Phản hồi loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo”: Minh bạch, xử lý nghiêm

Qua những gì Báo SGGP phản ánh cùng những thông tin “hậu trường” mà bạn đọc, chuyên gia tiếp tục cung cấp sau loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo”, đã đến lúc cần có câu trả lời cho câu chuyện này. 
Hiến máu cứu người là một việc làm nhân văn
Hiến máu cứu người là một việc làm nhân văn

Thông tư 17/2020/TT-BYT (ban hành ngày 12-11-2020, quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn) quy định: quà tặng cho người hiến máu thể tích 250ml là 100.000 đồng, 350ml là 150.000 đồng, 450ml là 180.000 đồng. Nếu chi phí quà tặng này phải “cõng” thêm chi phí bốc xếp hàng từ kho lên ô tô, từ ô tô đến điểm hiến máu, nhân viên phát quà, thuế VAT và cả lãi cho người làm dịch vụ… như Giám đốc Công ty Cường An yêu cầu Báo SGGP phải tính đúng tính đủ thì người hiến máu đang phải “gánh” cả chi phí tổ chức. Nhưng thông tư của Bộ Y tế không quy định như thế. Thông tư phân định rạch ròi chi phí tổ chức, vận động tuyên truyền; chi phí suất ăn nhẹ và đi lại; chi phí quà tặng… Mỗi một con số, khoản chi đều rất tường minh, cụ thể trong quy định, chỉ là trong thực tế việc tính đúng tính đủ lại rất khác. 

Chuyện “khác” ở đây còn dần hiển lộ khi chuyên gia đấu thầu, bạn đọc không ngừng đặt nghi vấn về hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thoát cho ngân sách. Đấu thầu là hình thức pháp luật quy định phải cho ít nhất 3 công ty tham gia (ngoại trừ các loại hàng hóa đặc biệt độc quyền không ai có) nhằm chọn được nhà cung cấp giá rẻ nhất, chất lượng tốt để tiết kiệm chi phí.

Thực tế, có nhiều đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm để trục lợi, trong đó “thông thầu” là hình thức thường xuyên được “biểu diễn”. Đó là những cuộc đấu thầu cũng có đủ 3 công ty tham gia theo quy định nhưng 3 công ty này có thể có họ hàng, anh em với nhau, vợ đứng tên 1 công ty, chồng đứng tên 1 công ty, anh em đứng tên 1 công ty. Tuy 2 hoặc 3 nhưng là… 1 ông chủ, vì vậy vô hình trung triệt tiêu tác dụng cạnh tranh của hoạt động đấu thầu.

Đơn cử, gói thầu Mua sắm quà tặng và suất ăn nhẹ cho người hiến máu nhân đạo năm 2022-2023 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, có 4 đơn vị nhà thầu, trong đó có Công ty cổ phần Sự kiện Cường An và hộ kinh doanh Nguyễn Bích Ngọc (như Báo SGGP từng phản ánh, 2 đơn vị trên từng liên danh và trúng thầu tại TPHCM và bà Ngọc có chung hộ khẩu với ông Cường).

Trong những lần tiếp xúc giữa PV Báo SGGP với các đơn vị liên quan sau khi loạt bài đăng tải cũng như trong những văn bản mà các đơn vị này gửi đến báo đều “đẩy” trách nhiệm khi cho rằng, thông tin trên Báo SGGP ảnh hưởng rất lớn đến phong trào hiến máu tình nguyện, làm cho người dân và người hiến máu hiểu lầm, tạo dư luận không tốt đến phong trào. 

Chúng tôi một lần nữa khẳng định: Những đơn vị tham gia trục lợi từ quà tặng hiến máu tình nguyện mới là đối tượng chịu trách nhiệm và cần phải được xử lý theo pháp luật.

Theo một chuyên gia đấu thầu, nếu không có sự “trao đổi” với nhau trước, khả năng 2 đơn vị độc lập đưa ra số kế hoạch của bên mua trùng hợp bằng số chào giá của bên bán là rất khó xảy ra, việc trùng khớp đến từng con số thì thực tế khách quan cho thấy xác suất xảy ra gần như… bằng 0. Thế nhưng, với Công ty Cường An, tại nhiều địa phương, xác suất bất khả thi này lại… thường xuyên khả thi. 

Từ lúc tiếp nhận máu hiến, những giọt máu đào đi qua mỗi khâu trước khi đến được với người cần đều có những chi phí nhất định đã được luật hóa. Khi giọt máu hồng trao đi, điều gì đọng lại - câu hỏi này chúng tôi xin đặt lên bàn của những cơ quan hữu quan.

