Phản ứng trái chiều quanh việc chủ nhân WikiLeaks bị bắt

Người phát ngôn của WikiLeaks, Kristinn Hrafnsson, cho biết trang web này sẽ tiếp tục tung ra nhiều tài liệu mật bất chấp bị tấn công từ nhiều phía. Một bộ phận của WikiLeaks sẽ tiếp tục công việc xuất bản tài liệu mật, số còn lại tập trung vào chiến dịch vận động trả tự do cho Assange. Các nhân viên sẽ dời văn phòng đến một nơi khác ở London.
Phản ứng trái chiều quanh việc chủ nhân WikiLeaks bị bắt

Người phát ngôn của WikiLeaks, Kristinn Hrafnsson, cho biết trang web này sẽ tiếp tục tung ra nhiều tài liệu mật bất chấp bị tấn công từ nhiều phía. Một bộ phận của WikiLeaks sẽ tiếp tục công việc xuất bản tài liệu mật, số còn lại tập trung vào chiến dịch vận động trả tự do cho Assange. Các nhân viên sẽ dời văn phòng đến một nơi khác ở London.

Sau khi Julian Assange, chủ nhân trang web nổi đình nổi đám WikiLeaks, bị bắt tại Anh, thế giới đã có những phản ứng trái chiều. Theo BBC, Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd cho rằng Mỹ chứ không phải ông Assange mới đáng trách trong việc để lộ hàng trăm ngàn tài liệu mật. Ông Rudd cho rằng Mỹ nên xem lại vấn đề an ninh của họ hơn là đổ tội cho Assange. Chủ trang web WikiLeaks từng lên án chính sách của Australia quá phụ thuộc vào Mỹ.

Công tố viên Thụy Điển Marianne Ny trả lời báo chí sau khi Assange bị bắt tại Anh.
Công tố viên Thụy Điển Marianne Ny trả lời báo chí sau khi Assange bị bắt tại Anh.

Còn Thủ tướng Australia Julia Gillard gọi hành động tung tin mật của Assange là “hết sức vô trách nhiệm”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Rudd nói: “Trách nhiệm chính, trách nhiệm pháp lý chính là ở những cá nhân chịu trách nhiệm tung ra các tài liệu mật cho WikiLeaks”. Ông Rudd cho biết Australia sẽ hỗ trợ cho Assange trong công tác lãnh sự như tất cả các công dân khác của nước này. Bộ phận lãnh sự của Australia đã liên hệ với Assange sau khi ông bị bắt.

Cùng ủng hộ Assange còn có nhiều nhà báo và nhà hoạt động xã hội sẵn sàng đóng tiền tại ngoại cho ông Assange với tổng số tiền trên 180.000 bảng Anh. Tuy nhiên, quan tòa Howard Riddle của Anh cho rằng Assange có thể trốn nếu được tại ngoại. Vì thế Assange vẫn phải bị giam ở nhà tù Wandsworth chờ đến phiên tòa vào ngày 14-12 xem liệu ông có bị dẫn độ sang Thụy Điển vì các cáo buộc tấn công tình dục hay không.

Nhiều nguồn tin cho hay Assange có vẻ kiệt sức nhưng vẫn tỉnh táo trong nhà giam. Xuất hiện trước tòa trước khi bị giam, Assange cho rằng việc bắt giữ ông “mang động cơ chính trị”. Bên ngoài tòa án sơ thẩm Westminter ở London, nhiều người ủng hộ ông giương cao các biểu ngữ đòi trả tự do cho Assange.

Trong khi đó, theo AFP, ngày 8-12, trang web aklagare.se của văn phòng công tố viên Thụy Điển bị tê liệt do các thành viên tự gọi là “Nặc danh” (Anonymous) tấn công. Ngoài ra, các tin tặc còn tấn công cả trang web Master và Visa Card cùng với trang web của Ngân hàng PostFinance trước đó đã ngăn chặn chuyển tiền đến trang WikiLeaks và phong tỏa tài khoản của Assange.

Theo nhà nghiên cứu Sean-Paul Correll thuộc công ty an ninh mạng PandaLabs, hiện có 2 cuộc tấn công, một phía từ những người ủng hộ WikiLeaks muốn tự do thông tin, phía kia tự xưng là những người “yêu nước” muốn bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Được hỏi rằng liệu Chính phủ Mỹ có đứng đằng sau các vụ tấn công mạng WikiLeaks hay không, ông Correll cho rằng “rất khó nói”.

Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa thuộc Thượng viện Mỹ, ông Joe Lieberman, thúc giục các doanh nghiệp ngừng quan hệ với trang WikiLeaks và chặn tất cả thẻ tín dụng tài trợ cho trang web này. Được hỏi về vai trò của báo New York Times trong việc đăng tải các nội dung của WikiLeaks, ông Lieberman cho biết tờ báo này ít nhất đã làm hành động của “một công dân tồi”. Còn có phạm tội hay không thì phải chờ điều tra.

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Michael Mukasey cho biết phía Mỹ đang xúc tiến thủ tục để dẫn độ Assange tới Mỹ vì tội “tiết lộ bí mật quốc gia”. Ông này thừa nhận rằng tội tấn công tình dục chỉ là bề nổi.

KHÁNH MINH 

Tin cùng chuyên mục