Xét xử sơ thẩm Huỳnh Ngọc Sĩ về tội “nhận hối lộ”: Huỳnh Ngọc Sĩ bác bỏ toàn bộ cáo trạng

(SGGP).- Ngày 15-10, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TPHCM – viết tắt là BQL dự án) về tội “Nhận hối lộ”.
Xét xử sơ thẩm Huỳnh Ngọc Sĩ về tội “nhận hối lộ”: Huỳnh Ngọc Sĩ bác bỏ toàn bộ cáo trạng

(SGGP).- Ngày 15-10, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TPHCM – viết tắt là BQL dự án) về tội “Nhận hối lộ”.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, do muốn được trúng gói thầu tư vấn thiết kế và gói thầu tư vấn giám sát Dự án Đại lộ Đông – Tây, các quan chức của Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (viết tắt là Công ty PCI) của Nhật Bản đã thương lượng với Huỳnh Ngọc Sĩ về việc đưa hối lộ cho Sĩ để được chấp nhận các điều khoản có lợi khi đàm phán, thương thảo ký kết hợp đồng. Ngày 28-5-2003, Sakano Tsuneo (Trưởng văn phòng đại diện Công ty PCI tại Việt Nam) và Takasu Kunio (nguyên Giám đốc điều hành Công ty PCI, Giám đốc Công ty Tư vấn thông tin kinh doanh tại Hồng Công) đưa cho Sĩ 262.000 USD – tương đương 4.043.184.000 VNĐ tại thời điểm đó. Đổi lại, Sĩ chấp nhận làm một số việc theo yêu cầu của các quan chức Công ty PCI, qua đó tạo điều kiện cho Công ty PCI thắng thầu.

Được gọi lên thẩm vấn, Huỳnh Ngọc Sĩ bác bỏ toàn bộ cáo trạng, không thừa nhận hành vi nhận hối lộ mà mình bị quy kết: “Tôi không có bất cứ thỏa thuận gì với Công ty PCI và cũng không nhận khoản tiền nào từ Công ty PCI. Nhiều lần tôi xin phép cơ quan điều tra cho tôi được đối chất với những người bên phía Nhật Bản đã vu khống tôi nhưng không được chấp nhận. Về 4 nội dung cho rằng tôi làm lợi cho Công ty PCI chỉ là suy luận, không đúng bản chất sự việc”.

Để làm rõ hành vi của bị cáo Sĩ, hội đồng xét xử công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra: “Việc tôi ký hồ sơ thanh toán khi chưa có biên bản nghiệm thu khối lượng công việc là sai. Tôi thừa nhận có thiếu sót”. Trước câu hỏi của hội đồng xét xử rằng vì sao chỉ định gói thầu tư vấn giám sát cho Công ty PCI mà không qua đấu thầu, bị cáo nại lý do nếu đấu thầu thì phải mất từ 6 tháng trở lên, sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Huỳnh Ngọc Sĩ trên đường về trại tạm giam.

Huỳnh Ngọc Sĩ trên đường về trại tạm giam.

Trong ngày xét xử đầu tiên, hội đồng xét xử cũng dành nhiều thời gian thẩm vấn về việc bị cáo Sĩ chấp nhận đề xuất của Công ty PCI, đề nghị các cấp có thẩm quyền chi trả mức lương cho các chuyên gia tư vấn nước ngoài cao hơn so với mức lương được xác định tại biên bản thảo luận vào ngày 28-10-1999 giữa Ngân hàng JBIC và Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, theo biên bản thảo luận, mức lương trả tối đa là 2,5 triệu yên Nhật/tháng/người. Nhưng bị cáo Sĩ lại đề nghị phê duyệt mức lương cho các chuyên gia tư vấn nước ngoài từ hơn 2,5 triệu yên Nhật đến gần 3,3 triệu yên Nhật/người/tháng.

Trả lời hội đồng xét xử, bị cáo Sĩ cho rằng cho đến nay tại Việt Nam chưa có văn bản nào quy định giới hạn mức lương dành cho các chuyên gia nước ngoài, do vậy việc bị cáo đề nghị phê duyệt mức lương cao là không có gì sai. Tuy nhiên, ông Trần Văn Thanh (kế toán trưởng BQL dự án vào thời điểm xảy ra vụ án) khẳng định việc trả lương không theo biên bản thảo luận như vậy chỉ có lợi cho phía Nhật Bản.

Khi được luật sư hỏi về lời khai của các quan chức Công ty PCI về việc vào phòng đưa tiền hối lộ cũng như mô tả rõ vị trí phòng mình, bị cáo Sĩ phản bác: “Từ tháng 8-2001 đến tháng 11-2002, BQL dự án có cho Công ty PCI thuê một phần căn nhà số 3 đường Nguyễn Thị Diệu phường 6 quận 3. Vì vậy người của Công ty PCI chắc chắn biết mặt tôi và biết sơ đồ các phòng làm việc trong tòa nhà”. Còn Lê Quả (nguyên Phó Giám đốc BQL dự án, đang thụ án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì đã có hành vi cho phía đối tác là Công ty PCI thuê căn nhà trên với giá rất thấp.

Trong vụ án này, bị cáo Sĩ bị tuyên 6 năm tù với cùng tội danh – PV) thì “kêu oan” giùm cho cấp trên cũ: “Chung một trụ sở làm việc, cùng thực hiện chung một dự án thì việc các quan chức PCI vào phòng của ông Sĩ là bình thường. Từ chuyện này không thể suy diễn rằng các quan chức Công ty PCI vào phòng ông Sĩ để bàn bạc và đưa hối lộ”.

Ngày 16-10, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa sẽ trình bày quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Sĩ.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục