Vụ chuyển nhượng đất trái phép tại Quận Gò Vấp: Các bị cáo đồng loạt phản cung

Vụ chuyển nhượng đất trái phép tại Quận Gò Vấp: Các bị cáo đồng loạt phản cung

(SGGPO).- Sáng nay 9-6, phiên tòa xét xử sơ thẩm lại vụ chuyển nhượng đất trái phép xảy ra tại quận Gò Vấp tập trung vào phần thẩm vấn để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo nguyên là lãnh đạo quận Gò Vấp.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TPHCM, vào tháng 3 -2001, với vai trò là Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Gò Vấp, khi tiếp nhận đơn tố cáo của một cá nhân về việc chuyển nhượng đất trái pháp luật xảy ra tại Công ty Xây dựng Gò Vấp, bị cáo Nguyễn Văn Tính đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của quận xác minh. Nhưng sau khi nhận được báo cáo cụ thể sai phạm của các bị cáo trên từ Viện kiểm sát nhân dân quận, ôngTính không những không tiếp tục xử lý ngăn chặn hành vi chuyển nhượng đất đai trái pháp luật đang diễn ra mà còn sử dụng kết quả này để khống chế Lê Minh Châu (nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp) và Hồ Tùng Lâm (nguyên Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp), buộc hai bị cáo này “trả ơn” cho mình 800 triệu đồng.

Vụ chuyển nhượng đất trái phép tại Quận Gò Vấp: Các bị cáo đồng loạt phản cung ảnh 1

Dương Công Hiệp và Phạm Thị Tuyết Lan được dẫn giải về trại tạm giam

Tại cơ quan điều tra, ôngTính cũng đã thừa nhận như vậy. Thế nhưng tại phiên tòa, Tính phủ nhận lời khai này, một mực khăng khăng rằng không chỉ đạo ông Trần Văn Tư – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp vào thời điểm đó – xác minh vụ việc. Chỉ đến khi đầu năm 2002, ông Tư mang một tập hồ sơ và bản kết luận về những sai phạm trong việc chuyển nhượng đất lên gặp bị cáo thì bị cáo mới biết, nhưng do lúc đó đã có quyết định về nhận công tác tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn nên bị cáo bàn giao hồ sơ cho Phó Bí thư Quận ủy, chờ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Quận ủy rồi giải quyết chứ không dùng tài liệu này “ban ơn” cho Châu, Lâm để được “đền đáp”. 

Chiều 9-6, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Vũ Phi Long thông tin: sáng cùng ngày, sau hai lần triệu tập ông Trần Văn Tư ra tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không có kết quả, HĐXX đã ra quyết định áp giải ông Tư ra tòa. Tuy nhiên, ông Tư đã chuyển đến nơi ở khác. HĐXX yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh nơi ở mới để triệu tập ông Tư ra tòa

Trước thái độ quanh co chối tội của bị cáo Tính, hội đồng xét xử công bố bản tự khai do bị cáo Tính viết tại cơ quan điều tra, trong đó bị cáo ghi rõ Châu, Lâm có đưa cho mình 800 triệu đồng. Đến đây, bị cáo Tính thừa nhận hành vi của mình là sai, và xin nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính.

Bị cáo Trần Kim Long (nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp) cũng có thái độ phản cung tương tự. Theo lời khai của bị cáo Long tại cơ quan điều tra và lời khai của bị cáo Dương Công Hiệp (nguyên Phó Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp) tại phiên xử ngày hôm qua, cuối năm 2002, sau khi việc chuyển nhượng trái phép hơn 8 ha đất ở phường 12 quận Gò Vấp cho Công ty Xây dựng Gò Vấp được thực hiện trót lọt, bị cáo Phạm Thị Lan có nhờ Hiệp chuyển cho Long tiền “lại quả” vì Long đã giúp đỡ để phi vụ được suôn sẻ, và Long đã nhận 250 triệu đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Long đột ngột xin rút lại lời khai này và đính chính rằng: “Bị cáo có nhận tiền từ Hiệp, nhưng số tiền đó không dính dáng gì đến việc chuyển nhượng đất đai giữa Lan và Công ty Xây dựng Gò Vấp. Gia đình bị cáo có một mảnh đất bị giải tỏa trong Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc, bị cáo nhờ Hiệp lãnh giùm tiền bồi thường là 248 triệu đồng, và Hiệp đã đưa chẵn 250 triệu đồng”.

Được hội đồng xét xử gọi lên đối chất, Hiệp một lần nữa khẳng định: Đúng là bị cáo có một lần nhận tiền đền bù giùm bị cáo Long, nhưng đó là vào khoảng năm 2003 – 2004. Còn việc bị cáo chuyển tiền của Lan cho Long là vào cuối năm 2000. Hai thời điểm, hai khoản tiền khác nhau chứ không phải là một như bị cáo Long khai.

Chiều nay, phiên tòa đang tiếp tục với phần thẩm vấn.

ÁI CHÂN

>> Sáng nay 8-6, xét xử lại vụ sang nhượng đất trái phép tại Gò Vấp

Tin cùng chuyên mục