Sau Tết Nguyên đán, giá sữa ngoại các loại dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bày bán trên thị trường tiếp tục đợt tăng giá mới. Tiếp đến là các mặt hàng chế biến sẵn, dịch vụ… cũng âm thầm tăng giá “té nước theo mưa”. Câu hỏi đặt ra là cơ quan chức năng nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm trước dân về việc giá cả leo thang như hiện nay.
Tại các điểm chuyên doanh sữa ngoại trẻ em trên địa bàn TPHCM, như Nguyễn Thông (quận 3), Bà Hạt (quận 10), Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú)… giá sữa đều rục rịch tăng từ 5% - 10%. Lactogen 1 (lon 400g) giá 103.000 đồng, tăng trên 9%; Lactogen Gold 3 (loại 900g) giá khoảng 305.500 đồng, tăng hơn 7%... Nhiều phụ huynh cảm thán, thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, làm việc không đủ kiếm tiền mua sữa cho con.
Bên cạnh đó, ngay sau tết, giá một số mặt hàng dịch vụ và ăn uống cũng tự điều chỉnh, với mức tăng bình quân khoảng 20% - 25%. Chẳng hạn, một ổ bánh mì thịt có giá trước tết khoảng 12.000 đồng, nay từ 13.000 - 15.000 đồng; dịch vụ gội đầu bình dân trước tết khoảng 25.000 - 30.000 đồng/lượt, nay khoảng 30.000 - 35.000 đồng/lượt; giá rửa xe gắn máy cũng tăng 2.000 - 5.000 đồng/xe, ở mức 14.000 - 16.000 đồng/xe… Giá một tô bún, phở bình dân cũng tự động tăng thêm 2.000 - 4.000 đồng, với lý do sau tết, các nguyên liệu đều tăng giá. Mặt bằng giá này sẽ không xuống, mà thường được giữ nguyên cho đến tết năm sau. Cứ đà tăng giá nhỏ giọt nhưng ngấm ngầm sau mỗi dịp tết, người dân lao động sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Để chống chọi với những đợt tăng giá, người dân linh hoạt, “sáng tạo” đủ kiểu nhằm đảm bảo cuộc sống. Thay vì chọn sữa ngoại mắc tiền, không ít phụ huynh liều lĩnh mua sữa xách tay, mua nguyên liệu tại các chợ truyền thống để tự chế biến cho trẻ em; người bán hàng tìm mua thịt, cá kém chất lượng, sau đó hô biến thành đồ ăn sẵn nhằm giữ giá, giữ chân khách hàng… Đây quả thực là những “tối kiến”, gây họa cho sức khỏe lâu dài của người dùng nói riêng, tương lai giống nòi nói chung.
Có một nghịch lý đã tồn tại dai dẳng trong suốt thời gian qua, chính là việc “ăn theo” tết để tăng giá bất hợp lý, sau đó đứng giá, tạo mặt bằng giá mới. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự quản lý, giám sát lỏng lẻo của các cơ quan chuyên trách (Bộ Tài chính, Bộ Công thương…). Đối với giá sữa ngoại nhập, không khó để các cơ quan chức năng kiểm tra, tham chiếu giá sữa thông qua Tổng cục Hải quan, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài… để có thể truy đến cùng sự tăng giá bất hợp lý. Vấn đề ở chỗ, có cơ quan chức năng nào sẵn sàng làm đến cùng để ổn định thị trường, gỡ khó cho người dân hay không mà thôi.
NGÂN HẠNH (quận 10, TPHCM)