Vụ “phá rừng để... trồng rừng” ở Quảng Nam: Ai đứng sau?

Vụ “phá rừng để... trồng rừng” ở Quảng Nam: Ai đứng sau?

Như SGGP số ra ngày 9ngày 10-7 đã có bài phản ánh, hiện nay, tại Quảng Nam rộ lên tình trạng phá rừng để… trồng rừng. Rừng phòng hộ bị tàn phá để chiếm đất trước sự bất lực của các ngành chức năng từ cấp xã đến cấp tỉnh. Điều đáng nói, những khu rừng phòng hộ bị tàn phá trong khi các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang tiến hành quy hoạch và điều chỉnh phân loại rừng. Chính vì thế, dư luận đặt câu hỏi, tại sao những kẻ phá rừng phòng hộ lại biết thông tin nội bộ để “đi tắt, đón đầu” trong việc phá rừng?

        Lâm tặc được tiếp tay?

Ngay sau khi Báo SGGP đăng tải thông tin về nạn phá rừng và nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc, PV SGGP đã quay lại huyện Phú Ninh, nơi hàng chục hécta rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá, để tìm hiểu ai đứng đằng sau những vụ phá rừng tại đây?

Từ nguồn tin của người dân địa phương, chúng tôi được biết hầu hết diện tích rừng bị phá ở Tam Mỹ Tây mấy năm vừa qua đều… không phải của người dân!

Một người dân bức xúc: “Người dân chúng tôi đời sống kinh tế còn nghèo, tiền của đâu mà phá hàng chục hécta để trồng lại rừng? Rừng ở đây mang tiếng là của Tam Mỹ Tây, chứ người dân Tam Mỹ Tây làm chi có rừng”.

Nhưng khi chúng tôi hỏi: “Vậy bà con có biết ai là người phá rừng?” thì người dân nhìn qua, nhìn lại rồi… lắc đầu không dám nói. Tuy nhiên, qua những cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân đã “bóng gió” cho biết, hầu hết rừng bị phá thời gian vừa qua chủ yếu là của… cán bộ (?!).

Và một người dân còn tiết lộ diện tích rừng bị phá để trồng rừng mấy năm qua tại Tam Mỹ Tây đều do một số cán bộ. Trong đó có cả cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Núi Thành và những đại gia từ nơi khác… đứng ra “thỏa thuận miệng” với những kẻ có “máu mặt” tên T. và B. ở địa phương thực hiện. Thậm chí, chính những người này đã dựng nhà ngay trong rừng phòng hộ để phá rừng nhưng cả chính quyền địa phương và cả lực lượng kiểm lâm đều im lặng. Chính vì thế, việc phá rừng diễn ra trong một thời gian dài mà cả chính quyền địa phương lẫn các ngành chức năng vẫn… ngoài cuộc.

Một điều đáng nói khác, là diện tích rừng đã và đang bị tàn phá là rừng nằm trong diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn Phú Ninh đang được các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam quy hoạch và xin phê duyệt chuyển đổi sang “rừng kinh tế”. Câu hỏi đặt ra, tại sao việc quy hoạch chưa được thực hiện xong mà có người đã biết trước và “đi tắt, đón đầu” phá rừng để chiếm đất?

Rừng phòng hộ Phú Ninh bị tàn phá.

Rừng phòng hộ Phú Ninh bị tàn phá.

        Đừng “đánh trống bỏ dùi”

Với câu hỏi này, chúng tôi tìm gặp ông Đinh Hồng Thân, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Núi Thành, người được điều động lên phụ trách tại Trạm Kiểm lâm Đèo Mộc (Tam Mỹ Tây) để tìm hiểu sự việc.

Ông Thân cho biết, việc này trước mắt là lỗi do cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn đã phát hiện chậm. Sở NN-PTNT tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tiến hành điều tra, thu thập hồ sơ, chứng cứ để khởi tố vụ án rồi chuyển cơ quan công an để điều tra tiếp. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là truy tìm đối tượng phá rừng vì hiện nay không ai đứng ra nhận rừng của mình.

Ông Thân cũng thẳng thắn: “Trong quá trình điều tra để khởi tố vụ án, chúng tôi cũng nghe dư luận cho rằng có bàn tay cán bộ xã, huyện trong việc phá rừng phòng hộ Phú Ninh. Nhưng để khởi tố thì phải có chứng cứ cụ thể. Nếu không có sự tiếp tay, dung túng của cán bộ địa phương và các ngành chức năng thì người dân không thể và không dám xâm hại đến rừng phòng hộ đầu nguồn để chiếm đất trồng rừng”.

Trao đổi với PV SGGP, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Sau khi báo chí có bài phản ánh việc phá rừng phòng hộ Phú Ninh tại Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành) tôi đã trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo xử lý vụ việc. Theo những gì tôi quan sát được thì rừng ở đây đã bị tàn phá nhiều năm nay với diện tích rất lớn chứ không chỉ như báo chí nêu. Có những khu rừng tự nhiên bị chặt phá từ nhiều năm qua và cây trồng cũng lớn vài năm tuổi rồi. Rừng phòng hộ bị tàn phá để trồng rừng là do chính quyền địa phương và lực lượng chức năng buông lỏng quản lý, thờ ơ và thiếu trách nhiệm; thể hiện sự yếu kém của chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ rừng”.

Ông Quang cũng khẳng định, nếu như đã khởi tố vụ án mà không tìm ra đối tượng nhận trách nhiệm phá rừng thì Sở NN-PTNT sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm lâm các cấp và chính quyền địa phương cô lập diện tích rừng đã trồng không cho bất cứ ai khai thác. Sau này, nếu phát hiện ai đến khai thác diện tích rừng này thì sẽ bắt và truy tố trước pháp luật.

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao việc phá rừng diễn ra trong thời gian dài với diện tích rất lớn nhưng từ chính quyền xã, huyện đến cấp tỉnh và cả lực lượng kiểm lâm đều không xử lý, chỉ đến khi báo chí lên tiếng thì lực lượng chức năng mới vào cuộc? Liệu có sự dung túng, bao che của chính quyền địa phương trong việc xử lý đối tượng xâm hại rừng phòng hộ?

Và điều quan trọng nhất là liệu các cơ quan chức năng Quảng Nam có tìm ra được các đối tượng phá rừng để xử lý theo đúng pháp luật hay cuối cùng chỉ là “đánh trống bỏ dùi”?

NGUYÊN KHÔI

Thông tin liên quan:

>> Hệ lụy từ nạn phá rừng ở Quảng Nam: Hệ sinh thái tiêu điều, đàn voọc quý “kêu cứu”

>> Chuyện lạ có thật ở Quảng Nam: Phá rừng để… trồng rừng!

Tin cùng chuyên mục