án giậm chân tại chỗ?
° Đây là công ty 100% vốn nước ngoài, cũng chính vì thế UBND huyện Bình Chánh được giao nhiệm vụ đền bù, giải tỏa và giao đất trống cho nhà đầu tư. UBND huyện đã thực hiện điều tra, lập hiện trạng và thương thảo đền bù với mức giá 200.000 - 375.000 đồng/m² tùy loại đất nông nghiệp thuần túy, đất trồng cây lâu năm hay đất mặt tiền. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa được sự chấp thuận của người dân.
° ông nhận xét như thế nào về mức giá đền bù đang áp dụng bồi thường giải tỏa cho các hộ dân trên?
° Cũng phải thừa nhận rằng, mức giá đền bù này rất bất hợp lý so với giá thị trường. Hiện nhiều nhà đầu tư khác được giao công tác tự thương thảo, đền bù cho người dân để thực hiện dự án lân cận đó, đang thương thảo đền bù với giá gấp 10 lần, thậm chí còn hơn như thế. Do đó, chuyện UBND huyện chưa nhận được sự đồng thuận của người dân cũng dễ hiểu. Vì thế, đến nay dự án vẫn chưa thể thực hiện được.
° Trong trường hợp UBND huyện và người dân không thể đạt được thỏa thuận mức giá đền bù, huyện có hướng nào “giải thoát” quy hoạch treo cho người dân?
° Bản thân ban quản lý đền bù, giải tỏa thuộc UBND huyện đã nhiều kiến nghị các cơ quan chức năng và thành phố xem xét mức giá đền bù sao cho tương xứng với giá đất thực tế. Tuy nhiên, rất khó để có thể điều chỉnh mức giá quy định này. Để gỡ khó trên, huyện cũng đã chủ động làm việc với chủ đầu tư dự án để linh động, tìm phương án bố trí khu tái định cư cho người dân (khoảng 405 hộ bị giải tỏa trắng). Theo đó, sẽ thực hiện hoán đổi đất cho người dân nhưng chủ đầu tư trả lời là không thực hiện được do không có chức năng mua bán bất động sản.
Xuất phát từ những bế tắc trên, huyện đã đề xuất với lãnh đạo thành phố cũng như Chính phủ cho huyện lên thị xã. Từ đó, tạo cơ sở đề xuất những xã có tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, khoảng 10/16 xã hiện hữu, trong đó có xã Bình Hưng sẽ được nâng cấp lên phường. Đồng thời qua đó tạo cơ sở cải tạo lại quy hoạch những dự án tại các xã trên thành khu dân cư ổn định, từng bước xóa bỏ quy hoạch treo cho người dân. Chỉ có điều đây mới chỉ là đề xuất, còn các cơ quan chức năng có thông qua hay không còn phải chờ.
° Nói như ông có nghĩa thời hạn treo quy hoạch tại xã Bình Hưng chưa có điểm dừng?
° Cũng gần đúng như vậy. Thực ra, đề xuất nâng cấp từ huyện lên thị xã là giải pháp duy nhất nhằm giải quyết dứt điểm nạn quy hoạch treo vốn đã và đang kéo dài như hiện nay. Nếu đề xuất trên không được thông qua thì huyện khẳng định chắc chắn là sẽ bế tắc trong việc thực hiện đền bù, giải tỏa hoặc xóa quy hoạch treo cho người dân như tại dự án công viên đa năng ở xã Bình Hưng nói riêng và 100 dự án tại các xã khác của huyện nói chung.
Điều đáng nói, chính sự bế tắc của chính quyền địa phương đã và đang đẩy cuộc sống người dân vào chỗ bần cùng. Có nhà ở mà không thể xây cất mới. Có đất mà không thể phát triển kinh tế cũng như đời sống gia đình. Đó là chưa kể hàng ngàn người dân đang phải tập sống chung với hạ tầng cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên ngập úng bởi mưa và triều cường, nguồn thải ô nhiễm bao quanh.
Ái Vân