Xét xử “đại án” ở Vinalines: Đề nghị không giảm án tử hình

Ngày 23-4, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn các bị cáo, luận tội của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với các bị cáo và bào chữa của luật sư.
Xét xử “đại án” ở Vinalines: Đề nghị không giảm án tử hình

(SGGPO). - Ngày 23-4, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn các bị cáo, luận tội của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với các bị cáo và bào chữa của luật sư.

Tiếp tục chối tội
         
Tại phần xét hỏi sáng nay, HĐXX đã dành phần lớn thời gian cho các luật sư hỏi các bị cáo để làm rõ quá trình mua ụ nổi 83M và ăn chia khoản tiền "lại quả" hơn 1,67 triệu USD từ công ty AP. Các bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc tiếp tục phủ nhận việc nhận tiền "lại quả" mỗi người 10 tỉ đồng từ Trần Hải Sơn. Để biện minh cho việc này, bị cáo Dũng khai chỉ gặp ông Goh duy nhất một lần, ngẫu nhiên tại một buổi hội thảo và thời điểm gặp gỡ trước khi có giao dịch mua ụ nổi 83M. Còn bị cáo Phúc tiếp tục bảo vệ lời khai đã trước đó khi cho rằng, mặc dù là Tổng Giám đốc Vinalines nhưng dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được triển khai trước khi Phúc nhậm chức Tổng Giám đốc tới hơn 1 năm. Vì thế tất cả quá trình mua ụ nổi 83M, từ việc lập đoàn khảo sát, lập hồ sơ, trình ký đều do Phó tổng giám đốc Trần Hữu Chiều thực hiện và quyền quyết định việc mua ụ nổi là thực hiện nghị quyết, chủ trương của HĐQT.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 23-4

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 23-4

Cũng liên quan tới khoản tiền "lại quả" hơn 1,67 triệu USD và quá trình ăn chia số tiền này, bị cáo Trần Hải Sơn - người trực tiếp đưa tiền cho Dũng, Phúc và Chiều - đã bảo vệ lời khai của mình tại cơ quan điều tra và trước phiên tòa. Trước câu trả lời này của Sơn, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đã truy vấn Sơn khi đưa tiền cho cho Dũng và Phúc có nói đây là tiền gì không? Trước câu hỏi này, bị cáo Sơn thẳng thắn đáp lại: “Sự thật là các anh ấy biết đó là tiền gì”. Luật sư Thiệp chất vấn tại sao ông Goh biết Công ty Phú Hà - công ty của em gái bị cáo Sơn và thực hiện chuyển tiền qua công ty này?. Bị cáo Sơn trả lời: “Việc này đã có trong hồ sơ của cơ quan điều tra. Tôi xin phép không trả lời”.

Ngoài nhóm tội danh tham ô, các luật sư cũng đưa ra một căn cứ gỡ tội cố ý làm trái cho 3 bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên hải quan cửa khẩu Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) khi đã cho thông quan ụ nổi 83M vì cho rằng đây không phải là tàu biển. Theo đó, để làm rõ hơn việc này, Bộ Giao thông Vận tải cũng có văn bản khẳng định ụ nổi không phải là tàu biển mà là thiết bị dùng để sửa chữa tàu nên không bị giới hạn bởi quy định tuổi nhập khẩu. Đồng thời, Chủ tọa phiên tòa cũng công bố kết luận giám định liên ngành phần nhận định các cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong không có sai phạm khi thực hiện thủ tục cho thông quan ụ nổi 83M.

Không giảm án tội tham ô

Kết thúc phần thẩm vấn các bị cáo, đại diện VKSND tối cao đã đọc bản luận tội đối với Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm. Theo đó, bản luận tội các bị cáo trong vụ án này nêu rõ, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và các cấp dưới đã làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, quyết định đầu tư dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và thực hiện mua ụ nổi 83M trước khi dự án được Bộ Giao thông Vận tải cập nhật vào quy hoạch phát triển ngành hàng hải. Các bị cáo  Dũng, Phúc, Sơn, Chiều, Khang và Dương đã cố ý làm trái các quy định pháp luật, không tuân thủ quy định đầu tư theo phương thức chào hàng cạnh tranh trong việc tổ chức mua nổi 83M. Không chỉ có vậy, các bị cáo còn quyết tâm mua ụ nổi 83M này thông qua trung gian là công ty AP của Singapore khiến giá mua ụ chênh lên tới 6,7 triệu USD so với giá gốc 2,3 triệu USD công ty Nakhodka bán.

Đối với tội “Tham ô tài sản” của 4 bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, đại diện VKSND tối cao thẳng thắn chỉ rõ, bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa sơ thẩm đã không thành khẩn nhận tội. Sau đó dù gia đình đã nộp 4,7 tỉ đồng khắc phục hậu quả nhưng với tính chất phạm tội nguy hiểm, cấp sơ thẩm tuyên án tử hình là phù hợp nên không có căn cứ để giảm án. Đối với bị cáo Mai Văn Phúc cũng không thành khẩn nhận tội, gia đình đã nộp 3,5 tỉ đồng khắc phục hậu quả nhưng tính chất phạm tội nguy hiểm, nên cấp sơ thẩm tuyên án tử hình là phù hợp và không có căn cứ giảm án. Bị cáo Trần Hữu Chiều tuy không tham gia bàn bạc ăn chia khoản tiền "lại quả" nhưng được Sơn cho 340 triệu. Do vậy, bản sơ thẩm xử phạt Chiều 10 năm tù về tội tham ô là phù hợp, kháng cáo của Chiều là không có cơ sở. Đối với bị cáo Trần Hải Sơn trong bản án sơ thẩm phạt 14 năm tù về tội tham ô là nhẹ.

Đối với tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đại diện VKSND tối cao trong bản luận tội cũng chỉ rõ bản án 18 năm tù đối với Dương Chí Dũng là có cơ sở và đề nghị cần xem xét mức tăng bồi thường. Đối với Mai Văn Phúc có vị trí vai trò thấp hơn bị cáo Dũng, nên xem xét mức hình phạt và bồi thường thấp hơn bị cáo Dũng. Đại diện VKSND tối cao cũng khẳng định mức án mà bị cáo Sơn và Chiều phải nhận tại bản án sơ thẩm là có cơ sở nên kháng cáo xin giảm án và giảm bồi thường là không có cơ sở.

Cùng với đó, đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị HĐXX xem xét kháng cáo của bị cáo Mai Văn Khang và giảm nhẹ một phần án phạt cho bị cáo Lê Văn Dương. Đối với 3 bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên cán bộ hải quan Chi cục Hải quan Vân Phong) bản luận tội khẳng định có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt và giảm một phần mức bồi thường thiệt hại.

QUỐC LẬP

>> Xét xử phúc thẩm “đại án” ở Vinaline: Đồng loạt kêu oan và xin giảm án

Tin cùng chuyên mục