Xét xử vụ sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng

Hôm nay 19-7, TAND TPHCM bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VNCB). Dự kiến phiên tòa kéo dài khoảng 20 ngày.
Xét xử vụ sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng

(SGGPO).- Hôm nay 19-7, TAND TPHCM bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VNCB). Dự kiến phiên tòa kéo dài khoảng 20 ngày.

Đúng 8 giờ, phiên tòa bắt đầu. Các luật sư, nguyên đơn dân sự, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan vụ án… ngồi ở phòng A, phòng xử chính. Các nhân chứng và một số người liên quan khác, được hướng dẫn ngồi khoảng giữa 2 phòng xử án A, B. Các phóng viên được hướng dẫn sang phòng xử án B, nơi có màn hình ti vi được tòa án lắp đặt để truyền hình ảnh, âm thanh trực tiếp từ phòng xử A sang.

Bị cáo Phạm Công Danh (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) cùng đồng phạm tại phiên tòa

7 giờ 30, đoàn xe của Cảnh sát tư pháp xuất hiện tại sân  tòa, bị cáo Phạm Công Danh từ xe cảnh sát bước xuống, nhanh chóng được cảnh sát tư pháp dẫn giải vào "cánh gà" của phòng xử án A. Trong khoảng thời gian ngắn từ xe cảnh sát ở sân tòa vào nơi cách ly, Phạm Công danh trông tươi tỉnh, đưa mắt tìm kiếm người thân và mỉm cười.

Từ sáng sớm, trên sân tòa đã có hàng chục người là người nhà của các bị cáo, các phóng viên và người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan.

Bên trong phòng xử án A

Phiên tòa có sự tham gia của gần 50 luật sư, 130 người liên quan và nhân chứng...

Các luật sư tham gia phiên tòa

Đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đang công bố cáo trạng.

Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VNCB) được Ngân hàng nhà nước chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu ngày 6-9-2012. Ông Phạm Công Danh (50 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) đã nắm quyền kiểm soát, chi phối VNCB và đã chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân.

Ông Phạm Công Danh đã lập 29 doanh nghiệp nhờ người thân, quen của Danh đứng tên làm giám đốc, đứng tên sở hữu cổ phần của VNCB. Phạm Công Danh quản lý toàn bộ con dấu, Giấy chứng nhận cổ phần của VNCB. Từ sự điều hành của Phạm Công Danh, VNCB đã thiệt hại trên 9 nghìn tỷ đồng.

Có 5 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý‎ kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng” với số tiền thiệt hại 7.000 tỷ đồng. Ngoài ông Phạm Công Danh còn có 4 bị cáo khác là Phan Thành Mai (44 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (32 tuổi, nguyên thành viên Hội đồng quản trị, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (39 tuổi, Trưởng Ban Kiểm soát VNCB) và Nguyễn Thị Kim Vân (36 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Hương Việt). Các bị cáo này đã lập hồ sơ khống nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNBC 62 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10 gây thiệt hại 182 tỷ đồng; thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TPHCM gây thiệt hại 400 tỷ đồng. Ông Phạm Công Danh cùng đồng phạm còn gây thiệt hại khi rút 5.000 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý của chủ tài khoản và không có chữ ký của chủ tài khoản; rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay; rút 903 tỷ đồng dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu.

Có 33 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", gây thiệt hại 2.000 tỷ đồng. Theo cáo trạng, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã cho 14 công ty vay 14.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý là tài sản đảm bảo được nâng khống về giá trị.

Về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” có 4 bị cáo bị đưa ra xét xử là Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh. 4 bị cáo này là thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNBC, nhưng lại để xảy ra việc Phạm Công Danh và các đồng phạm rút số tiền gần 19.000 tỷ đồng.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục