Luật sư – Từ thực tế nhìn lại. Bài 2: Hành nghề – vẫn còn trở ngại

Luật: có quyền, thực tế: hạn chế
Luật sư – Từ thực tế nhìn lại. Bài 2: Hành nghề – vẫn còn trở ngại

Cùng với sự phát triển của đất nước trong những năm qua, đội ngũ luật sư (LS) Việt Nam từng bước trưởng thành, trở thành bộ phận không thể tách rời trong thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN. Đặc biệt là sau khi Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới”, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” ra đời, hoạt động của LS chuyển biến rõ nét hơn, vai trò của LS được nâng lên tầm cao mới. Luật LS và các bộ luật khác đã có nhiều quy định mở rộng, trao thêm nhiều quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của LS. Dẫu vậy, khi hành nghề, LS cũng đối mặt không ít khó khăn.

Luật sư Nghiêm Xuân Lý (bên phải) tư vấn pháp luật cho bạn đọc Báo SGGP. Ảnh: NGỌC HIẾU

Luật sư Nghiêm Xuân Lý (bên phải) tư vấn pháp luật cho bạn đọc Báo SGGP. Ảnh: NGỌC HIẾU

Luật: có quyền, thực tế: hạn chế

Theo Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, LS được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra đối với tội đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm an ninh quốc gia thì LS được tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Đặc biệt trong các trường hợp bắt người khẩn cấp và bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì LS được tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ.

Ngoài ra, LS còn được quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và có thể được hỏi người tạm giữ, bị can nếu điều tra viên đồng ý. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho LS thực hiện đúng chức năng của mình là làm sáng tỏ những tình tiết gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo; góp phần đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội.

Luật quy định là thế, nhưng trên thực tế không phải lúc nào LS cũng được tạo điều kiện tham gia vào vụ án từ giai đoạn điều tra. LS kêu ca nhiều, thậm chí tại một cuộc họp, Đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM, còn tuyên bố sẽ xử lý nghiêm những điều tra viên bị “tố” có hành vi cản trở LS hoạt động, tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt. Theo quan điểm của một số điều tra viên, khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra, LS bào chữa theo yêu cầu của bị can tham gia chỉ thêm… rối.

Bởi lẽ không ít trường hợp bị can đang thành khẩn thừa nhận hành vi sai phạm phù hợp với chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được, vậy mà sau khi gặp LS thì lập tức phản cung, thay đổi lời khai. Vậy nên cứ trì hoãn sự tham gia của LS càng lâu càng tốt! Về phần mình, khi bị cản trở, không LS nào dám “tố” vì sợ sau này bị tẩy chay, ảnh hưởng đến hoạt động lâu dài.

LS Trần Ngọc Quý (Đoàn LS TPHCM) nêu một khó khăn khác. Khoản 2 Điều 64 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 quy định rõ: người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án, được ghi chép, sao chụp tài liệu có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Quy định như vậy, nhưng thực hiện được hay không là do… hên xui. Có tòa án cho phép LS được dùng máy chụp ảnh kỹ thuật số sao chụp trực tiếp hồ sơ vụ án ngay tại chỗ để về nghiên cứu; nhưng cũng có tòa án yêu cầu LS phải đăng ký để tòa photocopy hồ sơ, hẹn LS vài ngày sau đến lấy. Gặp những trường hợp như vậy, LS phải mất nhiều thời gian đi lại mới có thể có được hồ sơ đầy đủ phục vụ cho việc nghiên cứu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ.

Giữ quy tắc đạo đức hay đối mặt với pháp luật?

Theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, LS không được tiết lộ bí mật thân chủ. Đây là quy định đúng đắn, thể hiện trách nhiệm của LS đối với thân chủ của mình. Tuy nhiên, quy định này không “gặp” quan điểm của cơ quan điều tra.

Một số LS kể rằng đã bị điều tra viên mời lên yêu cầu hợp tác, cung cấp những gì đã biết qua những lần tiếp xúc với thân chủ (lúc này thân chủ của LS đã là bị can hoặc đang là nghi can trong một vụ án). Khi LS không đồng ý thì điều tra viên đe dọa rằng sẽ khởi tố LS về hành vi “Không tố giác tội phạm” theo quy định tại Điều 314 Bộ luật Hình sự.

Trước trường hợp này, hầu hết LS chọn cách không cung cấp thông tin và “đấu lý” với cơ quan điều tra rằng một khi thân chủ của họ chưa bị bản án có hiệu lực pháp luật tuyên là có tội thì chưa bị xem là tội phạm, do vậy không thể quy kết LS có hành vi “không tố giác tội phạm”. Dẫu “thoát hiểm” nhờ vận dụng “bảo bối” trên, nhưng các LS vẫn có cảm giác không được an toàn trong việc thực hiện trách nhiệm đối với thân chủ của mình.

Nhìn nhận theo hướng rộng hơn, LS Phan Thông Anh, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Việt Nam cho rằng: Pháp luật hiện nay còn có những quy định chồng chéo, thiếu thống nhất. Do vậy, mỗi LS phải phải có bản lĩnh, sự nhạy bén, xử lý tình huống hài hòa để vừa tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp vừa tuân thủ nghĩa vụ công dân của mình đối với đất nước.

Theo LS Phan Thông Anh, việc LS bị làm khó trong quá trình tham gia tố tụng là vấn đề “nóng” được đưa ra thảo luận tại Đại hội đại biểu LS lần thứ nhất. Đại hội đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành văn bản pháp luật liên quan đến quá trình tham gia tố tụng của LS. Cụ thể, cần có một thông tư liên tịch giữa TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp để quy định trách nhiệm cho các cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện tốt nhất cho LS trong việc cấp giấy chứng nhận bào chữa ngay từ giai đoạn điều tra, kể cả việc cấp giấy chứng nhận bào chữa một lần trong suốt quá trình tố tụng của vụ án, không phải kêu cấp đi cấp lại nhiều lần từ giai đoạn điều tra của cơ quan điều tra, đến giai đoạn truy tố của viện kiểm sát và đôi lúc kể cả giai đoạn xét xử của tòa án.

Ái Chân – Hoài Nam

- Thông tin llên quan: Bài 1: Lượng: thiếu, chất: mỏng

Tin cùng chuyên mục