Nhận diện nhiều nhưng không đưa ra được các giải pháp bảo tồn tương ứng, không có các cơ chế khuyến khích xã hội hóa trong công tác bảo vệ, bảo tồn... chính là những điểm yếu then chốt trong việc quản lý các công trình biệt thự hiện nay tại Hà Nội.
Vì thế, theo kiến trúc sư (KTS) Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên KTS trưởng thành phố, việc sụp đổ của căn biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo là tất yếu. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với KTS Đào Ngọc Nghiêm về vấn đề này.
° PV: Sau nhiều năm, Hà Nội dường như mới chỉ dừng lại ở việc phân loại các biệt thự cổ. Theo ông, muốn bảo tồn, phát triển và đặc biệt là đảm bảo môi trường sống cho người dân trong các công trình ấy cần phải giải quyết những vấn đề gì?
° KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM: Sau 20 năm, việc phân loại đã hoàn tất, tuy nhiên chưa đưa ra được giải pháp duy tu, bảo dưỡng nó. Ví dụ, biệt thự chỉ có tuổi đời tồn tại 100 năm, nhưng giờ nó đã 99 năm rồi thì cần phải có giải pháp thế nào, cơ quan quản lý chưa đưa ra được giải pháp để giải đáp những vấn đề như vậy. Trên thực tế, muốn có được giải pháp hiệu quả thì phải lập hồ sơ của từng biệt thự. Công việc này tuy được đề cập đến từ năm 1996 nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành được một số.
Bên cạnh đó, chúng ta thiếu các cơ chế khuyến khích xã hội hóa bảo dưỡng duy tu nhằm đảm bảo an toàn cho các biệt thự. Một số nước khác ở châu Âu như Thụy Điển, Italia... việc xã hội hóa này được thể hiện rất rõ.
Nhiều biệt thự có giá trị về văn hóa, kiến trúc hiện nay ở Hà Nội là sở hữu tư nhân, do đó muốn gìn giữ, bảo tồn nó thì cần phải có cơ chế khuyến khích, giúp đỡ để nhà nước và người dân đều cùng tham gia bảo tồn. Việc thiếu giải pháp, thiếu cơ chế để bảo tồn các căn biệt thự cũ nên vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo là tất yếu xảy ra! Đây là tín hiệu cảnh báo đối với các công trình công cộng, biệt thự cũ.
Nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bị sập vào ngày 22-9
° Một số ý kiến cho rằng trong điều kiện kinh tế hiện nay việc đưa vào danh sách nhận diện các công trình biệt thự quá lớn khiến cho việc bảo tồn, gìn giữ khó khá thi?
° Kinh nghiệm từ Italia, Đức... là hàng tháng cho các hộ dân tiền để họ duy tu, đồng thời tạo điều kiện mua lại, áp dụng cơ chế đặc thù cho các hộ di dời sang nơi khác sinh sống để biến di sản thành sở hữu của nhà nước. Cũng theo kinh nghiệm của các chuyên gia Italia thì nước này có rất nhiều các công trình di sản kiến trúc, nhưng họ không chọn lựa bảo tồn nhiều (cũng vì lý do kinh tế). Trong khu vực có hàng trăm công trình đặc biệt, họ cũng chỉ chọn lựa ra hơn 40 công trình có giá trị đặt biệt nổi bật để đầu tư bảo tồn. Trong khi đó, Việt Nam lại xây dựng danh mục bảo tồn quá nhiều, trong đó có 12.000 nhà phố cũ, 900 nhà phố cổ... thì làm sao có thể giữ hết được. Phải chăng cần phải phân nhóm kỹ hơn nữa để có giải pháp ứng xử hợp lý. Thay vì giữ nhiều công trình mà không quản lý, bảo tồn tốt nên tập trung đầu tư trọng điểm.
° Phần lớn các công trình biệt thự thời Pháp còn lại ở Hà Nội đều có tuổi thọ trên dưới 100 năm. Như vậy đồng nghĩa với việc hầu hết số đó đã không còn niên hạn sử dụng?
° Các chuyên gia của Pháp thông qua Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã từng trả lời rằng những công trình của Pháp xây dựng, đặc biệt là các biệt thự xây dựng tại Hà Nội đều đã quá niên hạn sử dụng.
° Nhiều nhà biệt thự do nhu cầu sinh sống, người dân đã tự ý cơi nới, hoặc chấp nhận chung sống trong tình trạng căn nhà đã bị xuống cấp. Ông suy nghĩ gì về việc này?
° Gần 20 năm, giờ đây chúng ta mới xây dựng được danh mục phân loại các biệt thự. Hiện đã có bảng phân loại hoàn tất và cũng chỉ ra loại nào cần bảo tồn nguyên trạng, loại nào có thể sửa chữa, cải tạo... Do đó, các đơn vị chức năng cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu họ đang ở trong biệt thự loại nào để họ tìm được giải pháp ứng xử đúng.
° Xin cảm ơn ông!
“Sự cố sập nhà vừa xảy ra cho thấy cách quản lý nhà biệt thự cổ tại Hà Nội đang có những tồn tại, bất cập. Đối với tòa nhà là một di sản thì cơ quan quản lý lại không có quyền can thiệp trực tiếp vào công trình; đơn vị khai thác, sử dụng lại không có khả năng thực tế để tôn tạo sửa chữa cũng như không nắm rõ các quy định phức tạp về bảo tồn. Vì vậy, theo tôi, những người đang ở trong biệt thự nên là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc quản lý, theo dõi chất lượng công trình, phải có những cảnh báo kịp thời đối với các cơ quan chức năng. Chính quyền địa phương cũng có thể hoán đổi cơ quan sử dụng để có người chủ phù hợp với những công trình đặc biệt. Theo tôi biết, nhiều công trình nguy hiểm hơn nhưng nếu có biện pháp thích ứng thì vẫn an toàn, rất hy hữu để xảy ra trường hợp sập đổ, gây thương vong như thế này” KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) |
VĨNH XUÂN (thực hiện)