Vì sao “chiba” Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt?

“Ngôi sao mới”!
Vì sao “chiba” Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt?

Trong số báo hôm qua 17-6, chúng tôi đã đề cập đến nhân vật “chihai” Nguyễn Sỹ Bình và “chitu” Lê Công Định. Nếu như 2 nhân vật trên có chủ trương “dùng lực lượng bên ngoài đánh vào để gây rối loạn lớn ở trong nước” thì cũng cùng mục tiêu trên nhưng “chiba” Trần Huỳnh Duy Thức lại chọn phương thức khác.

“Chiba” tỏ ra rất “xông xáo” viết bài tuyên truyền nhằm xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo, phá hoại đường lối, chính sách kinh tế - xã hội; gây chia rẽ, gây mất lòng tin trong các tầng lớp nhân dân… để khi trong nước có rối loạn, “chiba” sẽ… ở giữa hưởng lợi! Tuy phương thức khác nhau nhưng “ba chị em” họ đã xích lại gần nhau, cùng tranh thủ nhau để đạt được mục tiêu… trên mây!

“Ngôi sao mới”!

Trần Huỳnh Duy Thức.

Trần Huỳnh Duy Thức.

Ngoài tên thật, “chiba” (tức C3) còn có bí danh là Trần Đông Chấn, Dương Hữu Canh, là kỹ sư tin học với chức danh Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Internet Một Kết Nối (OCI). Vừa hoạt động kinh doanh, “chiba” vừa muốn vẫy vùng trong bầu trời chính trị.

Như nằm mơ tỉnh dậy, Trần Huỳnh Duy Thức tự cho rằng mình là ngôi sao mới, một vĩ nhân, minh chủ cho những người dân VN đang sống dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN(!) Để thực hiện tư tưởng của “một ngôi sao mới”, năm 2001, Trần Huỳnh Duy Thức lập ra một nhóm có tên “Nhóm nghiên cứu Chấn” gồm: L.T., T.L., T.T., C.P. Số tín hữu này được “chiba” phân công công việc rất cụ thể nhằm phát triển lực lượng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, L.T. được phân công phụ trách mảng đối ngoại, lôi kéo nhiều thành viên ủng hộ từ nước ngoài; T.L. lo tổ chức đối nội trong nước và đang có ý định chui sâu, leo cao vào một số cơ quan quyền lực; riêng T.T., do có am hiểu về kinh tế, nên chuyên phân tích tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó đưa ra các bài viết (trên báo chí nước ngoài và blog) gây hoang mang trong dân chúng; còn C.P. đóng vai trò như thư ký của nhóm, phụ trách mảng tổng hợp, văn thư lưu trữ.

Nguồn tin của chúng tôi còn xác định hàng tuần, nhóm này đều có họp giao ban, mỗi người đều có báo cáo tuần và nếu ai làm không đạt yêu cầu còn bị “chiba” phê bình nghiêm khắc!

“Tư tưởng lớn” gặp nhau!

Qua một số bài viết phân tích tình hình, chính sách kinh tế - xã hội của VN trên các báo đài nước ngoài và các blog của mình, năm 2007, Trần Huỳnh Duy Thức đã quen được với N.T.T., tự xưng là thành viên của cái gọi là “Đảng dân chủ VN” và được N.T.T. giới thiệu làm quen Lê Công Định.

“Chiba” quen “chitu” từ đó, 2 người “thăm dò” nhau qua email, chat rồi trở nên thân thiết. Cũng nhờ cầu nối N.T.T., năm 2008, “chiba” quen được với “chihai” Nguyễn Sỹ Bình. Cũng trong thời gian này, Thức lập ra một số trang blog, đưa quan điểm xuyên tạc đất nước của mình và thông qua các blog này, Nguyễn Sỹ Bình mở cờ trong bụng vì tìm thấy người đồng hội đồng thuyền. Hai người coi nhau như “tri âm tri kỷ”, chia sẻ về “tư tưởng lớn” của nhau.

Mối quan hệ của Thức và Bình đã chuyển sang một trang mới khi tháng 1-2009, Thức có chuyến công tác qua Mỹ lo việc kinh doanh. “Chiba” đã thu xếp, liên lạc với “chihai” Bình để gặp nhau tại TP Houston (Hoa Kỳ).

Trong buổi gặp gỡ này, Bình ra sức lôi kéo Thức tham gia cái gọi là “Đảng dân chủ VN”. Tuy nhiên do đã có chí hướng riêng, Thức nhất quyết không tham gia và cũng ra sức lôi kéo Bình tham gia hoạt động theo cách thức của mình - tạo ra mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ theo kiểu “tọa sơn quan hổ đấu”, ở giữa cầu lợi!

Trần Huỳnh Duy Thức kể: Nguyễn Sỹ Bình giới thiệu về tổ chức cũng như các hoạt động của “Đảng dân chủ VN” và muốn mời tôi tham gia. Phần tôi, tôi từ chối tham gia “Đảng dân chủ VN”… Chưa thống nhất với đề nghị của nhau, cả hai bên hẹn sẽ “trả lời” vào thời gian sau.

Bộ ba gặp mặt

Cao trào của mối quan hệ “chihaichibachitu” là Nguyễn Sỹ Bình và Trần Huỳnh Duy Thức quyết định hẹn gặp nhau tại Phukhet (Thái Lan) và mời Lê Công Định sang. Tại đây, “ba chị em” đã bàn bạc, đánh giá những vấn đề kinh tế, chính trị của VN và đề ra kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho thời điểm VN xảy ra “biến động chính trị”, lật đổ chính quyền VN vào năm 2010(!?).

Dù giữa Thức với cặp đôi Bình - Định có phương thức hành động khác nhau nhưng để tranh thủ nhau, cả 3 tham gia biên soạn cuốn sách mà Trần Huỳnh Duy Thức đã nung nấu bấy lâu nay, mang tên “Con đường VN” có tính chất như cương lĩnh hành động của nhóm.

Cả nhóm tin tưởng: khi quyển sách ra đời, không chỉ dân chúng tìm thấy một con đường để thay đổi mà các thế lực thù địch cũng nhìn ra một lực lượng mới tương đồng về chiến lược với họ. Đồng thời, nhóm tự phân công Lê Công Định phụ trách bộ phận cải cách tư pháp, quan hệ công chúng trong “chính quyền mới”; Trần Huỳnh Duy Thức “chăm sóc” mảng kinh tế, Nguyễn Sỹ Bình chuyên tâm phần xã hội…

Ảo vọng vào bản thân và giấc mơ chính trị viển vông, Trần Huỳnh Duy Thức đã bị trả giá. Nhưng có lẽ chính điều đó sẽ làm cho Trần Huỳnh Duy Thức tỉnh ngộ và đứng lên làm lại cuộc đời.

Đường Loan – Minh Anh

Tin cùng chuyên mục