Vụ Lê Công Định có những hoạt động chống Nhà nước: Những hành vi có hại cho đất nước đều phải bị nghiêm trị

Vụ Lê Công Định có những hoạt động chống Nhà nước: Những hành vi có hại cho đất nước đều phải bị nghiêm trị

Những ngày qua, Báo SGGP đã thông tin đến bạn đọc hành động sai trái, chống phá Nhà nước của Lê Công Định cùng đồng bọn. Báo cũng đã đăng một số ý kiến trong và ngoài giới luật sư phản đối hành động của Lê Công Định, ủng hộ việc nghiêm trị những kẻ vi phạm pháp luật, kích động lật đổ chính quyền.

ĐBQH, Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Vi phạm về luật pháp thì phải bị xử lý theo luật pháp

Vụ Lê Công Định có những hoạt động chống Nhà nước: Những hành vi có hại cho đất nước đều phải bị nghiêm trị ảnh 1

Việc xử lý về mặt pháp luật đối với Lê Công Định (bị bắt giữ) là rất đúng. Vì ông ta phạm tội hình sự, có câu kết với một số đối tượng ở nước ngoài hoạt động nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Việc bắt giữ Lê Công Định được tiến hành theo đúng trình tự của pháp luật Việt Nam. Ông ta và đồng bọn có những hành vi có hại cho đất nước, cho nền độc lập tự do của đất nước, cho chủ quyền thì đương nhiên ông ta phải bị pháp luật nghiêm trị, xử lý. Không phải riêng ông Lê Công Định mà bất cứ ai có những hành vi có hại cho đất nước, cho nền độc lập tự do của đất nước, cho chủ quyền đều phải bị nghiêm trị. Đó là điều chính đáng.

Đây không phải là vấn đề tự do ngôn luận. Cũng không phải chúng ta hạn chế ý kiến của người dân phát biểu đối với các vấn đề của đất nước. Nhưng việc phát biểu ý kiến phải trong phạm vi quyền công dân. Còn một khi đã vi phạm về luật pháp thì phải bị xử lý theo luật pháp. Theo tôi, việc xử lý Lê Công Định phải dứt khoát, phải kiên quyết. Đó là quan điểm của lực lượng cựu chiến binh chúng tôi- những người đã đổ xương máu vì nền độc lập tự do của đất nước này.

Tôi cho rằng, không nên phân biệt bất cứ người nào, vị trí ra sao, đã vi phạm pháp luật phải bị xử lý theo luật pháp. Nhất là điều này liên quan đến việc bảo vệ pháp luật của Nhà nước, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ. Đặc biệt, là luật sư, lẽ ra ông ta phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của luật pháp chứ không thể chống lại pháp luật.

ĐBQH, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Không thể chấp nhận thái độ kích động, lật đổ chính quyền

Tôi cho rằng ông Lê Công Định đang cố ý để mình bị bắt, để được nổi tiếng, vì ông ta làm những việc đó rất công khai. Phải chăng ông ta đang làm “người đốt đền” để lấy uy tín với phía bên kia. Vì rõ ràng, ông ta biết làm như vậy sẽ không ai chấp nhận, nhưng ông ta vẫn cứ làm: nào là viết Hiến pháp mới, nào là yêu cầu lật đổ chế độ này... Việc lập ra cả một Hiến pháp mới là chuyện hết sức phi lý. Đó là điều không ai có thể chấp nhận. Nhân dân ta luôn muốn hòa bình, yên ổn, chẳng ai muốn xáo trộn. Còn ai muốn góp ý kiến gì thì cứ đóng góp, không ai ngăn cấm. Điều gì không phải thì nên phản biện, chứ không phải là thái độ kích động để lật đổ chính quyền. Điều đó là phạm pháp rõ ràng.

Vụ Lê Công Định có những hoạt động chống Nhà nước: Những hành vi có hại cho đất nước đều phải bị nghiêm trị ảnh 2

Tôi cho rằng, có thể ai đó không đồng tình chuyện này, chuyện kia thì có thể gửi kiến nghị. Như ĐBQH chẳng hạn, với những vấn đề hệ trọng, ĐBQH nói rất mạnh, kiến nghị rất mạnh, nhưng là để xây dựng, chứ không phải để chống phá.

Đảng và Nhà nước mình không phải là không lắng nghe ý kiến phản biện. Tôi lấy ví dụ mới đây, vấn đề bauxite Tây Nguyên, khi giới trí thức có ý kiến mạnh mẽ thì Đảng, Chính phủ đều lắng nghe và có những tiếp thu rất kịp thời. Quan điểm của tôi là cái gì mình thấy đúng thì có ý kiến, nhưng phải là ý kiến công khai, không kích động.

Vì vậy, theo tôi, những hành động của Lê Công Định phải bị xử lý đúng pháp luật, không phân biệt ở vị trí nào. Hơn ai hết, ông ấy là người hiểu rõ pháp luật, nên càng phải tôn trọng pháp luật. Với một người dân thường, không hiểu biết pháp luật mà bị kích động làm việc đó, đôi khi còn được pháp luật xử nhẹ. Còn đối với một người làm công tác luật mà vi phạm như vậy thì hình thức xử lý theo tôi càng phải mạnh tay hơn.

PHAN THẢO ghi


Lê Công Định thực hiện “giấc mơ” của mình như thế nào?

  • Khởi tố bị can đối với Lê Công Định

Để thực hiện “giấc mơ” lật đổ chế độ, Lê Công Định sử dụng chiến lược “một tay bắt hai cá”. Một mặt, “chitu” đóng vai trò rất quan trọng trong “Đảng dân chủ VN”, mặt khác, Lê Công Định lại “đi đêm” với tổ chức khủng bố Việt Tân. Đồng thời, Định còn lập ra cái gọi là “Đảng lao động VN”.

“Đi đêm” với tổ chức khủng bố Việt Tân

Theo lời khai của Lê Công Định tại cơ quan an ninh điều tra, ngày 28-2-2009, Định đã sang Pattaya (Thái Lan) theo lời mời của Hà Đông Xuyến, một thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân để tham dự “khóa huấn luyện” phương thức đấu tranh “bất bạo động”, thực chất là phương thức tiến hành “cách mạng màu” nhằm lật đổ Nhà nước VN.

Định và Xuyến thống nhất lập email để liên lạc với nhau. Trong một số tài liệu thu giữ được có nhiều bằng chứng cho thấy Lê Công Định đã trở thành “cốt cán” quan trọng của tổ chức khủng bố Việt Tân với vai trò là ủy viên của “Ủy ban Luật pháp”.

Vụ Lê Công Định có những hoạt động chống Nhà nước: Những hành vi có hại cho đất nước đều phải bị nghiêm trị ảnh 3

Lê Công Định đọc lời khai tại cơ quan điều tra.

Tháng 10-2006, Lê Công Định còn thống nhất với các thành viên của tổ chức này lập ra cái gọi là “Liên minh dân chủ nhân quyền và Việt Tân” nhằm tấn công vào 6 “trụ cột”: Công an, Quân đội, khối đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hệ thống chính quyền, hệ thống kiểm soát thông tin, hệ thống kiểm toán tài chính, các định chế tư pháp.

Để tạo niềm tin với các thành viên của Đảng Việt Tân, trong một bức thư gửi cho Vũ Thư Hiên (thành viên tổ chức Việt Tân tại Pháp), Lê Công Định viết: “Năm 2009 là năm quan trọng anh ạ. Em tin tưởng tuyệt đối sẽ có một sự chuyển biến đáng kể đối với lịch sử Việt Nam để chúng ta thực sự có một thể chế chính trị vào năm sau – năm 2010. Vận nước đã chuyển sang một kỷ nguyên mới; vận của cuộc đời em cũng sẽ chuyển sang một bước ngoặt mới; em hy vọng sẽ góp phần vào vận nước. Em sẽ làm tất cả để công cuộc cách mạng này đạt được thành tựu như mong đợi của bao người…”.

Lê Công Định có vai trò như thế nào trong Đảng dân chủ VN?

Theo điều tra, tháng 3-2008, qua giới thiệu của N.T.T. (người của “Tổ chức thanh niên dân chủ”), Lê Công Định liên lạc với Nguyễn Sỹ Bình – cựu chủ tịch “Đảng nhân dân hành động” ở Mỹ (nay là “Đảng dân chủ VN). Sau đó, Định và Bình thống nhất lập ra email ParvisPalo@gmail.com để trao đổi, liên lạc với nhau.

Tháng 2-2009, Nguyễn Sỹ Bình gửi bản “Tân Hiến pháp” cho Định nghiên cứu, góp ý “Tân Hiến pháp” mới cho “Đảng dân chủ VN”. Thực chất đây là động thái chuẩn bị cho việc, sau khi lật đổ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, sẽ có bản Hiến pháp mới và thành lập nhà nước theo thể chế chính trị đa đảng. Tới tháng 9-2008, Lê Công Định đi Mỹ dự hội nghị luật sư và hẹn gặp Nguyễn Sỹ Bình. Tại đây, Bình còn giao cho Định bản “Điều lệ của Đảng dân chủ VN” để chỉnh sửa, cho ý kiến. Sau khi nghiên cứu, Định đã chỉnh sửa, cho ý kiến về cách dùng từ ngữ trong bản điều lệ này.

Lê Công Định khai nhận, Định biết Nguyễn Sỹ Bình là Chủ tịch “Đảng nhân dân hành động” (nay là “Đảng dân chủ VN”), đã bị Nhà nước VN trục xuất vì có hoạt động chống chính quyền nhân dân. Nhưng thấy Bình có “tư tưởng lớn” giống mình là muốn thay đổi thể chế chính trị tại VN, Định đã “hợp tác toàn diện” với Bình. Ngoài ra, Định lấy bút danh “Nguyên Kha”, “Paul”, “Đoàn Phước Việt” để viết nhiều bài đăng trên báo điện tử của “Đảng dân chủ VN”.

Trong giai đoạn 2006 - 2009, Lê Công Định đã viết 20 bài cho BBC, RFA, RFI, tạp chí “Phía trước” của “Tập hợp thanh niên dân chủ”. Đến nay, Lê Công Định đã thừa nhận bản thân mình đã được đề cử vào “Ban thường vụ Đảng dân chủ VN” và làm Tổng thư ký “Đảng dân chủ VN” dưới tên Đoàn Phước Việt.

Thành lập đảng chính trị mới để thay thế Đảng Cộng sản(!)

Không những vừa làm “quan lớn” ở “Đảng dân chủ VN” vừa “đi đêm” với tổ chức khủng bố Việt Tân, Lê Công Định còn thành lập đảng chính trị mới để chuẩn bị thay thế Đảng Cộng sản VN(!). Trong buổi gặp nhau tại Phuket (Thái Lan) vào tháng 3-2009, “ba chị em” cùng nhận định sẽ có biến động lớn từ khoảng năm 2009 đến cuối năm 2010 và cho rằng đó là thời cơ không được bỏ qua. Cả ba gọi đó là “Lúc phất cờ”, cần phải có 5 người không phân biệt đảng phái cùng hợp tác với nhau để giải quyết 5 lĩnh vực quan trọng của xã hội.

Lê Công Định đã viết thư gửi cho “chihai” Bình và “chiba” Thức vào ngày 20-4-2009 có nội dung: “Còn boxit Tây Nguyên là “tử huyệt” của bọn chúng nó rồi vì đó là lòng dân. Chúng ta dứt khoát phải khoét sâu vào. Tình hình boxit có nhiều chuyển biến kinh hoàng. Bọn chúng chắc chắn sẽ chết vì chuyện này. Trời cho phong trào dân chủ VN 2 sự kiện chết người, đó là Boxit và Hoàng Sa – Trường Sa”. Và “Cần lập sớm 2 Đảng như chúng ta đã bàn để thâu tóm lực lượng. Chị Ba đã qua giai đoạn khó khăn nhất chưa, để chuẩn bị chiến đấu? Em nghĩ đánh từ bên ngoài vào trong sẽ gây rối loạn lớn!”.

Từ nhận định trên, tháng 4-2009, Lê Công Định đã lập blog “Đảng lao động VN”, soạn lời tuyên cáo thành lập, chuẩn bị cả tuyên ngôn, đảng ca, đảng kỳ, tên… nhằm lôi kéo, thu hút, tuyên truyền phát triển lực lượng. Định khai nhận, do trục trặc lỗi kỹ thuật nên chưa hoàn thiện nhằm công bố công khai thì bị bắt. Tại cơ quan điều tra, Định đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và xin được Nhà nước VN khoan hồng.

Ngày 18-6, thiếu tướng Hoàng Kông Tư, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, cho biết, hôm nay ngày 19-6, cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, cơ quan An ninh điều tra tiếp tục làm rõ hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân của các đối tượng này.

HOÀI NAM - ĐƯỜNG LOAN

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa bắt Lê Thăng Long (SN 1967, quê Hà Nội). Theo điều tra, Long đã quen Trần Huỳnh Duy Thức từ những năm 1985-1990 và được Thức phân công lập kế hoạch nhằm tập hợp lực lượng dưới hình thức thành lập câu lạc bộ “Chấn hưng nước Việt” do Long làm chủ tịch. Ngoài ra, Long cùng một số đối tượng khác sáng lập “Phong trào Chấn hưng nước Việt”. Tháng 4-2009, Long câu kết với Thích Minh Tâm (còn gọi là Nguyễn Thiếu Văn, ở Australia) thiết kế website www.chanhungnuocviet... làm cơ quan ngôn luận, kêu gọi mọi người đăng ký tham gia; xây dựng các câu lạc bộ (CLB) trực thuộc như CLB quân nhân chấn hưng nước Việt, CLB nhà báo chấn hưng nước Việt, CLB luật sư chấn hưng nước Việt… Lê Thăng Long khai nhận đã tham gia “nhóm nghiên cứu Chấn” do Trần Huỳnh Duy Thức lập ra.

Lời khai của Lê Công Định tại Cơ quan An ninh điều tra

 “… Ngày 26-3-2009, tôi sang Phuket gặp ông Nguyễn Sỹ Bình và ông Trần Huỳnh Duy Thức để bàn về tình hình kinh tế - chính trị Việt Nam, bàn chủ trương thành lập thêm hai đảng mang tên là Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam để thu hút thêm lực lượng tham gia. Trước mắt, chúng tôi thống nhất lập hai blog mang tên “Đảng Lao động Việt Nam” do tôi phụ trách và blog mang tên “Đảng Xã hội Việt Nam” do anh Thức phụ trách. Cũng tại Phuket, chúng tôi bàn về việc viết chung cuốn sách “Con đường Việt Nam” để tìm giải pháp cải cách tình hình xã hội, kinh tế và pháp luật cho Việt Nam.

Trong quá trình tham gia “Đảng Dân chủ Việt Nam”, tôi đã góp ý chỉnh sửa một số văn phong, thuật ngữ của bản Điều lệ “Đảng Dân chủ Việt Nam”. Tôi cũng đã được Nguyễn Sỹ Bình chuyển cho tôi tham khảo nghiên cứu một bản “Tân hiến pháp” phục vụ cho việc soạn thảo một bản Hiến pháp của “Đảng Dân chủ Việt Nam”. Tôi thấy những việc làm trên của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình. Tôi mong được Nhà nước xem xét cho tôi hưởng lượng khoan hồng”.

Bản viết tay lời khai của Lê Công Định.

Bản viết tay lời khai của Lê Công Định.

Thông tin liên quan

>>  Vì sao “chiba” Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt?

>>  Bộ mặt thật của Nguyễn Sỹ Bình và cái gọi là “Đảng dân chủ Việt Nam”!

>>  Vụ luật sư Lê Công Định có những hoạt động chống Nhà nước: Ông Định không còn xứng đáng là luật sư

>> Phải trừng trị thích đáng theo pháp luật

>> Kiến nghị xử lý nghiêm theo pháp luật

>>  Bắt khẩn cấp Lê Công Định do có những hoạt động chống Nhà nước  

Tin cùng chuyên mục