Ngày thứ hai xét xử vụ mua bán đất trái phép tại Công ty Địa ốc Gò Môn

Nhận - cho tiền từ quan hệ tình cảm?!

Ngày 2-2, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ mua bán đất trái phép tại Công ty Xây dựng Gò Vấp (nay là Công ty Địa ốc Gò Môn) bước sang ngày làm việc thứ hai. Trả lời về số tiền mình đã nhận từ “phi vụ” sang nhượng đất trái phép, cả bị cáo Nguyễn Văn Tính (nguyên Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch HĐND quận Gò Vấp) lẫn bị cáo Trần Kim Long (nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp) đều nói rằng đó là “khoản tiền tình cảm”.

  • “Bị cáo chỉ phạm tội tiêu thụ tài sản”

Trong phiên xử buổi sáng, hội đồng xét xử (HĐXX) thẩm vấn bị cáo Nguyễn Văn Tính về hành vi “ban ơn” để hưởng lợi. Bị cáo Tính thừa nhận sau khi nhận đơn tố cáo của bà Trần Thị Thu về việc sang nhượng đất trái pháp luật của Công ty Xây dựng Gò Vấp đã chỉ đạo cơ quan chức năng của quận thẩm tra, xác minh làm rõ.

Sau đó vào tháng 8-2001, VKSND quận Gò Vấp có công văn kết luận: có việc chuyển nhượng đất trái phép ở phường 12 quận Gò Vấp; Công ty Xây dựng Gò Vấp là doanh nghiệp Nhà nước đã không mua đất trực tiếp từ người dân mà mua thông qua tư nhân, khiến cho nhà nước bị thất thoát hơn 20 tỷ đồng; đề nghị kiểm điểm Dương Công Hiệp vì với vai trò Phó phòng quản lý đô thị quận đã tham mưu cho “đầu nậu” Phạm Thị Tuyết Lan hợp thức hóa việc sang nhượng đất trái pháp luật.

Tuy nhiên, sau khi nhận được công văn của VKSND quận Gò Vấp, bị cáo Tính đã cất vào tủ, đến khi chuyển công tác về làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn vào tháng 2-2002, bị cáo mới giao hồ sơ vụ này lại cho Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Gò Vấp.

Chủ tọa – thẩm phán Trần Xuân Minh hỏi: “Từ khi nhận công văn đến khi chuyển giao hồ sơ kéo dài tới 4 tháng, bị cáo có cảm thấy thiếu sót gì không?”. Bị cáo Tính thừa nhận: “Bị cáo có thiếu sót trong quá trình xử lý. Lẽ ra bị cáo phải chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng hay cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý, khởi tố”.

Về số tiền 800 triệu đồng mà mình đã nhận, bị cáo Tính khai là từ quan hệ tình cảm với bị cáo Lê Minh Châu – nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp (trong khi bị cáo Châu khai rằng là để “trả ơn” việc bị cáo Tính sau khi nhận công văn của VKSND quận Gò Vấp đã không xử lý mình và đồng phạm).

Bị cáo Tính lý giải: “Bị cáo và bị cáo Châu quen biết nhau đã lâu, tình nghĩa hơn 20 năm nên khi bị cáo thiếu tiền sửa nhà, bị cáo Châu đã cho bị cáo 500 triệu và cho mượn 300 triệu. Bị cáo vô tình, không biết số tiền này là từ tiền bị cáo Châu ăn chia từ bị cáo Lan. Bị cáo chỉ phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” thôi!”.

  • Chú đưa tiền khi cháu cần

Bị cáo Trần Kim Long cũng dùng điệp khúc “tiền tình cảm” khi trình bày về số tiền mình đã nhận từ bị cáo Châu. Trong ngày xét xử đầu tiên, khi được hỏi: “Bị cáo Long có đặt vấn đề tiền bạc khi giới thiệu đất không?”, bị cáo Tính khai: “Vào thời điểm năm 2001, sau khi hợp đồng mua đất đã ký xong, ông Long đặt vấn đề xin tôi một ít tiền để mua đất”.

