Phản hồi loạt bài Trục lợi trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học: Khi “gian lận học thuật” trở nên sôi động

Thông qua loạt bài Trục lợi trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học (Báo SGGP đăng từ ngày 28 đến 30-11), tôi xin chia sẻ thông tin về một số nhà khoa học bỏ tiền mua bài báo từ Nga. Mặc dù bài viết không phân tích chi tiết mức độ giống nhau của những bài báo được rao bán với những bài báo đã được công bố của 9 nhà khoa học tại Việt Nam, nhưng tôi nghĩ nó sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này. 
Danh sách vị trí tác giả, mức giá được rao bán trên trang web www.123mi.ru. Ảnh: TGCC
Danh sách vị trí tác giả, mức giá được rao bán trên trang web www.123mi.ru. Ảnh: TGCC

Kể từ năm 2019, Tiến sĩ Anna Abalkina, một nhà xã hội học tại Đại học Tự do Berlin (Freie Universität Berlin), đã theo dõi một trang web chuyên rao bán quyền tác giả bất hợp pháp có trụ sở tại Moscow (Nga) cho các nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, với giá vài trăm đến 5.000 USD. Trang website do họ lập ra có tên miền www.123mi.ru.

Từ khi trang web www.123mi.ru được phát hành vào tháng 12-2018, Tiến sĩ Anna Abalkina đã phân tích hơn 1.000 quảng cáo được đăng ở trang web này và đã tìm thấy hơn 419 bài báo xuất hiện khớp với các bản thảo trên hàng chục tạp chí khác nhau. Kết quả của nghiên cứu và phân tích này được Tiến sĩ Anna Abalkina công bố vào tháng 3-2021. Trong số những bài báo đó, có hơn 100 bài được xác định đã xuất bản trên những tạp chí uy tín lâu đời. Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách tác giả với 9 người. 

Để thu hút khách hàng tiềm năng, các quảng cáo trên www.123mi.ru cung cấp thông tin chi tiết về từng tờ báo được tuyên bố đã chấp nhận để xuất bản, bao gồm chủ đề, số lượng tác giả… Các quảng cáo cũng cung cấp gợi ý về uy tín và tác động của tạp chí mà bài báo sẽ xuất hiện, bao gồm cả việc nó có được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Scopus và Web of Science hay không. Trong quá trình tìm hiểu trang web www.123mi.ru, tôi cũng nhận thấy giá bán cho các vị trí tác giả cũng khác nhau. Nó phụ thuộc vào vị trí của người mua trong danh sách tác giả và yếu tố tác động của tạp chí (IF - Impact Factor). Thông thường, chi phí này dao động từ 175-4.800 USD, với các vị trí tác giả đầu tiên thường có giá rao bán cao nhất. Nhà xuất bản Science đã liên hệ với Nhà xuất bản Quốc tế LLC (có văn phòng ở Ukraine, Kazakhstan và Iran) nhiều lần qua email, điện thoại và WhatsApp để tìm hiểu thông tin nhưng không nhận được phản hồi từ họ. Mặt khác, Science đã liên hệ với 20 tác giả được cho có tên trong những bài báo do Tiến sĩ Anna Abalkina báo cáo, nhưng hầu hết họ đều không trả lời. 

Mỗi năm có hơn 4.000.000 bài báo học thuật được xuất bản. Trong năm 2021, các nhà xuất bản đã rút lại 724 bài báo được cho đến từ các “nhà sản xuất” bài báo và có hơn 1.000 bài báo như vậy được rút lại trong thập niên qua. Nếu như nghiên cứu sâu hơn, chúng ta dễ dàng nhận thấy đây là hậu quả của việc áp đặt các chính sách bắt buộc trong quá trình thăng tiến và các khoản thưởng tài chính đến từ chính phủ và những đơn vị học thuật (viện, trường đại học) dành cho các nhà nghiên cứu khoa học. Điều này càng thể hiện rõ ở những quốc gia có chính sách tương tự nhau như Nga, Trung Quốc và Việt Nam. 

Rõ ràng, báo cáo của Tiến sĩ Anna Abalkina chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo về một trào lưu “gian lận học thuật” đang rất thịnh hành trong những năm gần đây. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời thì những thiệt hại do chính những nhà khoa học không liêm chính sẽ gây ra rất lớn. Nó có thể gây thất thoát ngân sách của chính phủ, sự mất lòng tin vào khoa học của cộng đồng học thuật. Trong trường hợp nếu những nhà khoa học có hành vi thiếu trung thực được bầu chọn vào những vị trí cấp cao của một tổ chức nào đó trong hệ thống nhà nước thì hệ lụy sẽ càng lớn.

PGS-TS LÊ TRUNG CHƠN, Trường Đại học Tài nguyên-Môi trường TPHCM: Lời thề Socrates dành cho các nhà khoa học

Vệt bài Trục lợi trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học phản ánh đúng thực trạng hiện nay.

Theo tôi, các nhà khoa học, giảng viên đại học nên ghi nhớ lời thề của Socrates: “Tôi hứa sẽ vận dụng hết tâm lực và khả năng để phụng sự cho giáo dục của từng em học trò mà cha mẹ và xã hội giao ủy thác cho tôi”. Đối với trường đại học có 3 nhiệm vụ chính là đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Do đó, môi trường đại học là tự do học thuật và sáng tạo kèm theo một thể chế tốt, chứ không phải là tiền (tiền thưởng), là mua bán. Sự chính trực của người thầy sẽ sản sinh ra một thế hệ tương lai chính trực. Sự giả tạo trong giáo dục và nghiên cứu khoa học sẽ sản sinh ra thế hệ tương lai giả dối và một nền khoa học suy đồi. Nguồn lực thực sự của trường là điều quan trọng, chứ không phải vay mượn của người khác. Làm như thế khác gì cây không có gốc. Như vậy là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. 



TS LÊ VĂN ÚT, Trưởng nhóm Nghiên cứu đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (Trường Đại học Văn Lang): Mỗi đại học nên có một đơn vị tư vấn về đạo đức nghiên cứu


Vệt  bài Trục lợi trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học là thông điệp cho các đại học nếu muốn nghiên cứu khoa học theo chuẩn mực quốc tế.

Thứ nhất, việc thưởng cho các bài báo trên tạp chí ISI/Scopus cho thấy các đại học không có kế hoạch phát triển và quản lý nghiên cứu một cách chuyên nghiệp. Lẽ ra các đại học nên có quy định rõ ràng về nhiệm vụ nghiên cứu của giảng viên và khi đó không nhất thiết phải có khái niệm thưởng mà có thể đưa trực tiếp vào thu nhập của giảng viên.

Thứ hai, nếu chỉ dừng lại ở việc thưởng thì có thể chưa đo lường được giá trị đích thực của các bài báo đối với sự phát triển giáo dục của đại học.

Thứ ba, hiện trong số vài chục ngàn tạp chí ISI/Scopus thì cũng có những tạp chí có chất lượng không cao nên nếu thưởng mà không có thẩm định chất lượng thì có thể dẫn tới sự lãng phí nguồn lực của đại học. Việc mua bán bài báo khoa học, bỏ tiền để đứng tên trong các bài báo khoa học sẽ dẫn tới danh không thật và lãng phí tiền cho các đại học. Ngoài ra, việc “ké tên” tạo một thói quen không lành mạnh trong môi trường nghiên cứu và về lâu dài thì rất không tốt cho các đại học.

Để kiểm soát được những hiện tượng trục lợi như vệt bài mà Báo SGGP phản ánh là một vấn đề rất nan giải của các đại học, cần phải có sự quyết liệt từ lãnh đạo đại học đến các đơn vị quản lý. Cách làm chung là mỗi đại học nên có một đơn vị tư vấn về đạo đức nghiên cứu và quan trọng là phải có những chuyên gia am hiểu về chính sách, thông lệ phát triển và quản lý nghiên cứu để có thể đề xuất các quy định hay quy chế để kiểm soát vấn đề này. Đã đến lúc chúng ta phải minh định nhiệm vụ của các vị trí công việc. Cần phải đẩy nhanh việc nghiên cứu, xây dựng các quy định, quy chế về đạo đức nghiên cứu, liêm khiết khoa học để ngăn chặn và xử lý việc trục lợi phi pháp trong nghiên cứu. Đây là lỗ hổng lớn nhất hiện nay mà từ cấp quản lý (Bộ GD-ĐT) cho đến các cơ sở đào tạo chưa thể bịt được. 

Hiện hội đồng khoa học Trường Đại học Văn Lang đã mời các giảng viên viết bài ký tên ở trường khác (N.H.Tuấn viết bài ký tên Trường Đại học Thủ Dầu Một) và Tiến sĩ V.M.H. có nhiều bài trên các tạp chí dỏm, tạp chí mạo danh để nhận tiền thưởng, lên làm bản tường trình và cam kết. Trước mắt, nhà trường sẽ thông báo bằng hình thức cảnh cáo và không thưởng cho bài báo đăng trên các tạp chí dỏm, tạp chí mạo danh. Trường cũng đang xúc tiến xây dựng quy chế đạo đức trong nghiên cứu, xem nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc và chỉ thưởng cho những bài báo xuất sắc. 

Tin cùng chuyên mục