Phát biểu tổng kết của đồng chí Tất Thành Cang tại tọa đàm “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh – Người chiến sĩ cộng sản kiên cường”

Phát biểu tổng kết của đồng chí Tất Thành Cang tại tọa đàm “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh – Người chiến sĩ cộng sản kiên cường”

Kính thưa: - Đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy,
- Đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
- Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,
- Đồng chí Phan Minh Tánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương,
- Các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy các thời kỳ,
- Đồng chí Mạc Thị Kim Cúc và người thân của Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh,
- Các đồng chí và quý đại biểu
           
Nhân 100 năm Ngày sinh Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (28/02/1916 - 28/02/2016), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, nguyên Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, nguyên Bí thư Đặc Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, nhằm khẳng định và tri ân những cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và đất nước, của miền Nam, của Đảng bộ và Nhân dân thành phố; đồng thời tôn vinh những phẩm chất, đạo đức cách mạng cao đẹp mà đồng chí đã suốt đời  rèn luyện và gìn giữ; hôm nay, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức Tọa đàm “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường”.

Sau thời gian triển khai kế hoạch, Ban Thường vụ Thành ủy rất trân trọng và vui mừng nhận được nhiều bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu,... 

Từ những vai trò, vị trí, góc độ khác nhau, các bài viết đã phản ánh rất phong phú, sinh động; đồng thời phân tích, đánh giá chân thực, khách quan về thân thế, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng, những cống hiến nhiều mặt trong cuộc đời chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; vì ấm no hạnh phúc của Nhân dân của Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM trao đổi cùng đồng chí Mạc Thị Kim Cúc phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu

Tại Tọa đàm này, chúng ta đã nghe tham luận và ý kiến phát biểu có giá trị cả về lý luận và thực tiễn về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, trong đó tập trung vào 3 nhóm nội dung chính sau:

Thứ nhất, khẳng định những công lao, cống hiến của Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của miền Nam và của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến

Các tham luận đã khẳng định, Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh là một trong những lãnh đạo cao cấp của Xứ ủy, Trung ương Cục miền Nam có thời gian hoạt động tại miền Nam lâu dài, đồng chí cũng là người hai lần giữ cương vị Bí thư Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn, tại những thời điểm mang tính bước ngoặt của cách mạng. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi Bí thư Đặc Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí đã lãnh đạo các phong trào đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang của thành phố, tạo nên một phong trào đấu tranh chính trị rộng khắp, gây sức ép mạnh mẽ lên chính quyền thực dân, cũng như tấn công vào các cơ sở kho tàng chiến tranh của địch, chia lửa cùng các chiến dịch lớn của chúng ta trên các chiến trường khác, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Các tham luận cũng làm rõ, tinh thần dấn thân vì đất nước, vì sự nghiệp cách mạng của Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh - một người con ưu tú của mảnh đất Sài Gòn. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 16 tuổi, được nhận bằng tốt nghiệp hạng ưu tại trường Trung học Pétrus Ký - một trong những ngôi trường nổi tiếng ở Đông Dương thuở đương thời, nhưng đồng chí đã kiên quyết xếp bút nghiên, rời xa cuộc sống êm ấm để dấn thân vào con đường cách mạng chông gai nhưng đầy ý nghĩa; tham gia hoạt động phong trào thanh niên, học sinh, đồng chí đã dùng ngòi bút sắc bén của minh để động viên tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc của thanh niên, đưa thanh niên đến đấu tranh cách mạng; 22 tuổi đồng chí đã vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và lần lượt giữ trọng trách của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương trong hai nhiệm kỳ Đại hội của Đảng ta (khóa II và khóa III). Hơn ba nhiệm kỳ, 10 năm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết, vào thời điểm hết sức quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng chí đã góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, xây dựng nước nhà, giữ vững hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc. Trong quá trình hoạt động cách mạng có 4 lần đồng chí bị bắt tù, có lần bị kêu án tử hình nhưng đồng chí luôn lạc quan, tin tưởng sắt son vào sự nghiệp cách mạng, vào việc đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước.

Thứ hai, khẳng định những công lao, cống hiến của Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh đối với công tác tuyên truyền và sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng

Các tham luận đã làm nổi bật công lao của đồng chí đối với công tác tuyên truyền và sự nghiệp báo chí cách mạng. Cuộc đời cách mạng của Đồng chí gắn bó với nhiều tờ báo như báo Thanh niên đỏ (năm 1932), báo L’Avant Garde, Dân chúng (trong Mặt trận Dân chủ năm 1936-1939), báo Giải phóng (năm 1941), báo Cứu quốc (năm 1945), tạp chí Mác-xít, báo Thống nhất, báo Nhân dân miền Nam. Trong đó, nổi bật là vai trò quản lý tờ Báo Dân chúng - là cơ quan ngôn luận chính thức của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp làm Tổng biên tập. Báo “Dân chúng” là tờ báo tiếng Việt đầu tiên được xuất bản công khai mà không phải xin phép chế độ thực dân. Số báo đầu tiên ra đời vào ngày 22 tháng 7 năm 1938 tại Sài Gòn; thời kỳ này, cao trào cách mạng của quần chúng lên cao, quyền tự do báo chí được ủng hộ mạnh mẽ, vì vậy ngày 30 tháng 8 năm 1938, chính quyền thực dân Pháp phải thừa nhận báo Dân chúng là tờ báo hợp pháp, số lượng xuất bản của tờ “Dân chúng” không ngừng tăng. Nếu như số đầu tiên 1.000 tờ, thì số đặc biệt Xuân 1939 tăng lên tới 15.000 tờ. Báo Dân chúng không những được phát hành trong nước mà còn được phát hành rộng rãi khắp Đông Dương, được bạn đọc hết sức ủng hộ. Mặc dù chỉ tồn tại hơn một năm, báo phát hành 80 số nhưng tờ Dân chúng đã ghi một chiến công có ý nghĩa lịch sử, đó là mở đường cho tự do báo chí; là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng trong cuộc chiến tranh trường kỳ và anh hùng của dân tộc; tuyên truyền, cổ động, định hướng cho quần chúng làm cách mạng. Trong điều kiện chưa có chính quyền, sự thống nhất trong Đảng và trong các tổ chức cách mạng về chính trị, tư tưởng và tổ chức giữ vai trò vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định đối với công tác xây dựng Đảng và hoạt động lãnh đạo phong trào cách mạng của Đảng thời kỳ này.