Nghe “gợi ý” này, bị cáo Châu đã hiểu và “chung” 290 triệu đồng. Tuy nhiên, bị cáo Long đã phủ nhận lời khai này, và khai rằng chỉ nhận từ bị cáo Châu 60 triệu đồng để mua đất. Theo bị cáo Long thì quan hệ giữa bị cáo và bị cáo Châu thân thiết như chú cháu trong nhà, khi cháu cần tiền thì chú đưa chứ không vì lý do gì khác.

Về hành vi dùng quyền hạn của mình để buộc bị cáo Châu giao cho mình sử dụng hai số điện thoại di động (tổng cộng Công ty Xây dựng Gò Vấp đã phải chi trả hơn 131 triệu đồng tiền thuê bao và tiền cước phí cho hai số điện thoại này mà Long sử dụng từ giữa năm 1996 đến cuối tháng 12-2004 – PV), bị cáo Long thừa nhận mình đã sai nhưng lại cho rằng xuất phát từ quan hệ tình cảm, bị cáo Châu cho thì mình cứ lấy.

Đối với hành vi tham gia “chạy án”, bị cáo Long cũng phủ nhận. Theo cáo trạng của VKSND TPHCM, vào tháng 11-2004, khi Thanh tra Chính phủ và cơ quan điều tra đang tiến hành thanh tra, điều tra về những sai phạm của Công ty Địa ốc Gò Môn, các bị cáo Long, Châu và Hồ Tùng Lâm (nguyên Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp) đã giao cho bị cáo Nguyễn Minh Hoàng 30.000 USD, 20 triệu đồng để “chạy thuốc”.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Long khăng khăng rằng mình không giới thiệu bất kỳ ai tìm người “chạy án” và cũng không tham gia vào việc này. Bị cáo Long lý giải: “Sau khi biết có sai phạm trong mua bán đất tại Công ty Địa ốc Gò Môn, bị cáo và Ban Thường vụ Quận ủy quận Gò Vấp đã thống nhất với nhau báo cáo vụ việc lên Thành ủy để thanh tra. Và trong kết luận thanh tra cũng không nhắc gì đến bị cáo thì không việc gì bị cáo phải lo “chạy án”.

Tuy nhiên, bị cáo Long thừa nhận có nhận 10 triệu đồng từ bị cáo Châu để ra Hà Nội nhờ bạn “tìm hiểu” kết quả thanh tra tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến đất đai của Đoàn Thanh tra Chính phủ.

ÁI CHÂN

Tại phiên tòa, bị cáo Dương Ngọc Hiệp – nguyên Phó phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp – khai: “Giữa năm 2004, khi Thanh tra thành phố đang tiến hành thanh tra vụ sai phạm đất đai tại Công ty Xây dựng Gò Vấp, bị cáo Long có kêu bị cáo qua dặn không được khai bất cứ điều gì về tiền – đất, mọi việc để bị cáo Long tính. Sau đó, khi cơ quan điều tra mời bị cáo lên làm việc, bị cáo Long gọi bị cáo lên và tiếp tục dặn không được khai gì, nếu khai thì sau này phải tự gánh chịu”.

Bị cáo Phạm Thị Tuyết Lan – “đầu nậu” đất – không thừa nhận tội “Tham ô tài sản” (lập thủ tục hợp thức hóa hai hợp đồng chuyển nhượng hơn 11ha đất tại phường 12 quận Gò Vấp trái pháp luật nhằm nâng giá đất cao hơn nhiều so với thực tế chuyển nhượng; qua đó chiếm đoạt của Công ty Xây dựng Gò Vấp hơn 16,6 tỷ đồng – PV), cho rằng mình chỉ mua đi bán lại đất đai để kiếm lời.

Bị cáo chỉ thừa nhận sai ở chỗ chưa làm thủ tục sang tên đất xong, giấy ủy quyền của các hộ dân ủy quyền cho Lan thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất không được sự chứng thực của cơ quan chức năng mà đã bán cho Công ty Xây dựng Gò Vấp.

Tin cùng chuyên mục