Phân loại rác từ nguồn: Vướng ở đâu?

Ngày càng có nhiều chất thải nguy hại trộn lẫn trong chất thải sinh hoạt và được thu gom, xử lý đa phần bằng hình thức chôn lấp như chất thải sinh hoạt. Việc này vừa có hại cho môi trường vừa làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, chỉ có một giải pháp khả thi nhất để xử lý vấn đề này, đó là phân loại rác từ nguồn.
Phân loại rác từ nguồn: Vướng ở đâu?

Ngày càng có nhiều chất thải nguy hại trộn lẫn trong chất thải sinh hoạt và được thu gom, xử lý đa phần bằng hình thức chôn lấp như chất thải sinh hoạt. Việc này vừa có hại cho môi trường vừa làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, chỉ có một giải pháp khả thi nhất để xử lý vấn đề này, đó là phân loại rác từ nguồn.

Vấn đề nan giải

Người dân TPHCM đã biết tới chương trình phân loại rác từ nguồn gần chục năm trước. Lúc đó, được sự giúp đỡ của một tổ chức quốc tế, dân cư ở một vài khu phố của quận 5 đã được hướng dẫn cách phân loại rác từ nguồn. Sau đó khoảng 5 năm, được sự đồng ý của UBND TPHCM, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND quận 6 tiếp tục công tác này ở một số phường thuộc quận.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, trong cả hai chương trình, đa phần người dân tham gia đều “ghi” được điểm tốt bởi sự nhiệt tình ủng hộ hết mình. Lãnh đạo các địa phương cũng tạo được dấu ấn khi hỗ trợ tối đa cho người dân. Không ít trạm trung chuyển rác ở các địa phương này đã có kế hoạch xây dựng các bô rác khác nhau để tiếp nhận rác phân loại… Từ sự thành công này, Sở Tài nguyên - Môi trường đã dự kiến lên kế hoạch triển khai rộng khắp chương trình phân loại rác từ nguồn đến 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Rác được phân loại tại nguồn sẽ giúp cho việc xử lý rác hiệu quả hơn.Ảnh: THANH TÂM

Rác được phân loại tại nguồn sẽ giúp cho việc xử lý rác hiệu quả hơn.Ảnh: THANH TÂM

Thế nhưng, trong lúc mọi việc đang được tiến hành khá tốt thì chương trình “bất ngờ chững lại”. Xuất phát điểm đầu tiên là vướng thủ tục giải ngân. Các quy định của pháp luật không nói rõ chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên - Môi trường hay Sở Xây dựng phải lập dự án cho chương trình phân loại rác từ nguồn nên thành phố phải mất hàng năm trời để xử lý vấn đề này. Thủ tục gỡ xong, vướng tiếp đến một vấn đề khác: chuyên chở rác đã được phân loại như thế nào? Do lịch sử, TPHCM có một lực lượng thu gom rác dân lập rất đông đảo. Đa phần những người này có thu nhập thấp và họ gần như không có khả năng tự đầu tư cho mình xe chuyên chở rác hai ngăn (để chứa rác đã phân loại: một loại là rác hữu cơ và một loại là rác vô cơ).

Ngân sách thành phố cũng không thể đầu tư cho đối tượng ấy. Vướng khâu này nên rác đã được phân loại ở nhà dân, khi thu gom, lại được… trộn chung trở lại. Bài toán rắc rối trên đã được đặt lên bàn của các sở ngành liên quan nhưng chưa tìm ra lời giải.

Khâu chuyên chở tắc, kéo theo các nhà máy, xí nghiệp tái chế rác cũng… tắc. Hiện nay, TPHCM có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế rác ở Khu xử lý rác Phước Hiệp huyện Củ Chi và Khu xử lý rác Đa Phước huyện Bình Chánh như Công ty Xử lý Chất thải rắn Việt Nam, ViệtStar, Tâm Sinh Nghĩa… thế nhưng đa phần họ đều tái chế cầm chừng với số lượng không lớn hoặc “nằm chờ”… rác phân loại.

Giải quyết cách nào

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường phân tích, lực lượng rác dân lập hoạt động đa phần là tự phát, việc đưa họ vào một tổ chức có kỷ luật là không đơn giản. TPHCM cũng không thể thay thế lực lượng này bằng một lực lượng khác chuyên nghiệp hơn, có tổ chức hơn vì đây là nguồn sống chính của không ít người dân. Chính vì vậy, một giải pháp tổng hợp đang được Sở Tài nguyên - Môi trường nghĩ tới. Một mặt tiếp tục triển khai công tác phân loại rác từ nguồn ở những khu vực có nguồn thải cao như siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… Thu gom rác ở các khu vực lớn như trên thường là công nhân vệ sinh của công ty công ích các quận, huyện. Lực lượng này chắc chắn có điều kiện trang bị thùng rác hai ngăn hơn lực lượng rác dân lập.

Mặt khác, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng tính tới việc “tìm kiếm sự hiệp lực” của các… chủ vựa ve chai. Hiện nay những người thu gom ve chai hoặc những người thu gom rác dân lập nếu nhặt thêm được ve chai đều đem bán cho các chủ vựa ve chai. Chủ vựa ve chai sẽ bán lại ve chai thu gom được cho các cơ sở tái chế. Điều đáng nói là đa phần cơ sở tái chế hoạt động trong chuỗi công việc này đều là cơ sở tái chế nhỏ lẻ. Việc tái chế của họ do phần lớn sử dụng công nghệ lạc hậu nên không tạo được ra sản phẩm có giá trị cao mà ngược lại còn gây ô nhiễm môi trường.

Hướng các vựa ve chai bán ve chai cho các nhà máy tái chế hiện đại sẽ đồng thời giải quyết được rất nhiều vấn đề. Đảm bảo nguồn thu thêm (từ việc bán ve chai) cho lực lượng rác dân lập; cắt nguồn nguyên liệu để từng bước đóng cửa các cơ sở tái chế gây ô nhiễm và tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy tái chế hiện đại. “Mọi vấn đề đang được Sở Tài nguyên - Môi trường cân nhắc thận trọng, trước khi đề xuất UBND TPHCM xem xét”, ông Đào Anh Kiệt nói.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục