Nông dân Việt Nam có khả năng nắm bắt nhanh quy trình kỹ thuật, nhất là sự sáng tạo trong quá trình chăm sóc… nên chỉ khoảng 5.000 tấn ca cao/năm nhưng các nhà nhập khẩu ca cao hàng đầu thế giới như Mars, Cargill (Mỹ), Puratos và Grand-Place (Bỉ) cùng nhiều tổ chức quốc tế đến Việt Nam hợp tác, tư vấn, tập huấn, mua sản phẩm để xây dựng vùng nguyên liệu. Việt Nam lại nằm ở vị trí đắc địa trong việc cung cấp nguyên liệu ca cao cho thị trường đầy tiềm năng ở châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ với nhu cầu nguyên liệu khoảng 500.000 tấn/năm. Nếu tính lượng chocolate trên đầu người khu vực này còn rất thấp, 0,06kg/người/năm so với các nước châu Âu và Mỹ là 8kg/người/năm. ICCO (Tổ chức Ca cao quốc tế) và Đại học Gent (Bỉ) nhận định, từ nay đến năm 2020 xảy ra tình trạng cung không đủ cầu ca cao.
Nhưng vì sao cây ca cao vẫn lận đận, diện tích trồi sụt trong khi cây cà phê, cao su, hồ tiêu, cây điều… đã có “danh phận” trong cơ cấu cây trồng và xuất khẩu cả nước? Do quỹ đất không còn nên ca cao chủ yếu chỉ trồng xen và trồng ở vùng đất xấu. Phải chăng vì điều này nên người dân xem ca cao như cây trồng phụ, sẵn sàng chặt bỏ nếu giá giảm hay sâu bệnh phá hoại như cách hành xử vừa qua. Nếu xét trong thời gian dài, ca cao vẫn là trái có giá ổn định nhất. Hiện nay giá ca cao trên dưới 60.000 đồng/kg hạt khô. Phải chăng vì “phận trồng xen” nên cây ca cao chưa được đối xử tương xứng với tiềm năng?
Việc giảm diện tích ca cao thời gian qua, theo khảo sát của ACDI/VOCA, tổ chức tham gia hỗ trợ, tập huấn nông dân trồng ca cao từ đầu, những hộ chặt bỏ vì trái ít, chỉ bán trái tươi (thay vì ủ lên men) giá trị thấp làm bà con không thiết tha khi giá giảm. Ngược lại, hộ dân giữ lại cây ca cao nhờ chịu khó, chăm sóc bài bản nên năng suất cao, có thu nhập khá. Những hộ này thường xuyên thăm vườn, tỉa cành tạo tán, xử lý sớm khi phát sinh sâu bệnh. Có hộ còn sáng tạo khi sử dụng vải bạt phủ quanh gốc, tránh bị văng bùn lên có thể gây bệnh thối trái.
Dù là cây trồng xen nhưng nhiều nơi thu nhập cao hơn cây trồng chính như ca cao xen vườn điều. Quan trọng là truyền cho được niềm tin người trồng ca cao về hiệu quả nếu áp dụng đúng quy trình. Nhưng qua đó cho thấy, cần xem lại những khiếm khuyết khi triển khai trồng ca cao, cả về giống, nguồn nước, đối tượng và việc tổ chức mạng lưới thu mua. Kinh nghiệm cho thấy, để phát triển ca cao, hình thành diện tích tập trung khoảng 20ha/điểm sẽ thuận lợi cho việc thu mua, sơ chế và mỗi hộ cần trồng ít nhất 200 cây, năng suất 2kg hạt khô/cây/năm trở lên.
ĐĂNG LÃM