Lãnh án "Đưa hối lộ", Nguyễn Văn Khương có bị oan?

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ "giải cứu" xe vi phạm xảy ra tại Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Phản ứng nhanh Công an quận Bình Thạnh, TPHCM đã kết thúc. Từ khi Nguyễn Văn Khương (bút danh Hoàng Khương, phóng viên Báo Tuổi Trẻ) bị khởi tố, bắt tạm giam cho đến khi phiên xử sơ thẩm kết thúc, một bộ phận dư luận do thiếu thông tin nên cho rằng Nguyễn Văn Khương vướng vòng lao lý là do bị "trả thù" cho việc trước đó viết bài vạch trần sai phạm của một số cảnh sát giao thông biến chất. Vậy Nguyễn Văn Khương có thật sự bị oan?

(SGGPO).- Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ "giải cứu" xe vi phạm xảy ra tại Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Phản ứng nhanh Công an quận Bình Thạnh, TPHCM đã kết thúc. Từ khi Nguyễn Văn Khương (bút danh Hoàng Khương, phóng viên Báo Tuổi Trẻ) bị khởi tố, bắt tạm giam cho đến khi phiên xử sơ thẩm kết thúc, một bộ phận dư luận do thiếu thông tin nên cho rằng Nguyễn Văn Khương vướng vòng lao lý là do bị "trả thù" cho việc trước đó viết bài vạch trần sai phạm của một số cảnh sát giao thông biến chất. Vậy Nguyễn Văn Khương có thật sự bị oan?

Vi phạm pháp luật và đạo đức

Tại phiên tòa sơ thẩm, lời khai nhận tội của các bị cáo cho thấy: vì hành vi đua xe, Trần Minh Hòa (SN 1991, ngụ quận Phú Nhuận) bị Công an quận Bình Thạnh lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và tạm giữ chiếc xe mô tô mang biển số 51F6-2435.

Theo quy định, phải có bản kiểm điểm của người vi phạm trước tổ dân phố mới có thể nộp tiền phạt để lấy xe về. Tuy nhiên, không muốn bị kiểm điểm vì sợ mất mặt, Trần Minh Hòa đã nhờ Nguyễn Đức Đông Anh (SN 1989, ngụ quận Phú Nhuận) nói anh rể của Đông Anh là Nguyễn Văn Khương tìm cách xin đóng phạt lấy xe ra sớm mà không phải đưa ra kiểm điểm trước tổ dân phố.

Ngày 25-6-2011, chứng kiến việc Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Công ty TNHH TMDV VT Tân Hải Phong) thông qua sự móc nối của Tôn Thất Hòa (Giám đốc DNTN Duy Nguyên) “chung chi” cho Huỳnh Minh Đức (cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Phản ứng nhanh Công an quận Bình Thạnh) 3 triệu đồng để được giải quyết cho lấy xe đầu kéo mang biển số 57L-5208 gây tai nạn giao thông được ra sớm và không bị tạm giữ giấy phép lái xe, Nguyễn Văn Khương cũng nhờ Tôn Thất Hòa hỏi giùm cách "giải cứu" chiếc xe của Trần Minh Hòa.

Trưa cùng ngày, tại một quán nhậu trên đường D5 phường 25 quận Bình Thạnh, chính Nguyễn Văn Khương đưa Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Biên bản tạm giữ tang vật đối với chiếc xe gắn máy mang biển số 51F6-2435 để Huỳnh Minh Đức "ra giá". Cũng chính Nguyễn Văn Khương đưa 15 triệu cho Tôn Thất Hòa để Tôn Thất Hòa đưa cho Huỳnh Minh Đức. Ngày 3-7-2011, chiếc xe được trả lại như đã thỏa thuận.

Rõ ràng trong phi vụ đưa - nhận 15 triệu đồng để lấy được xe của Trần Minh Hòa mà không phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định, Nguyễn Văn Khương đóng vai trò chủ động, là mắt xích quan trọng qua việc chủ động gợi ý, nhờ vả và trực tiếp đưa hối lộ.

Mục đích của Nguyễn Văn Khương chỉ nhằm mục đích cá nhân, thực hiện lời hứa sẽ lấy được xe với Trần Minh Hòa. Còn nếu theo như lời khai của Nguyễn Văn Khương tại phiên tòa là nhằm có chứng cứ về sự sai phạm của cảnh sát giao thông thì cũng không thể chấp nhận. Đạo đức của người làm báo không cho phép phóng viên "gài bẫy" để tạo ra hành vi phạm tội, từ đó viết bài đăng báo. Phóng viên chỉ có thể chứng kiến chứ không được tham gia, tạo ra sự việc. Hành vi của Nguyễn Văn Khương vừa vi phạm pháp luật vừa vi phạm đạo đức nghề báo!

Vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí

Tại phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Văn Khương cho rằng hành vi của mình chỉ là sai sót về nghiệp vụ, với động cơ hoạt động trong sáng là phát hiện tiêu cực và đấu tranh chống tiêu cực, hành vi đó chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa Nguyễn Văn Khương thì lập luận: việc làm của thân chủ mình chỉ là quá trình tác nghiệp tìm hiểu quy trình và đường dây tiêu cực trong việc giải cứu xe đua vi phạm; các bài báo "Đồng tiền xóa sạch hồ sơ" và "CSGT giải cứu xe đua trái phép" được xem là thông tin tố cáo hành vi tội phạm trên báo chí.

