Pháp: Làn sóng phản đối thắt lưng buộc bụng trước “giờ G”

Pháp: Làn sóng phản đối thắt lưng buộc bụng trước “giờ G”

Ngày 22-10, vài giờ trước khi Thượng viện Pháp thông qua kế hoạch cải cách do chính phủ đề xướng, 6 tổ chức công đoàn lớn ở nước này đã kêu gọi người lao động tiếp tục bãi công, tham gia “Ngày hành động toàn quốc” vào ngày 28-10 và 6-11 nhằm gây sức ép với chính phủ xung quanh kế hoạch gây tranh cãi nói trên.

Trong khi các nghiệp đoàn khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh thêm 2 tuần nữa nếu chính phủ không có những nhân nhượng với người lao động, Chính phủ Pháp vẫn tỏ rõ thái độ kiên quyết thúc đẩy kế hoạch cải cách thành hiện thực.

Chính phủ khẳng định: “Cải cách hệ thống hưu trí là chìa khóa để có thể bảo đảm hệ thống lương hưu tồn tại lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh những khó khăn tài chính hiện nay của nước Pháp”.

Tổng thống Nicolas Sarkozy tuyên bố, sẽ trừng phạt những phần tử lợi dụng biểu tình để gây bạo loạn và phản đối việc tiến hành bãi công làm ảnh hưởng đến kinh tế cũng như các hoạt động đời sống ở Pháp.

Các hãng hàng không Pháp cho biết, thiệt hại do bãi công đã lên đến 188 triệu EUR, còn doanh thu ngành công nghiệp hóa chất giảm khoảng 1 tỷ EUR. Đã có khoảng 2.000 người bị bắt kể từ khi biểu tình leo thang ngày 12-10.

Lực lượng biểu tình đốt xe.

Lực lượng biểu tình đốt xe.

Mặc dù ngày 22-10, cảnh sát đã chiếm lại được Nhà máy lọc dầu Grandpuit ở phía Đông Paris, nhưng trước tình hình căng thẳng chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt, Chính phủ Pháp buộc phải quyết định nhập khẩu điện. Sau 11 ngày biểu tình, đã có 12 nhà máy lọc dầu của Pháp bị phong tỏa, ngừng hoạt động, khiến nhiều kho và trạm cung cấp xăng dầu cạn kiệt. Hiện công nhân và sinh viên tiếp tục chặn các điểm cung cấp nhiên liệu và các trung tâm giao thông tại những TP lớn. Ngày 21-10, nhà chức trách ở một số địa phương đã phải sử dụng biện pháp “phân bổ chỉ tiêu” cung cấp xăng dầu cho các xe tải và ô tô.

Làn sóng phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” không chỉ diễn ra ở Pháp, mà diễn ra trên khắp châu Âu trong thời gian gần đây, khi hàng loạt các nước tiến hành mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hồi đầu tháng này, một cuộc biểu tình quy mô lớn nhất với khoảng 100.000 người tham dự đã diễn ra ở TP Brussels của Bỉ, nơi được xem là thủ đô châu Âu. Để đối phó với cuộc biểu tình rầm rộ được coi là lớn nhất ở Brussels trong gần 1 thập kỷ qua, cảnh sát Bỉ đã phải huy động tối đa các lực lượng khác nhau để ngăn chặn sự quá khích của người tham gia biểu tình.

Gần như đồng loạt sau đó, các cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra tại thủ đô Warsaw (Ba Lan), nhiều TP ở Tây Ban Nha, Ireland, Hy Lạp, Hà Lan, Italy, Serbia...

Tuy nhiên, theo giới quan sát, các cuộc đình công, biểu tình sẽ không thể buộc chính phủ các nước châu Âu ngừng các biện pháp cải tổ tài chính bằng thắt lưng buộc bụng.

Chính sách thắt lưng buộc bụng để đối phó với khủng hoảng là mô hình của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trong cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 1997 đến 1999, IMF cũng đặt điều kiệt “thắt lưng buộc bụng” để cho Indonesia vay tiền vượt qua khủng hoảng. Chính sách này dẫn đến bạo động xã hội và chính quyền ông Shuharto bị lật đổ.

Trong khi đó, Malaysia kiên quyết từ chối biện pháp của IMF, tự mình xoay xở và cuối cùng vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục. Malaysia thành công nhờ đảm bảo đời sống người lao động, tránh làm xáo trộn xã hội. Sau đó, chính IMF thừa nhận sai lầm rằng chính sách trên không phải lúc nào cũng có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia. Châu Âu hiện đang theo mô hình của IMF, nhưng liệu có đi theo vết xe đổ của Indonesia hay không vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.

X.HẠNH

Tin cùng chuyên mục