Phân quyền mua máy vi tính

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo TPHCM trong năm học 2022-2023 là đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và tổ chức dạy học. Tuy nhiên, trang thiết bị dạy học nói chung, máy vi tính nói riêng đang là vấn đề khó khăn ở nhiều trường học. 

 Tại Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (quận Gò Vấp), Hiệu trưởng Lê Thị Hồng Hà cho biết, nhà trường chỉ mới trang bị màn hình LCD cho 10 phòng học, còn 16 phòng chưa có màn hình LCD và CPU phục vụ công tác giảng dạy của giáo viên. Đặc biệt, do thiếu nhân viên công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý thiết bị, số hóa các hoạt động quản lý, hỗ trợ công nghệ thông tin cho giáo viên nên trường phải phân công nhân viên văn thư kiêm nhiệm. Như vậy, từ cơ sở vật chất đến nhân lực đều chắp vá, khó đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số của toàn ngành.

Tại Trường THCS Trường Chinh (quận Tân Bình), một trong những mục tiêu của đơn vị trong năm học 2022-2023 là tiếp tục bổ sung trang thiết bị (máy vi tính, màn hình máy chiếu...) cho các phòng học chưa được trang bị trong năm học trước. Tuy nhiên, theo chia sẻ của hiệu trưởng một số đơn vị, mục tiêu “phủ sóng” màn hình máy chiếu, máy vi tính cho 100% phòng học rất khó thực hiện. Trong điều kiện nguồn lực còn thiếu, huy động xã hội hóa là yêu cầu bắt buộc, song thực hiện không khéo dễ gây phản ứng trong dư luận. 

Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, một trong những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác đầu tư trang thiết bị trường học là đăng ký mua sắm từ đầu năm, đến cuối năm trang thiết bị mới được phân bổ về trường học. “Tôi kiến nghị cơ quan quản lý phân quyền mua máy vi tính về cho các trường học vì là nhu cầu thiết yếu, riêng máy lạnh và máy in vẫn triển khai theo hình thức mua sắm tập trung. Thiếu máy vi tính, làm sao các trường thực hiện chuyển đổi số?”, ông Thanh bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục