Đề nghị xử lý hình sự 7 đối tượng trong đường dây thi thuê vào đại học

Trung tá Hoàng Hữu Huấn, Đội trưởng Đội An ninh giáo dục (thuộc PA 25, Công an Hà Nội) cho biết, ngày 8-7, lực lượng an ninh văn hóa của CA Hà Nội đã làm việc với Viện KSND TP Hà Nội về việc xử lý vụ thi thuê vào các trường đại học, cao đẳng do Nguyễn Hồng Hải (sinh năm 1967), quê Vĩnh Phúc cầm đầu, vừa bị tạm giữ.

Theo kết quả điều tra ban đầu, đường dây thi thuê “công nghệ cao” này gồm 7 đối tượng. Tất cả các đối tượng này đang bị Công an Hà Nội tạm giữ. Lực lượng an ninh văn hóa đã đồng loạt khám xét nhà riêng của Nguyễn Hồng Hải ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội và nhà riêng một số đối tượng khác trong đường dây.

Qua đợt khám xét đó, lực lượng an ninh văn hóa đã thu thêm một số bộ quần áo gắn thiết bị nghe và điện thoại di động (ĐTDĐ), nâng tổng số cặp tai nghe thu giữ trong đường dây này lên khoảng 80 cặp và gần 60 ĐTDĐ các loại. 

Qua lời khai và xác minh ban đầu, có ít nhất 20 thí sinh đã “hợp đồng” thuê nhóm đối tượng của Hải “giúp đỡ” làm bài thi thông qua ĐTDĐ. Bình quân mỗi thí sinh phải trả cho đường dây của Hải khoảng 30 triệu đồng. Phần lớn các thí sinh cậy nhờ Hải đều có quê ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Như SGGP đã đưa tin, trong đợt 1 kỳ thi tuyển sinh có 24 thí sinh bị bắt quả tang sử dụng ĐTDĐ. “Chúng tôi cũng phát hiện có những thí sinh đã được đường dây của Hải giúp đỡ trót lọt trong đợt đầu thi tuyển sinh vừa qua”, trung tá Huấn nói.

Tại Cơ quan công an, trùm đường dây Nguyễn Hồng Hải khai đã tham gia tổ chức thi thuê từ đợt thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng 2003. Tuy nhiên, hồi đó số khách hàng của Hải ít hơn, “công nghệ” thi thuê cũng thô sơ hơn. Trong quá trình “làm ăn”, Hải đã làm quen với một số đối tượng cùng chung ý tưởng và “kinh nghiệm” tổ chức thi thuê.

Vậy là từ đầu năm 2006, một kế hoạch thi thuê công nghệ cao, quy mô lớn đã được vạch ra. Đường dây của Hải được phân công rõ ràng với độ chuyên môn hóa cao. Có đối tượng chuyên đi quan hệ, tìm kiếm khách hàng; đối tượng chuyên phụ trách kỹ thuật, công nghệ; có đối tượng lo khâu đi thuê sinh viên khá, giỏi về giải đề thi; thậm chí có đối tượng chuyên lo hóa trang cho thí sinh (để không phát hiện thí sinh sử dụng tai nghe).

Cũng theo lời khai của đối tượng trong đường dây thì trước khi bước vào kỳ thi, nhiều thí sinh đã được huấn luyện cho thi thử, nghe thử. Trong đợt đầu thi tuyển sinh vừa diễn ra, một số thí sinh đã đọc được đề thi ra ngoài cho đường dây của Hải rất thành thạo (để chắc ăn, Hải cũng đã phân công một số đối tượng trong đường dây làm hồ sơ và vào thi để đọc đề ra ngoài). Do thi chung đề nên việc chuyển câu hỏi ra ngoài rất mau lẹ, dễ dàng. Các sinh viên được thuê (ở cách địa điểm thi khoảng 5-10 km) cũng giải bài rất nhanh và có nhiệm vụ đọc ngay lời giải qua ĐTDĐ cho các “thượng đế” đang ngồi trong phòng thi.

Trung tá Huấn cho hay, các đối tượng trong đường dây sẽ bị tạm giữ khoảng 9 ngày. Trong thời gian này, cơ quan công an tiếp tục mở rộng, khám phá đường dây và làm các thủ tục để xử lý hình sự. Được biết, trong một vài ngày tới, Công an Hà Nội sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong đường dây nói trên về tội làm lộ bí mật quốc gia. Cơ quan công an cũng sẽ phối hợp, đề nghị Bộ GD-ĐT có biện pháp xử lý thật nghiêm các thí sinh hợp đồng thi hộ và các thí sinh giải đề thi trong đường dây này.

Trước đợt thi này, trao đổi với SGGP, bà Nguyễn Thu Nga, Phó Cục trưởng Cục An ninh văn hóa (A25- Bộ Công an), thành viên Ban Chỉ đạo tuyển sinh, cho biết, trong đợt thi thứ 2 (diễn ra từ hôm nay 9-7), hình thức gian lận thi cử bằng công nghệ cao có thể sẽ còn diễn biến phức tạp. Lực lượng an ninh đã được chỉ đạo tăng cường, phối hợp để kịp phát hiện, xử lý những trường hợp, đường dây thi hộ, thi kèm, đọc bài thi qua ĐTDĐ để xử lý theo pháp luật.

K.Q.

Tin cùng chuyên mục