Từ ngày 1 đến 6-2

Xét xử vụ mua bán đất trái phép tại Công ty Địa ốc Gò Môn

Dự kiến từ ngày 1 đến 6-2, TAND TPHCM sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm vụ mua bán đất trái phép xảy ra tại Công ty Xây dựng Gò Vấp (nay là Công ty Địa ốc Gò Môn). Phiên tòa do thẩm phán Trần Xuân Minh làm chủ tọa, kiểm sát viên Nguyễn Vũ Dũng đại diện cho VKSND TPHCM giữ quyền công tố.

7 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Phạm Thị Tuyết Lan (bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”), Dương Công Hiệp (nguyên Phó phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp, bị truy tố tội “Tham ô tài sản”), Lê Minh Châu (nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp, bị truy tố về hai tội “Tham ô tài sản” và “Đưa hối lộ”), Hồ Tùng Lâm (nguyên Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp, bị truy tố hai tội “Tham ô tài sản” và “Đưa hối lộ”), Trần Kim Long (nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, bị truy tố về ba tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”), Nguyễn Văn Tính (nguyên Bí thư Quận ủy và Chủ tịch HĐND quận Gò Vấp, bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”) và Nguyễn Minh Hoàng (bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”). Tòa án cũng đã triệu tập 38 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – trong đó có UBND TPHCM và 25 người làm chứng ra trước tòa.

Theo cáo trạng của VKSND TPHCM, từ tháng 9-2000 đến cuối năm 2002, bị cáo Lan đã cấu kết với các bị cáo Long, Hiệp, Châu, Lâm lập thủ tục hợp thức hóa hai hợp đồng chuyển nhượng hơn 11ha đất tại phường 12 quận Gò Vấp trái pháp luật nhằm nâng giá đất cao hơn nhiều so với thực tế chuyển nhượng; qua đó chiếm đoạt của Công ty Xây dựng Gò Vấp hơn 16,6 tỷ đồng.

Về phần bị cáo Tính, với vai trò là Chủ tịch HĐND quận Gò Vấp, khi tiếp nhận đơn tố cáo của bà Trần Thị Thu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của quận xác minh.

Nhưng sau khi nhận được báo cáo cụ thể sai phạm của các bị cáo trên từ VKSND quận, bị cáo Tính không những không tiếp tục xử lý ngăn chặn hành vi chuyển nhượng đất đai trái pháp luật đang diễn ra mà còn sử dụng kết quả này để khống chế và ban ơn cho đối tượng sai phạm, nhờ vậy đã được “trả ơn” 800 triệu đồng.

Tháng 11-2004, khi Thanh tra Chính phủ và cơ quan điều tra đang tiến hành thanh tra, điều tra về những sai phạm của Công ty Địa ốc Gò Môn, các bị cáo Long, Châu và Lâm đã giao cho bị cáo Hoàng 30.000 USD, 20 triệu đồng để “chạy thuốc”.

Riêng bị cáo Long, từ năm 1996 đến năm 2000 đã dùng quyền hạn của mình để buộc bị cáo Châu giao cho mình sử dụng hai số điện thoại di động. Tổng cộng Công ty Xây dựng Gò Vấp đã phải chi trả hơn 131 triệu đồng tiền thuê bao và tiền cước phí cho hai số điện thoại này.

L.T.H.

Tin cùng chuyên mục