Phát hành, phổ biến phim Việt - Những cơn sóng ngầm

Phim Việt giờ đây được sản xuất đều đặn, số lượng tăng hàng năm. Nhưng nếu hành trình sản xuất một bộ phim khó khăn một thì con đường phát hành đưa phim ra rạp, đến với khán giả còn gập ghềnh, rủi ro gấp mười lần...
Phát hành, phổ biến phim Việt - Những cơn sóng ngầm

Phim Việt giờ đây được sản xuất đều đặn, số lượng tăng hàng năm. Nhưng nếu hành trình sản xuất một bộ phim khó khăn một thì con đường phát hành đưa phim ra rạp, đến với khán giả còn gập ghềnh, rủi ro gấp mười lần...

Hy vọng từ hiệp hội?

Ngày 2-10 vừa qua, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam ra đời sau nhiều năm ấp ủ, “thai nghén”, với 50 hội viên đầu tiên, chủ yếu là những nhà phát hành phim trên cả nước. Ý kiến chung đều cho rằng, hiện đang là thời điểm nền công nghiệp điện ảnh nước ta đang trong quá trình phát triển, các đơn vị, doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn và thách thức về công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật, khó khăn về nguồn vốn đầu tư, môi trường cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của các tập đoàn lớn nước ngoài.

Chính vì thế, mọi người đặt hy vọng, hiệp hội sẽ giữ vai trò tập hợp, đoàn kết toàn thể hội viên; tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của hội viên trong kinh doanh, không để hội viên bị chèn ép và thôn tính; phát huy sức mạnh tập thể, tạo vị thế, chỗ đứng bền vững trong lĩnh vực phát hành và phổ biến phim; tự tin vững vàng hội nhập quốc tế trên thị trường trong nước đang phát triển mạnh mẽ. Đúng như thông cáo thành lập hiệp hội.

Ngày càng có nhiều cụm rạp mới của các doanh nghiệp Việt Nam để phim Việt có thêm cơ hội về suất chiếu, doanh thu. (ảnh trên là rạp BHD Star Gò Vấp, ảnh dưới là rạp Galaxy Quang Trung, Gò Vấp)

Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là mong muốn, còn thực tế việc phát hành phim đầy rẫy những khó khăn, uẩn khúc, lắt léo đã trở thành câu chuyện “thâm căn cố đế” không dễ tháo gỡ trong ngày một ngày hai. Chuyện hậu trường nhiều mảng tối và không ít oan ức trong việc phát hành phim Việt đã có từ lâu nay, song cũng thường chỉ được lên tiếng nhỏ, lẻ, yếu ớt và đầy yếm thế, sau đó biến mất. Giờ đã có hẳn một Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam, mọi người hy vọng, đây sẽ là tổ chức tập hợp được sự thống nhất, đoàn kết để có tiếng nói mạnh mẽ và đưa ra những biện pháp, phương pháp cụ thể để tìm lấy sự công bằng, hợp lý, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhằm thúc đẩy điện ảnh Việt phát triển đồng bộ cả trong sản xuất lẫn công tác phát hành, phổ biến phim.

TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, khẳng định: “Cục Điện ảnh rất ủng hộ việc thành lập hiệp hội. Cách đây vài tuần, cục đã tổ chức cuộc họp với các công ty, tổ chức phát hành, phổ biến phim Việt Nam chủ chốt để bàn giải pháp đẩy mạnh phổ biến phim Việt tại rạp và tìm hướng bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp điện ảnh Việt. Cục Điện ảnh sẽ đứng bên cạnh hiệp hội để cùng phát triển điện ảnh Việt, vì phát hành phổ biến phim là một trong hai yếu tố quan trọng cấu thành một nền điện ảnh”.