Theo luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TPHCM, những hành vi lợi dụng, trục lợi chế độ, chính sách liên quan đến việc hiến máu cần phải được lên án nghiêm khắc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Hiện có nhiều dấu hiệu không minh bạch trong việc đấu thầu cung cấp các vật phẩm phục vụ cho việc hiến máu, cần phải được tiến hành thanh tra theo quy định pháp luật. Trong quá trình thanh tra, nếu xét thấy có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu theo Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 thì chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để tiến hành xử lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.


Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không liên quan?


Ngày 11-11, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Gia Tiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), cho biết, chương trình quà tặng của Công ty cổ phần Sự kiện Cường An với trung tâm hiến máu các địa phương là việc của hai bên, Trung ương Hội không có cam kết về vấn đề này.

Theo ông Lê Gia Tiến, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chỉ có một bản ghi nhớ phối hợp với Công ty cổ phần Sự kiện Cường An xung quanh hoạt động nhân đạo bằng các hoạt động: hỗ trợ trực tiếp qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoặc các tỉnh, thành hội về xây nhà tình nghĩa, tặng quà tết… chứ không cam kết, ràng buộc gì trong lĩnh vực quà tặng. 

PV Báo SGGP tiếp tục đặt vấn đề, tháng 7-2021, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các hoạt động nhân đạo giai đoạn 5 năm (2021-2025), đây có phải là hình thức Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giới thiệu Công ty cổ phần Sự kiện Cường An với hội chữ thập đỏ các tỉnh, thành khác không? Trả lời vấn đề này, ông Tiến cho rằng, đây là hợp tác song phương giữa Công ty cổ phần Sự kiện Cường An và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong hoạt động nhân đạo, không có nội dung liên quan đến vấn đề hiến máu. Hội Chữ thập đỏ chỉ làm công tác truyền thông, vận động và Trung tâm Hiến máu nhân đạo tiếp nhận, có trách nhiệm phải trả quà cho người hiến máu. Vì có một hợp đồng trách nhiệm giữa bên lấy máu và bên vận động thì bên vận động được ủy quyền mua sắm quà tặng. Ở TPHCM, Trung tâm Hiến máu nhân đạo được Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM chuyển kinh phí cho trung tâm mua quà tặng và Công ty cổ phần Sự kiện Cường An là một trong những đối tác tham gia trúng thầu của đơn vị này; không có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. 

Trả lời câu hỏi, việc Công ty cổ phần Sự kiện Cường An trúng thầu ở rất nhiều địa phương như TPHCM, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… liệu có điều gì bất thường không, ông Lê Gia Tiến cho rằng, hiện không nắm được có bao nhiêu tỉnh, thành trúng thầu cung cấp quà tặng hiến máu của Công ty cổ phần Sự kiện Cường An. Trung ương Hội khẳng định không có việc giới thiệu Công ty cổ phần Sự kiện Cường An vào mạng lưới của Trung ương Hội. 

Cùng ngày, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Văn Hậu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, đầu năm 2021, thông qua giới thiệu của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hội biết đến Công ty cổ phần Sự kiện Cường An. Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm quà tặng, đồ ăn nhẹ để phục vụ công tác hiến máu tình nguyện vẫn được thực hiện đúng theo quy trình đấu thầu thông qua Trung tâm Đấu thầu quốc gia. 

Trước đó, ngày 10-11, đại diện Thành đoàn TP Đà Nẵng cũng cho rằng, Công ty cổ phần Sự kiện Cường An là một đối tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và cũng nhìn nhận, đây là đơn vị có kinh nghiệm trong việc thực hiện hoạt động này.

Thêm một số gói thầu của Công ty Cường An

Ngoài những gói thầu đã phản ánh trong loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo”, nhiều cá nhân, đơn vị tiếp tục thông tin đến Báo SGGP cho biết, Công ty cổ phần Sự kiện Cường An còn trúng nhiều gói thầu cung cấp quà tặng, suất ăn nhẹ cho người hiến máu:

* Gói thầu số 03 mua sắm quà tặng, đồ ăn nhẹ để phục vụ hiến máu tình nguyện của Hội LHTN TP Đà Nẵng trị giá 8.370.000.000 đồng.

* Gói thầu số 03 mua sắm quà tặng, đồ ăn nhẹ để phục vụ hiến máu tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tây Ninh có giá dự toán và trúng thầu bằng nhau 9.720.000.000 đồng.

* Gói thầu số 03 mua sắm quà tặng, đồ ăn nhẹ để phục vụ hiến máu tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có giá dự toán và giá trúng thầu bằng nhau 9.666.000.000 đồng.

* Gói thầu mua sắm quà tặng phục vụ công tác hiến máu tình nguyện của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên có giá dự toán và giá trúng thầu bằng nhau 1.945.000.000 đồng.

Tin cùng chuyên mục