Kỹ sư Lê Văn Tạch: Lẽ phải sẽ được bảo vệ

Vụ việc kỹ sư Lê Văn Tạch khởi kiện Công ty Toyota Việt Nam đang gây xôn xao dư luận bởi những nội dung đơn kiện lại nằm ngoài các vấn đề kỹ thuật. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với kỹ sư Lê Văn Tạch về vụ kiện này.
Kỹ sư Lê Văn Tạch: Lẽ phải sẽ được bảo vệ

Vụ việc kỹ sư Lê Văn Tạch khởi kiện Công ty Toyota Việt Nam đang gây xôn xao dư luận bởi những nội dung đơn kiện lại nằm ngoài các vấn đề kỹ thuật. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với kỹ sư Lê Văn Tạch về vụ kiện này.

* PV:
Anh có thể cho biết buổi làm việc với Công an thị xã Phúc Yên gần đây giải quyết những vấn đề gì?

* Kỹ sư LÊ VĂN TẠCH:
Đúng như giấy mời, nội dung buổi làm việc xoay quanh những vấn đề mà tôi đã nêu trong đơn, như đề nghị xem xét khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam và những người liên quan để điều tra, xử lý về hành vi “Xâm phạm bí mật thư tín của người khác” được quy định tại Điều 125 Bộ luật Hình sự và hành vi “Vu khống” được quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam. Tôi cũng đã trình bày rõ quan điểm của mình về vấn đề này.

Kỹ sư Lê Văn Tạch đang chỉ ra lỗi bu-lông bắt neo chân ghế bị giảm lực siết trên xe Innova.

Kỹ sư Lê Văn Tạch đang chỉ ra lỗi bu-lông bắt neo chân ghế bị giảm lực siết trên xe Innova.

* Điểm lại thì anh đã phải trả giá những gì cho việc nói lên sự thật?

* Mục đích ban đầu của tôi là chỉ ra những lỗi kỹ thuật, gây mất an toàn của xe và buộc Công ty Toyota Việt Nam phải có trách nhiệm với những thiệt hại của người tiêu dùng Việt Nam. Thế nhưng, bên cạnh việc thừa nhận một số lỗi kỹ thuật mà tôi đã chỉ ra và thực hiện trách nhiệm triệu hồi, sửa chữa miễn phí hàng chục ngàn xe bị lỗi, Công ty Toyota Việt Nam đã có những biểu hiện trù dập đối với tôi.

Bắt đầu là những hành xử bất thường của những người trực tiếp quản lý tôi, dẫn đến việc ngày 31-5 tôi phải có thư gửi tổng giám đốc, yêu cầu công ty xin lỗi chính thức và bồi thường về lời đe dọa, xúc phạm của những người làm việc trực tiếp đối với cá nhân tôi.

Vụ việc đôi co lình xình cho đến chiều 11-6, tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam ra quyết định tạm đình chỉ công tác với tôi trong 3 tháng, hiệu lực từ 13-6. Tuy nhiên, chưa hết thời hạn 3 tháng, chiều 24-8, Công ty Toyota Việt Nam đã có cuộc gặp mặt nội bộ và công bố quyết định chuyển tôi sang làm công việc khác với mức lương thấp hơn trong vòng 6 tháng, kể từ ngày 25-8-2011.

* Đến thời điểm này, anh có thấy vụ việc đã bị đẩy đi quá xa?

* Trong buổi hòa giải mới đây nhất, bên Công ty Toyota Việt Nam vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng quyết định kỷ luật đối với tôi là đúng quy định pháp luật và nội quy của công ty. Trong khi luật sư của tôi cho rằng, quyết định này không đúng luật và có phân tích một số điểm không đúng luật của quyết định.

Cá nhân tôi cho rằng quyết định này khởi nguồn từ việc Công ty Toyota Việt Nam đã vi phạm những chuẩn mực cơ bản nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật khi cố tình che giấu lỗi kỹ thuật nghiêm trọng mà tôi tiếp tục phát hiện ra sau này, đó là lỗi hệ thống phanh trên nhiều xe Innova và Fortuner.