Cũng vì hăng say hoạt động báo chí, liên tiếp trong hai năm, Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh đã bị địch bắt hai lần vào năm 1938 và năm 1939.

Trong công tác tuyên truyền, đồng chí nhiều lần được Đảng tin tưởng phân công phụ trách công tác Tuyên huấn. Đầu năm 1941, khi được bầu vào Xứ ủy Nam kỳ và Đồng chí được phân công phụ trách công tác Tuyên huấn. Đúng 14 năm sau, vào mùa xuân năm 1955, khi tập kết ra miền Bắc, đồng chí được Trung ương giao cho đảm nhiệm trọng trách Phó ban Tuyên huấn Trung ương, đồng thời, là Giám đốc trường Đảng của Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - trường mang tên Trường Chinh.

Thứ ba, Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, người học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng, giữ vững phẩm chất, khí tiết, tư cách của người cộng sản, một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng phục vụ Nhân dân

Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh chủ yếu hoạt động ở miền Nam và công tác ngoại giao ở các nước xã hội chủ nghĩa nên không có may mắn được sống và làm việc thường xuyên bên Bác Hồ. Nhưng những lần được gặp Bác, cũng như tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với đồng bào miền Nam đã là nguồn sức mạnh động viên to lớn, tiếp thêm cho đồng chí nghị lực lớn lao trong hoạt động. Đồng chí chân thành, khiêm tốn, lặng lẽ, bền bĩ, kiên trì học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, trở thành người cộng sản mẫu mực.

Nhiều bài phát biểu đã tôn vinh Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh là tấm gương sáng ngời của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập cho Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân; trọn đời kiên trung với Đảng, với sự nghiệp cách mạng; không quản ngại gian nan, nguy hiểm, dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào vẫn vượt qua mọi chông gai thử thách, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Trong cuộc sống hàng ngày, đồng chí luôn giữ vững phẩm chất trong sạch, liêm khiết, khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, không ham muốn quyền lợi cho riêng mình, không khoa trương. Trong công tác, kể cả trong thời chiến cũng như thời bình, đồng chí luôn trau dồi lý luận, nhận thức, gắn bó mật thiết với Nhân dân, hết lòng chăm lo cuộc sống của Nhân dân, luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân. Đồng chí còn là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, với khát khao hiểu biết, cần cù học tập, dù trong tù, nơi chiến khu bom đạn ác liệt hay những khi bộn bề công tác, đồng chí vẫn không ngừng tự học, tự nâng cao kiến thức văn hóa, khoa học, lý luận. Đặc biệt, đối với phong trào Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình Việt Nam, đồng chí đã xây dựng, gắn bó với phong trào Quốc tế ngữ gần 49 năm.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, trải qua nhiều năm gắn bó máu thịt với các phong trào đấu tranh cách mạng giữa lòng thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh đã góp phần để lại trên những trang sử vàng của Đảng bộ thành phố chúng ta những dấu ấn tốt đẹp; là một tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên yêu nước, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng; một trong những nhà lý luận cách mạng; một tấm gương ngời sáng về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, bất khuất trước kẻ thù; một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực hiến dâng trọn đời cho lý tưởng giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản; tài năng và phẩm chất cách mạng của đồng chí được thể hiện đậm nét trên nhiều lĩnh vực hoạt động đa dạng: công tác vận động quần chúng, công tác Đảng, công tác tuyên huấn, báo chí, công tác đối ngoại,...

Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu

Chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, Tọa đàm “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường” đã đạt được mục đích, yêu cầu; nhân 100 năm Ngày sinh Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, tưởng nhớ, biết ơn, học tập Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, các thế hệ hôm nay và mai sau của thành phố quyết tâm phát huy những giá trị lịch sử, nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập, nâng cao nhận thức, trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn; năng động, sáng tạo trong đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Một lần nữa, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, xin chân thành cám ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quý đại biểu, các đồng chí đã tham gia viết bài tham luận, tham dự và đóng góp ý kiến, góp phần cho thành công của Tọa đàm.

Kính chúc Đồng chí Mạc Thị Kim Cúc, các đồng chí, quý đại biểu, người thân của Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí.

Tin cùng chuyên mục