Ông Nguyễn Thanh Chấn chấp nhận bồi thường 7,2 tỷ đồng

Chiều 5-6, tại diễn đàn Quốc hội, ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, ông Nguyễn Thanh Chấn (người bị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tuyên phạm tội "giết người" với mức án tù chung thân; sau hơn 10 năm ngồi tù đã chính thức được minh oan) đã chấp nhận bồi thường 7,2 tỷ đồng cho 10 năm tù oan.

(SGGPO). - Chiều 5-6, tại diễn đàn Quốc hội, ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, ông Nguyễn Thanh Chấn (người bị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tuyên phạm tội "giết người" với mức án tù chung thân; sau hơn 10 năm ngồi tù đã chính thức được minh oan) đã chấp nhận bồi thường 7,2 tỷ đồng cho 10 năm tù oan.

Theo ông Trương Hòa Bình, về việc bồi thường cho người bị oan sai, trong 3 năm 2012 - 2014, tòa án các cấp nhận được 22 đơn yêu cầu bồi thường, đã trả lại 3 đơn do không đủ thẩm quyền, điều kiện thụ lý. Trong số 19 đơn, đã giải quyết 13 trường hợp với tổng số tiền bồi thường là gần 1,6 tỷ đồng, 6 trường hợp còn lại đang trong quá trình giải quyết thương lượng bồi thưởng và tổ chức xin lỗi công khai. Sau khi có quyết định các tòa án sẽ hoàn tất thủ tục để chi trả tiền cho người bị thiệt hại. “Có 3 vụ oan sai mà đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó vụ ông Nguyễn Thanh Chấn chúng tôi đã tổ chức xin lỗi. Đến nay, ông Chấn đã đồng ý bồi thường 7,2 tỷ đồng, hiện đang làm thủ tục để bồi thường”, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nói.

Thông tin do ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đưa ra trong phiên thảo luận về vấn đề oan sai ngày 5-6 cho biết, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp bị oan trong 3 năm 2011-2014 tuy không lớn (khoảng trên 30 tỷ đồng) nhưng nhiều trường hợp bồi thường còn chậm. Một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền rất lớn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) yêu cầu bồi thường hơn 9 tỷ đồng; vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) yêu cầu bồi thường trên 22 tỷ đồng và kéo dài 9 năm đến nay chưa giải quyết xong. “Tình trạng chậm bồi thường cho người bị oan trước hết thuộc trách nhiệm của cơ quan đã gây nên việc làm oan nhưng cũng có nguyên nhân do một số quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa thật hợp lý như giao cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng đã làm oan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Ngoài ra, việc buộc người bị oan phải có đơn yêu cầu mới giải quyết bồi thường và các giấy tờ, tài liệu làm căn cứ xác định bồi thường và thủ tục cấp kinh phí bồi thường còn phức tạp, chưa hợp lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khẳng định.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết thêm, 3 năm qua Tòa án chỉ kết án oan 1 trường hợp. “Tuy nhiên, chúng tôi luôn nhận thức phải rút kinh nghiệm để thời gian tới không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Việc xảy ra oan sai là không thể chấp nhận được, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tố tụng, tư pháp, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào công lý. Vì thế phải có giải pháp để hạn chế thấp nhất, vì đó cũng là vấn đề quyền con người”, Chánh án nói.

Vẫn theo Chánh án, nguyên nhân dẫn đến oan sai có nhiều, trong đó có vấn đề chưa có sự tham gia từ đầu của luật sư trong quá trình điều tra, tố tụng; nguyên tắc tranh tụng  chưa được thực hiện hiệu quả. “Tới đây sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc tranh tụng  và suy đoán vô tội. Kiên quyết không mở phiên tòa nếu nhận thấy cơ quan kiểm sát có sai sót. Nếu có tội thì kết án đúng tội, còn nếu không đủ căn cứ kết tội sẽ tuyên vô tội. Ngoài ra, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các sai phạm để xảy ra oan sai”, Chánh án nhấn mạnh.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao  cũng kiến nghị tập trung 1 đầu mối về xử lý oan sai, có thể giao cho Tòa án hoặc Bộ Tư pháp là đầu mối để xử lý và bồi thường oan sai.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục