Liên quan đến những sai phạm tại Vinashin, Bộ Chính trị chỉ đạo: Cương quyết không để vỡ nợ, sụp đổ

  • Công khai tình hình tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

(SGGP).– Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa họp và có kết luận về tình hình của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Theo đó, từ khi được thành lập (năm 1996) đến nay, Vinashin bước đầu đã hình thành được cơ sở vật chất - kỹ thuật quan trọng, có trình độ công nghệ tiên tiến và khá đồng bộ của ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu biển; xây dựng được đội ngũ trên 70.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật, trong đó nhiều người có tay nghề khá, có khả năng đóng được nhiều loại tàu phục vụ cho nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của nền kinh tế, quốc phòng, an ninh và cho xuất khẩu, kể cả tàu trọng tải trên 100.000 DWT. Từ năm 1996 - 2006, Vinashin đạt tốc độ tăng trưởng khá cao (bình quân 35% - 40%/năm), kinh doanh có lãi, tăng được vốn chủ sở hữu và giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Vinashin hiện đang gặp nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng. Việc đầu tư mở rộng quá nhanh; có một số dự án trái với quy hoạch được phê duyệt, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn; có nhiều lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả; nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng nề. Tình hình tài chính của Vinashin đang đứng trước bờ vực phá sản, ước tính dư nợ lên tới khoảng 86.000 tỷ đồng; nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần…

Bộ Chính trị nhận định, mặc dù những sai phạm tại Vinashin vẫn trong tầm kiểm soát và có thể khắc phục được nhưng nếu không có các chính sách, biện pháp đúng đắn, kịp thời, tình hình của Vinashin có thể ảnh hưởng xấu đến các tổ chức tín dụng, các đơn vị được nhận chuyển giao, ngân sách nhà nước. Việc làm và thu nhập của cán bộ, công nhân tập đoàn và nhiều hộ gia đình nông dân nơi có đất bị thu hồi cũng bị ảnh hưởng. Quan trọng nhất là ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp nhà nước và mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước; tác động tiêu cực đến ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý của công ty mẹ và các đơn vị thành viên Vinashin chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị một tập đoàn kinh tế lớn.

Đặc biệt, người đứng đầu còn hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, tùy tiện, báo cáo không trung thực, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi chỉ đạo các hoạt động đầu tư, dự án, vốn cho sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn và bố trí cán bộ. Lãnh đạo tập đoàn đã có nhiều khuyết điểm, sai lầm trong tổ chức, quản lý, điều hành, nhất là trong việc xác định lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tổ chức quản lý các công ty con, công ty liên kết, tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài chính, vay và trả nợ.

Ngoài ra, một số cơ quan tham mưu liên quan thuộc Chính phủ, một số địa phương và cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát ở Trung ương có thiếu sót, khuyết điểm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước; chưa giám sát, kiểm tra chặt chẽ và đánh giá đúng, kịp thời về công tác tổ chức, cán bộ và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Từ năm 2006 - 2009, tuy đã qua 11 lần kiểm toán, kiểm tra, thanh tra nhưng vẫn không phát hiện được đầy đủ, kết luận đúng tình hình và những yếu kém, khuyết điểm nghiêm trọng của tập đoàn; chưa đưa ra được những biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả dù những biểu hiện sai phạm đã được cơ quan thông tin đại chúng và dư luận phản ánh, cảnh báo. Một nguyên nhân khác là do mô hình tập đoàn còn đang trong giai đoạn thí điểm, chưa có sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả…

Để khắc phục có hiệu quả những khuyết điểm, sai phạm của Vinashin, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, kịp thời, khách quan những cá nhân vi phạm pháp luật theo đúng quy định. Ngoài ra, thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm trưởng ban nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý để sớm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của Vinashin. Đồng thời, tiến hành tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá đúng tình hình hiện nay và công khai minh bạch tình hình tài chính cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khác. Trong đó, chú ý kịp thời chấn chỉnh việc mở rộng đa ngành nhưng không liên quan đến ngành sản xuất chính của các đơn vị.

Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì chỉ đạo phát huy những kết quả đã đạt được của Vinashin trong nhiều năm qua; khẩn trương cơ cấu lại Vinashin tập trung vào 3 lĩnh vực chính là công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển. Sớm ổn định tổ chức sản xuất, kinh doanh; từng bước củng cố uy tín thương hiệu Vinashin; cương quyết không để vỡ nợ, sụp đổ, gây tác động xấu đến sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, mức độ tín nhiệm vay, trả nợ quốc tế và môi trường đầu tư của đất nước. Chuyển giao, cổ phần hóa các lĩnh vực còn lại cho các tổ chức kinh tế và cá nhân khác có nhu cầu phù hợp pháp luật hiện hành; sớm thu hồi vốn để tập trung cho nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu biển và trả nợ. Trong xử lý nợ và tăng vốn điều lệ của tập đoàn, nhất là những khoản liên quan đến ngân sách nhà nước, Chính phủ cần có phương án khả thi, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Chú ý hạn chế tối đa thiệt hại và những ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng, tài sản và việc làm, thu nhập của công nhân, lao động.

Bộ Chính trị cũng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kiểm điểm những tổ chức và cá nhân có liên quan ở trung ương và địa phương có thiếu sót, khuyết điểm trong việc quản lý nhà nước đối với Vinashin.

Thạch Thảo

  • Thông tin liên quan:

- Kết luận của Bộ Chính trị về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin)

Tin cùng chuyên mục