* Cải thiện nguồn thu để bảo vệ chất lượng nguồn nước sông
Theo ông Jacques Oudin, Thượng nghị sĩ danh dự của Pháp, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng pháp lý cần thiết đủ để cải thiện và bảo vệ chất lượng nguồn nước sông. Thế nhưng, sở dĩ Việt Nam chưa thể phát huy hết vai trò của mình trong việc bảo vệ chất lượng nguồn nước là vì Việt Nam chưa xây dựng nguồn thu tài chính ổn định cho phép tái đầu tư bền vững những dự án cải thiện chất lượng môi trường nước.
Đảm bảo nguồn thu từ người sử dụng nguồn nước
Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, Luật Tài nguyên nước vừa được triển khai thực hiện cuối năm 2013 đã khắc phục được tất cả những khiếm khuyết trước đó. Đơn cử, quy hoạch lưu vực sông thống nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện; quy hoạch sử dụng nguồn nước sông đoạn thuộc địa bàn của tỉnh phải phù hợp với quy hoạch chung của bộ; bất cứ công trình nào được xây dựng trên sông đều phải đảm bảo nguyên tắc không gây cản trở cho sự lưu thông của dòng chảy sông; hay như hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tuân thủ quy hoạch tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu làm suy giảm chức năng của nguồn nước, gây sụt, lún đất, ô nhiễm, nhiễm mặn thì phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả. Và quan trọng hơn là nếu gây hậu quả thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Còn với các cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động thì phải có biện pháp xử lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ chất lượng nước thải. Trường hợp vi phạm nhưng không thể khắc phục theo quy định của cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu thì sẽ bị đình chỉ hoạt động hoặc di dời theo quy định… Tuy nhiên, cái khó của việc bảo vệ hệ thống lưu vực sông là có quá nhiều chủ thể cùng tham gia. Vai trò của các chủ thể ngang nhau nên không thể điều phối quản lý. Hơn nữa, theo ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng nguồn kinh phí tái đầu tư cải thiện chất lượng sông gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đề xuất cấp kinh phí đầu tư các dự án cấp thiết nhằm ngăn chặn ô nhiễm sông nhưng cho đến nay, những hạng mục chi cho những dự án trên vẫn còn nhiều bất cập.
Theo ông Jacques Oudin, để một chính sách môi trường bền vững theo thời gian cần có chính sách tài chính bền vững. Và muốn làm được điều này cần phải thực hiện được quy định “người sử dụng và gây ô nhiễm nguồn nước phải trả tiền”. Kinh nghiệm quản lý nguồn nước tại Pháp cho thấy, cần thực hiện đồng bộ 3 nguyên tắc: quản lý nguồn nước phải quản lý theo lưu vực; phải gắn kết trách nhiệm giữa những người sử dụng nguồn nước vùng thượng du và hạ du; nguồn tài chính phải dựa vào quy định người gây ô nhiễm và sử dụng nước sẽ phải trả phí. Ngược lại, cá nhân, tổ chức nào cố gắng giảm gây ô nhiễm sẽ được hỗ trợ.
Thu được tài chính là rất quan trọng nhưng chi tài chính ra còn quan trọng hơn. Để đảm bảo nguồn chi được hiệu quả, đảm bảo dự án cải thiện chất lượng nước phải sát thực tế, ngay trong hệ thống quản lý luôn có sự tham gia quyết định của 1/3 số người là người dân địa phương sống dọc lưu vực sông. Chính người dân địa phương mới là người hiểu rõ nhất thực trạng suy giảm chất lượng nước tại địa phương. Đồng thời, chính họ mới là người đề xuất những giải pháp khả thi nhất nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước và cũng chính người dân mới là người xác định rõ nhất đối tượng sử dụng và gây ô nhiễm nguồn nước cần phải trả phí. Tóm lại, để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc cải thiện chất lượng nguồn nước sông, cần thiết phải huy động vai trò tham gia, quản lý của cộng đồng.
Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam
Ông Jacques Oudin nhấn mạnh thêm, trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai, cũng như vai trò quan trọng của con sông đối với gần 20 triệu người dân, trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Chính phủ Pháp, Pháp đồng ý hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai. Ông Stephan Dupost, Phó Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết thêm, giai đoạn 1, Pháp sẽ hỗ trợ các chuyên gia Việt Nam sang Pháp để tập huấn, đào tạo kỹ năng quản lý tổng thể tài nguyên nước cho lưu vực. Bước kế tiếp, Pháp sẽ giúp Việt Nam xây dựng ủy ban quản lý lưu vực sông, cơ chế tài chính thích hợp và đặc biệt là cơ chế quản lý thống nhất. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, sự tham gia tài trợ tài chính của các nước khác là cần thiết nhưng chỉ là cơ bản. Về lâu dài, Việt Nam nhất định phải dựa vào nội lực của bản thân. Phải đảm bảo mức phí sử dụng nguồn nước cộng với phí gây ô nhiễm phải nhỏ hơn chi phí đầu tư xử lý nguồn nước.
Ngoài ra, tính chất liên kết vùng cũng rất quan trọng vì Việt Nam nằm vị trí hạ lưu của nhiều con sông. Do vậy, Việt Nam cần chủ động tham gia vào những tổ chức bảo vệ nguồn nước có tính chất liên quốc gia. Đồng thời, tìm hiểu những quy định cũng như cách thức bảo vệ nguồn nước của từng nước. Từ đó, có những điều chỉnh cũng như sự chia sẻ nhất định để tạo sự tương đồng, chia sẻ trong việc bảo vệ nguồn nước chung giữa các quốc gia trong cùng lưu vực.
MINH XUÂN