Thế nhưng, quá trình thẩm vấn tại phiên tòa lại cho thấy rằng ý thức được hành vi của mình là sai trái, Nguyễn Văn Khương đã bàn bạc với Trần Minh Hòa cách khai gian để đối phó. Theo lời khai của Trần Minh Hòa, vào ngày 8-7-2011, tại một quán nhậu trên đường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Khương nhiều lần căn dặn Trần Minh Hòa là nếu có ai hỏi thì nói là không biết Hoàng Khương là ai, chỉ nhờ một người tên là “Hoàng” - tên mà Nguyễn Văn Khương dùng khi "giao dịch" với Huỳnh Minh Đức - xin xe giùm, không được nhắc chuyện có đưa tiền. Đồng thời Nguyễn Văn Khương dặn Trần Minh Hòa mang chiếc xe đi gửi ở chỗ khác để tránh bị thu hồi xe.

Về vấn đề này, Nguyễn Văn Khương khai nại rằng vì sợ cơ quan chức năng (Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Phản ứng nhanh Công an quận Bình Thạnh) sẽ tìm cách xóa dấu vết sau khi biết sự việc Huỳnh Minh Đức nhận hối lộ đã bị báo chí nắm rõ. Tuy nhiên, lời khai này không có cơ sở để chấp nhận, bởi lẽ trước đó, tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Khương tự viết bản tường trình cho biết mục đích dặn dò những việc trên là vì sợ bị lộ thông tin mình có tham gia đưa tiền.

Để chứng minh việc làm của thân chủ mình không ngoài mục đích tác nghiệp, luật sư Phan Trung Hoài cũng bác bỏ việc Nguyễn Văn Khương lợi dụng cương vị của mình là nhà báo để viết bài, đăng báo nhằm mục đích ép Huỳnh Minh Đức thực hiện đến cùng hành vi trái pháp luật. Vậy nhưng lời khai của Tôn Thất Hòa đã chứng minh ngược lại.

Trước vành móng ngựa, Tôn Thất Hòa thừa nhận sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” vào ngày 5-7-2011 về việc Huỳnh Minh Đức nhận tiền để giải quyết cho xe đầu kéo biển số 57L-5208 ra sai quy định, Tôn Thất Hòa gọi điện thoại đe dọa Huỳnh Minh Đức vì đã không trả Giấy chứng nhận đăng ký chiếc xe gắn máy biển số 51F6-2435  sau khi giao xe. Trong các cuộc gọi, Tôn Thất Hòa không ngại "lật bài ngửa": người đưa tiền để “giải cứu” xe 51F6-2435 là phóng viên Hoàng Khương, tác giả bài viết “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ”; nếu sớm đưa giấy tờ xe thì sẽ không có bài tiếp theo, đồng thời Nguyễn Văn Khương sẽ can thiệp để Huỳnh Minh Đức chỉ bị xử lý nội bộ về hành vi nhận hối lộ. Tất nhiên Huỳnh Minh Đức không thể giao trả giấy tờ xe vì không có thẩm quyền đó.

Sau đó, Báo Tuổi Trẻ vào ngày 10-7-2011 đăng bài viết “Giải cứu xe đua trái phép”, phản ánh việc Đức nhận tiền để trả xe 51F6-2435 cho người vi phạm. Theo lời khai của Tôn Thất Hòa tại cơ quan điều tra và biên bản đối chất với Hoàng Khương được chủ tọa phiên tòa công bố, Tôn Thất Hòa xác định nội dung cuộc gọi đe dọa Huỳnh Minh Đức là do Nguyễn Văn Khương ngồi bên cạnh nhắc!

Trong quá trình công tác, những bài viết của Nguyễn Văn Khương đã cảnh báo và góp phần ngăn chặn tình trạng tiêu cực, điều này xã hội không phủ nhận. Tuy nhiên, lẽ ra càng phải ý thức được trách nhiệm của người làm báo được xã hội tin tưởng giao phó thì Nguyễn Văn Khương lại chủ động tham gia vào việc đưa hối lộ, sau đó lợi dụng nghề nghiệp để ép người khác phải trả giấy tờ xe, qua đó thực hiện đến cùng hành vi phạm tội. Làm nhà báo, đặc biệt là viết mảng nội chính, Nguyễn Văn Khương chắc chắn phải hiểu luật để tuân theo pháp luật. Không thể đến lúc phạm tội lại đưa cái danh "nhà báo" để bao biện cho mình và cố tình làm dư luận hiểu không đúng nội dunh vụ việc.

Về số tiền 15 triệu đồng đưa cho Huỳnh Minh Đức, hội đồng xét xử khẳng định nhằm đưa hối lộ để “giải cứu” xe vi phạm chứ không phải là tiền đóng phạt để lấy xe như lời khai của Nguyễn Văn Khương. Thứ nhất, việc đưa - nhận tiền diễn ra trong quán nhậu. Thứ hai, việc trả xe vi phạm thực hiện vào ban đêm. Thứ ba, nếu là tiền đóng phạt thì Nguyễn Văn Khương đã không dám dõng dạc tuyên bố sẽ đòi lại cho Trần Minh Hòa, vì đóng phạt cho cơ quan Nhà nước rồi thì không thể lấy lại.

Hội đồng xét xử tuyên phạt Huỳnh Minh Đức 5 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Trần Minh Hòa 5 năm tù, Nguyễn Văn Khương 4 năm tù, Nguyễn Đức Đông Anh 4 năm tù, Trần Anh Tuấn 1 năm tù cùng về tội “Đưa hối lộ”; Tôn Thất Hòa 2 năm tù về tội “Làm môi giới hối lộ”.

MINH CHIẾN

>> Vụ “giải cứu” xe ở quận Bình Thạnh, TPHCM: 6 bị cáo lãnh 21 năm tù giam

>> Vụ “giải cứu” xe ở quận Bình Thạnh TPHCM: Đưa hối lộ nhằm mục đích tác nghiệp

Tin cùng chuyên mục