Ngay sau khi Pháp tuyên bố hoàn tất chiến dịch giải tán khu trại tại Calais, dư luận đặt dấu hỏi lớn về số phận của khoảng 1.200 trẻ vị thành niên bị mắc kẹt ở gần khu trại. Đây cũng là vấn đề tranh cãi gay gắt giữa Pháp và Anh bởi trong số 1.451 trẻ vị thành niên từng sống tại Calais, nước Anh chỉ chấp nhận khoảng 274 trẻ tị nạn không có người thân đi cùng.
Một tên buôn người quay thuyền trở lại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đưa một nhóm người Syria đến đảo Lesbos của Hy Lạp
Đùn đẩy qua lại
Theo bà Amber Rudd, Bộ trưởng Nội vụ Anh, bất cứ đứa trẻ nào đủ điều kiện hoặc không nằm trong vùng an toàn của trại nên được chăm sóc và bảo vệ bởi các nhà chức trách Pháp.
Thế nhưng, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve và Bộ trưởng Nhà ở Pháp Emmanuelle Cosse tỏ ra bất bình đối với yêu cầu của Chính phủ Anh. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve khẳng định, có nhiều trẻ vị thành niên tại Calais có người thân tại Anh. Pháp đang lập một danh sách chi tiết và Chính phủ Anh có trách nhiệm đối với việc này, đồng thời nhắc lại những trẻ vị thành niên tị nạn này đang chờ đợi sang Anh theo chương trình đoàn tụ gia đình. Nhà chức trách Pháp cũng nhấn mạnh Paris luôn tuân thủ các cam kết quốc tế trên tinh thần đoàn kết và không bao giờ né tránh, đồng thời cho biết Chính phủ Pháp mong muốn Anh nhanh chóng chịu trách nhiệm đón nhận những trẻ vị thành niên tị nạn này - những người đang chờ đợi từng ngày được chuyển sang Anh sinh sống.
Người tị nạn Syria liều mình bơi qua sông Evros từ Hy Lạp để trở lại Thổ Nhĩ Kỳ
Trong lúc tranh cãi ngoại giao vẫn tiếp diễn thì nhiều trẻ vị thành niên vẫn còn phải lang thang trên đường phố Paris của Pháp. Nhiều trẻ em Syria phải nằm lăn lóc ngoài đường, mặt gầy tóp chờ miếng ăn từng ngày. Đó là chưa kể nhiều nguồn tin của tổ chức từ thiện Giúp đỡ Người tị nạn Anh (HRUK) cho biết, có hàng trăm trẻ tị nạn không có người giám hộ đã mất tích bí ẩn.
Lạc loài nơi đất khách
Năm 2015, rất nhiều người Syria tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Từ nơi này, họ trả tiền cho những kẻ buôn người để được tiếp tục cuộc hành trình gian khổ bằng đường biển để đến Hy Lạp. Đến được Hy Lạp, họ chỉ cần đón xe buýt hoặc xe lửa, thậm chí đi bộ về phía Bắc để đến Đức, nơi Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố mở rộng vòng tay chào đón người di cư. Đó là khoảng thời gian đầy hy vọng cho hàng triệu người Syria muốn tìm kiếm lối thoát trong cuộc xung đột đẫm máu ở quê nhà. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Một loạt các biên giới trong EU, từ Áo đến Croatia, Macedonia bất ngờ đóng cửa, cắt đứt tuyến đường đến khu vực Balkan của người tị nạn. Đến tháng 3-2016, các nhà lãnh đạo EU và Thổ Nhĩ Kỳ ký với nhau một thỏa thuận, theo đó Hy Lạp phải giữ lại những người nhập cư mới đến và trao trả lại Thổ Nhĩ Kỳ - xem như một nước thứ ba an toàn. Những chính sách mới làm thay đổi số phận của những người di cư đến muộn. Khi các biên giới đột ngột đóng cửa, họ nhận thấy mình bị mắc kẹt trong một đất nước cũng đang gánh nhiều nỗi thống khổ. Nhiều người Syria không muốn xin tị nạn vĩnh viễn ở Hy Lạp, bởi họ chứng kiến nhiều người Hy Lạp cũng nghèo như họ. Tại quần đảo Aegean, các bệnh viện ở Hy Lạp luôn trong tình trạng quá tải với bệnh nhân địa phương và bệnh nhân nhập cư do thiếu tài chính và nguồn nhân lực. Tỷ lệ người Hy Lạp tự tử đã nhảy vọt lên 30%. Cuộc sống của người Syria ở Hy Lạp vô cùng thống khổ. Tiền bạc ngày càng cạn kiệt và họ đã chờ đợi nhiều tháng trong các trại tị nạn bị cô lập. Trong khi họ nghĩ cách tốt nhất là trở về nhà, nhưng vẫn còn rất nhiều người tị nạn đang trả tiền cho bọn buôn người để được đưa đến đây, hòng mong đến được Đức.
Tìm đường về
Trong 3 tháng, Al Nahir và gia đình anh ở Idomeni, một ngôi làng ở biên giới phía Bắc Hy Lạp, đã ở khu lán trại với sức chứa 14.000 người bên trong và xung quanh nhà ga xe lửa. Nhiều người ngủ trên những chiếc xe hơi bị bỏ hoặc bên trong tòa nhà của ga. Hàng ngày, họ tụ tập lại bàn cách kiếm tiền trở về Syria. Họ chia sẻ câu chuyện của những người đồng hương khác, những người đang tự mình trở về Syria. Một gia đình có 6 người con đã vượt sông Evros trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Các bức ảnh chuyền tay người khác chụp được cho thấy họ băng qua sông chứ không phải ngồi trên tàu hay thuyền, bằng sợi dây buộc quanh người với đầy chai nhựa đu chằng chịt.
Theo báo cáo của Pulitzer Center về tình trạng khủng hoảng, một chỗ ngồi nguy hiểm trên chiếc xuồng nhỏ từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp phải trả 1.000 USD. Hơn 60.000 người hiện nay ở Hy Lạp đã đóng góp 60 triệu USD cho bọn buôn người. Nếu tính từ tháng 1-2015 đến tháng 7-2016, với khoảng 1 triệu người vượt biên giới đến đảo Aegean, bọn buôn người đã thu đến 1 tỷ USD. Đây không phải là hoạt động ngầm vì hầu như mỗi người tị nạn đều biết nơi bọn buôn người ở và cách làm thế nào để liên lạc với chúng. Thị trấn nhỏ Didimoticho ở vùng biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ là điểm khởi đầu cho người Syria trở về với giá 250 USD/người. Nhưng cũng như khi đi, lượt về này cũng không có gì đảm bảo. Nếu bị bắt, họ bị gửi trả lại Hy Lạp. Còn tại Athens, chàng trai Sahib Acaracs 20 tuổi cho biết, đã cố gắng 5 lần trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lần nào cũng bị bắt trả lại. Giờ thì anh hết tiền và không biết phải làm gì trong những ngày tháng tới. Mục đích của thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khuyến cáo người nhập cư không sử dụng các cửa ngõ nguy hiểm để phá vỡ mạng lưới buôn lậu vốn châm ngòi cho làn sóng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, mục đích này dường như còn lâu mới đạt được.
Khi chính sách tị nạn của EU cho thấy sự thất bại và điều kiện ở Hy Lạp quá tồi tệ, thì cũng là lúc nhiều người Syria tuyệt vọng, kiếm đường trở về quê hương. Họ mong nếu có chết thì chết ở quê hương, còn hơn ở đây họ đang chết dần chết mòn.
HẠNH CHI (tổng hợp)