Biết sai vẫn làm để... “cứu ngân hàng”

Ngày 3-3, phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo trong đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục thẩm vấn nhiều bị cáo để làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước liên quan tới việc chi lãi ngoài lãi suất tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Xét xử đại án kinh tế ở Oceanbank

>> Xét xử "đại án" kinh tế ở Oceanbank: Cựu Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn vòng vo né tội
>> Xét xử “đại án” kinh tế ở Oceanbank: Các bị cáo đổ tội cho nhau

(SGGP).- Ngày 3-3, phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo trong đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục thẩm vấn nhiều bị cáo để làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước liên quan tới việc chi lãi ngoài lãi suất tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong phần thẩm vấn, nhiều bị cáo là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank đều thừa nhận có tổ chức chi lãi ngoài cho khách hàng. Tuy nhiên, các bị cáo đều cho rằng việc chi lãi ngoài là do tình thế bắt buộc nhằm cứu ngân hàng Oceanbank.

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên kế toán trưởng Oceanbank) cho biết, mình là người làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Oceanbank về việc chuyển số tiền hơn 175 tỷ đồng chi lãi ngoài huy động vốn cho các chi nhánh, phòng giao dịch để chi lãi suất ngoài cho khách hàng.

Lý giải về việc này, theo bị cáo Nga, trong bối cảnh khó khăn của lĩnh vực tín dụng nên theo chỉ đạo của lãnh đạo Oceanbank thì việc chi lãi ngoài nhằm huy động được vốn từ nhiều khách hàng là cách để cứu ngân hàng khỏi sập tiệm. Mặc dù thừa nhận việc làm của mình là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng bị cáo Nga lại cho rằng, bản thân mình và các nhân viên không tham ô, cũng như không tư lợi gì.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên (cựu Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu) bị cáo buộc đã chi vượt trần lãi suất tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng, khi trả lời HĐXX đã thanh minh, trong bối cảnh thị trường năm 2011 rất khó khăn, khách hàng luôn đứng chờ ở cửa ngân hàng lấy tiền, thậm chí người của nhiều ngân hàng khác cũng liên tục đứng ở quầy chờ lấy tiền, lúc đó bị cáo chỉ nhận thức được là phải có cách chăm sóc khách hàng để giữ chân họ. “Áp lực của sự việc này được đẩy lên đỉnh điểm khi anh Thắm tuyên bố, nếu anh chị nào không huy động được tiền, không làm được việc thì đứng ra một bên cho người khác làm...”, bị cáo Liên nói.

Còn bị cáo Nguyễn Quốc Chiến (cựu Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn) cho biết, sau khi được tiếp nhận chủ trương chi lãi vượt trần từ hội sở Oceanbank, chi nhánh đã chi 19 tỷ đồng. Trong số tiền này, bị cáo Chiến thừa nhận bản thân đã trực tiếp chi khoảng 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Chiến cũng đề nghị HĐXX xem xét vì trong hoàn cảnh khó khăn của lĩnh vực tín dụng thời gian đó, áp lực đối với cán bộ ngân hàng rất lớn.

Bị cáo Trần Thị Thu Hương (cựu Giám đốc Chi nhánh Hải Dương) thừa nhận đã chi lãi suất vượt trần quy định cho khách tổng cộng 29,5 tỷ đồng và quá trình giải quyết vụ án, gia đình bị cáo Hương đã phải bán cả căn nhà đang ở được 1,3 tỷ đồng để có tiền khắc phục hậu quả.

Nhiều bị cáo khác cũng cho rằng, quyết định “chăm sóc khách hàng” là do từ ban lãnh đạo Oceanbank, trong đó người quyết định việc trả lãi suất vượt trần quy định của Ngân hàng Nhà nước là cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm. Do đó, nhiều bị cáo đều đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh cấp dưới phục tùng cấp trên của họ lúc đó để xử phạt hành chính mà miễn trách nhiệm hình sự.

Trước lời khai của các bị cáo, cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm đã thành khẩn nhận tội như cáo buộc của cơ quan tố tụng và bày tỏ sự hối hận khi đã đẩy cấp dưới vào vòng lao lý.

KHÁNH NGUYỄN

>> Xét xử "đại án" kinh tế ở Oceanbank: Cựu Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn vòng vo né tội

>> Xét xử “đại án” kinh tế ở Oceanbank: Các bị cáo đổ tội cho nhau

Tin cùng chuyên mục