Thật ra, việc gửi đơn kiện Công ty Toyota Việt Nam là chuyện cực chẳng đã sau khi công ty liên tục có những động thái xâm phạm đến quyền lợi của tôi mà đỉnh điểm là TMV đã đọc thư cá nhân của tôi. Bên cạnh đó họ còn nói tôi có “quan hệ ngoài vợ chồng” để phá hoại hạnh phúc gia đình tôi…

* Ông có đủ bằng chứng khẳng định Công ty Toyota Việt Nam xâm phạm thư tín như trong đơn của ông viết?

* Phía Công ty Toyota Việt Nam cho rằng, địa chỉ email của tôi là do Công ty Toyota Việt Nam cấp (mail nội bộ) nên phải xem đó là tài sản của công ty nhưng luật sư của tôi cho rằng, email được Công ty Toyota Việt Nam cấp cho nhân viên thì thuộc quyền quản lý của cá nhân và chỉ khi họ không làm ở Công ty Toyota Việt Nam nữa, công ty mới được phép thu hồi, kiểm soát.

Luật sư của tôi cũng đã đối chiếu với Quy tắc ứng xử của Toyota được đăng trên trang web Toyota toàn cầu thì thấy rằng, trong mục “Sử dụng và quản lý tài sản và các vấn đề bảo mật” có nêu rõ: “Chúng ta phải quản lý và bảo vệ các tài sản, sở hữu trí tuệ, các bí mật của Toyota (chẳng hạn như bí mật thương mại...) và các thông tin cá nhân, cũng như tôn trọng tài sản, tài sản trí tuệ và thông tin bí mật của người khác”.

Thế nhưng người của Công ty Toyota Việt Nam lại tự động vào email của tôi để lấy thông tin cá nhân rồi coi đó là bằng chứng để đưa ra hình thức kỷ luật. Hành động này đi ngược những quy tắc mà Toyota đã đặt ra, đồng thời vi phạm pháp luật.

* Công việc hiện nay của anh ra sao và anh có tin rằng sẽ thắng trong vụ kiện này?

* Hiện tôi đang tiếp tục làm việc tại Công ty Toyota Việt Nam ở vị trí mới là quản lý an toàn ở bộ phận tiếp vận (vị trí cũ là kỹ sư bộ phận lắp ráp) với mức lương giảm 2,5 triệu đồng/tháng so với trước đây. Cho đến thời điểm này, Công ty Toyota Việt Nam chưa có động thái gì mới trước việc tôi nộp đơn khởi kiện lên tòa án nhưng dù thế nào tôi vẫn tin lẽ phải sẽ được bảo vệ.

Kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết thêm: “Tại cuộc làm việc với Công an thị xã Phúc Yên chiều 15-9, điều tra viên có hỏi về việc tôi công bố các lỗi kỹ thuật của công ty ra cơ quan chức năng và công luận có vội vàng không? Tôi đã trả lời rằng việc cung cấp thông tin lỗi kỹ thuật sang Cục Đăng kiểm ngày 29-3-2011 là việc làm cần thiết vì trước đó tôi đã phản ánh đến các lãnh đạo công ty từ trưởng phòng đến giám đốc nhưng không được giải quyết. Đến ngày 10-12-2010 tôi đã phản ảnh tới tổng giám đốc nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng, nên tôi buộc phải gửi thông tin lên Cục Đăng kiểm để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho khách hàng. Điều tra viên cũng yêu cầu tôi cung cấp thêm thông tin về lỗi kỹ thuật mà tôi đã gửi Cục Đăng kiểm. Tôi hứa sẽ chuyển lại cho họ sau. Về bằng chứng vi phạm của Công ty Toyota Việt Nam, tôi đã trả lời điều tra viên rằng, biên bản xem xét kỷ luật ngày 24-8 là bằng chứng xâm phạm bí mật thư tín cá nhân của tôi và thông báo nội bộ ngày 25-8 là bằng chứng cho hành vi vu khống”.

BÍCH QUYÊN thực hiện

Tin cùng chuyên mục