Phản hồi loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo”: Nhiều hình thức vi phạm pháp luật “trú ẩn” trong đấu thầu

Ngày 10-11, trao đổi với phóng viên Báo SGGP bên hành lang kỳ họp Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, trong một số trường hợp, giải pháp đàm phán giá công khai minh bạch còn hiệu quả hơn đấu thầu “dấm dúi”. 

Người hiến máu chọn quà tặng tại một điểm hiến máu ở TPHCM

* PV: Thưa bà, vừa qua, Báo SGGP có phản ánh hiện tượng một công ty liên tục trúng thầu với giá trúng thầu bằng giá dự toán, tiết kiệm cho ngân sách bằng 0 (trong loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo”), điều này có bất thường không? 

* Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Tôi chưa nghiên cứu kỹ vụ việc cụ thể đó, nhưng nếu đúng như báo phản ánh, thì đó chính là một trong nhiều dạng tiêu cực đang “trú ẩn” trong hoạt động đấu thầu. Tôi rất đồng tình với đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) khi ĐB phân tích về 5 chiêu trò lách luật, chính xác hơn là vi phạm pháp luật trong đấu thầu.

Đó là chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu; cài cắm các điều khoản hướng thầu để “cài thầu quen, chèn thầu lạ”; thiết lập liên minh “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, vây thầu. Rồi thì móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu, nhũng nhiễu, tiêu cực khác… 

* Vậy việc đấu thầu diễn ra sau khi cung cấp dịch vụ như Báo SGGP phản ánh có đúng luật không?

* Nếu đúng như báo phản ánh thì đó là một trường hợp hợp thức hóa sai phạm. 

Phản hồi loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo”: Nhiều hình thức vi phạm pháp luật “trú ẩn” trong đấu thầu ảnh 2 Người hiến máu chọn quà tặng tại một điểm hiến máu ở TPHCM

 * Với vụ việc như vậy, phải xử lý thế nào?

* Pháp luật hiện nay có đầy đủ các quy định về xử lý sai phạm, cần đối chiếu cụ thể. Nhưng tôi cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong hoạt động đấu thầu hiện nay, và cũng là chủ đề được nhiều ĐB Quốc hội đề cập đến một cách rất bức xúc khi bàn về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này, nằm ở chỗ khác.

Như chúng ta đang thấy, đấu thầu không phải phương pháp duy nhất để mua được hàng hóa, dịch vụ với giá cả và chất lượng hợp lý; thậm chí đôi khi chính hoạt động đấu thầu lại tạo ra sơ hở cho tiêu cực luồn lách vào nếu người ta có lòng tham và cố ý tiêu cực. Trường hợp báo đề cập có thể là như vậy.

Nói cách khác, đừng “mê tín” đấu thầu quá mức. Đây là chuyện phải tính khi xây dựng, ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi). Chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến các hình thức mua sắm công khác, bên cạnh đấu thầu, ví dụ như đàm phán giá, tìm kiếm trên thị trường, có hội đồng mua sắm của cơ quan, đơn vị cùng bàn bạc, ra quyết định. Cộng với sự giám sát của các tổ chức, của thanh tra nhân dân… có thể còn tiết kiệm được cho ngân sách nhiều hơn là đấu thầu kiểu “dấm dúi”.

Tin cùng chuyên mục