Phân khúc căn hộ: Đứng vững sau đại dịch

Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có thị trường bất động sản với giao dịch giảm ở hầu hết các phân khúc. Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn cung nên phân khúc căn hộ có dấu hiệu hồi sinh nhanh sau đại dịch.
Khách hàng tìm hiểu dự án căn hộ cửa ngõ phía Đông TPHCM
Khách hàng tìm hiểu dự án căn hộ cửa ngõ phía Đông TPHCM

Thiếu nguồn cung, giá tăng

Trong vòng 2 năm trở lại đây, nguồn cung căn hộ tại TPHCM rơi vào cảnh khan hiếm do ách tắc về các thủ tục pháp lý. Giá bán căn hộ cũng tăng theo do cung không đủ cầu.

Theo báo cáo quý III/2021 của Công ty DKRA Việt Nam cho thấy do dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh - thành phía Nam, các địa phương phải siết chặt giãn cách xã hội nên nguồn cung cũng như mức độ tiêu thụ ở phân khúc nhà ở đều sụt giảm. 

Tuy nhiên, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết giá bán bất động sản trong phân khúc nhà ở vẫn không giảm. Tại TP.HCM, giá bất động sản tăng 5%-15% so với cùng kỳ.

Chị Thái Châu (quận 8) mua căn hộ trên địa bàn quận Bình Tân. Dự án gặp rắc rối về một số thủ tục pháp lý và đang chờ thành phố tháo gỡ nên đến nay vẫn chưa thi công tiếp được. Chị Châu muốn thanh lý thì được biết giá bán đã chênh lệch khoảng 7 triệu đồng/m². Giá khi mua vào chỉ khoảng 23 triệu đồng/m² thì nay đã hơn 40 triệu đồng/m². Một số dự án tại cửa ngõ phía Đông cũng có biên độ tăng giá nhanh. Căn hộ chị Minh Thư mua ở khu Làng Đại học Quốc gia ngay giai đoạn đầu mở bán cuối năm 2020 thì nay giá bán đã tăng hơn 7%. 

Anh Trọng Khang - chuyên viên môi giới cho biết, sau dịch nhiều người muốn bán ra để thu hồi tiền và sợ thị trường gặp khó. Tuy nhiên, giá căn hộ sau dịch vẫn đang có chiều hướng tăng nên nhà đầu tư nóng vội bán ra sẽ mất cơ hội sinh lời khi thị trường phục hồi hoàn toàn.

Người dân có nhu cầu tìm mua nhà ở tại khu Đông tăng cao


Thị trường vẫn đứng vững

Thống kê cho biết nguồn vốn đổ vào ngành bất động sản và chứng khoán dẫn đầu thị trường các ngành hồi phục sau đại dịch. Nhìn chung, bất động sản vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn trong trung và dài hạn.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Khang, CEO của LDG Investment, nhận định: “Lịch sử ngành bất động sản đã chứng minh rằng có nhiều giai đoạn khá trầm lắng nhưng chưa bao giờ giảm giá. Thêm vào đó, kênh bất động sản vẫn là một trong số ít các kênh đầu tư có lợi nhuận cao nhất”.

Trong cơ cấu kinh tế hiện nay, đóng góp của ngành bất động sản vào nền kinh tế khoảng 21 tỷ USD, chiếm 7,7% GDP. Trong khi đó, kỳ vọng của Chính phủ đến năm 2025, ngành này phải đóng góp khoảng 54 tỷ USD, chiếm khoảng 10% GDP. Do đó, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và tăng lợi nhuận cao.

Tại TP.HCM, để phục hồi nhanh kinh tế, cơ quan chức năng đã công bố sẽ tập trung giải quyết và tháo gỡ các thủ tục hành chính cho các dự án bất động sản để đẩy mạnh tăng trưởng thị trường. Ngoài ra cũng cần chấm dứt tình trạng trầm lắng, thiếu nguồn cung đã diễn ra suốt 2 năm qua. 

Nhiều khu căn hộ sẽ được xem xét giải quyết các vướng mắc thủ tục để xây dựng. Tin tức này đã nhanh chóng thu hút nhà đầu tư và tạo nên kỳ vọng cho thị trường. Trên sàn giao dịch chứng khoán, vốn vào các mã ngành bất động sản tăng nhanh. Ghi nhận sau những tin tức tích cực, nhiều khu căn hộ đã tăng giá. Giới chuyên gia cho rằng nếu thành phố tháo gỡ sớm thì chỉ trong thời gian ngắn, thị trường chắc chắn sẽ phục hồi sôi động không thua kém gì trước khi có dịch.

Anh Vũ Tiến Cường (Giám đốc kinh doanh sàn S) cho biết nếu các thủ tục pháp lý tháo gỡ thì tính thanh khoản nhà ở sẽ tăng cao, người mua nhà sẽ dễ giao dịch và có lợi nhuận. Việc cân nhắc nên giữ lại hay bán tháo nhà ở lúc này chủ yếu nằm ở niềm tin của người mua nhà và nhu cầu thu hồi vốn. Nếu không cần thiết thu hồi vốn thì đầu tư vào nhà ở vẫn là kênh đầu tư an toàn và sinh lời tốt, ít rủi ro nhất.

Tin cùng chuyên mục