Nghệ sĩ dự lễ khai trương rạp Mega GS Thăng Long (Ảnh: Dũng Phương)

Cắn răng chịu thiệt

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Cục Điện ảnh đã tổ chức một cuộc họp bàn về các biện pháp tăng cường công tác phát hành, phổ biến phim Việt Nam tại các hệ thống rạp. Thành phần tham dự hầu hết là những gương mặt đình đám trong giới phát hành, rạp chiếu phim Việt Nam, như: Galaxy, BHD, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Saigon Media, A Company... Nhiều ý kiến bức xúc được đưa ra xung quanh việc các nhà phát hành phim Việt Nam bị chèn ép trong tỷ lệ ăn chia khi phim Việt luôn thấp hơn phim nước ngoài; tỷ lệ phim Việt do các đơn vị khác phát hành luôn thấp hơn phim do CGV phát hành...

Bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, đơn vị từng sản xuất các bộ phim Việt như Chung cư ma, Ngủ với hồn ma, Kungfu phở cho rằng: “Có nhiều thế lực đằng sau việc phát hành một bộ phim, nhưng nhìn ở khía cạnh khách quan, tôi hiểu rạp chiếu có áp lực nhất định (sự đón nhận hoặc không của khán giả ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của rạp), nên họ sẽ đưa lại những áp lực ấy cho cả phim Việt lẫn phim ngoại nhập. Nếu phim tốt (khán giả đông), đương nhiên bộ phim sẽ được hưởng ưu đãi nhất định và ngược lại. Nếu nhà phát hành không có nhiều cụm rạp trong tay, sẽ không làm và không xoay xở được gì. Còn vừa phát hành, vừa nắm trong tay những cụm rạp quá lớn, họ sẽ ép được nhà sản xuất phim và các nhà phát hành nhỏ hơn bằng cách không lấy phim vì chê phim không hay hoặc có lấy phim phát hành cũng chỉ cho những suất chiếu “xấu”, không thể có doanh thu”.

Tỷ lệ ăn chia lợi nhuận phim Việt giữa các nhà phát hành Việt Nam với CGV đã là những bức xúc trong suốt thời gian dài đến nay. Phim Việt (tùy vào từng phim) luôn thiệt thòi trong tỷ lệ ăn chia và không được phép quảng cáo khi phát hành trong các cụm rạp của CGV - nhất là với những bộ phim không do CGV phát hành. Trong cuộc họp với Cục Điện ảnh đã nêu ở trên, vấn đề này lần nữa được đưa ra mổ xẻ. Cái khó chính là việc, dù biết rõ mình thiệt thòi nhưng các nhà phát hành phim Việt đều đồng ý ký thỏa thuận tỷ lệ ăn chia này với CGV, nên “có nói gì cũng bằng không”.

Giải thích điều này, nhiều nhà sản xuất, nhà phát hành đều cho rằng, bộ phim đã làm ra rồi, biết là rủi ro, biết là bị chèn ép, nhưng không thể không cho phim ra rạp. Các doanh nghiệp nước ngoài, ngoài việc có nhiều tiềm năng về kinh phí, còn thuận lợi trong kinh doanh khi được miễn - giảm thuế; trong khi các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh cùng ngành nghề phải vất vả tìm cách duy trì nguồn vốn, vẫn phải chịu thuế doanh thu 20% - 25%. Việc phản ánh với cơ quan quản lý về những bất cập trong việc phát hành, phổ biến phim Việt chỉ là cách để mong nhận được sự quan tâm, điều chỉnh hợp lý.

Doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh đều đưa ra lý lẽ thuyết phục, rằng họ giúp Việt Nam phát triển và các nhà phát hành phim nước ngoài cũng vậy. Với hai nhà phát hành phim nước ngoài lớn, đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay là CGV và Lotte Cinema, tốc độ phát triển các cụm rạp hiện đại, cùng nhiều hình thức quảng cáo, sự ưu đãi về thuế đang giúp họ ung dung ở thế thượng phong và đẩy các nhà phát hành phim Việt đã khó càng khó khăn hơn.

Bức xúc, bất cập, bị chèn ép và tồn tại nhiều phi lý trong phát hành phim Việt là có thật, nhưng với tâm lý sợ bị “điểm mặt chỉ tên” sẽ khó (hoặc hết) đường làm ăn sau này, nên hầu hết các nhà phát hành phim Việt chỉ dám kêu ca ngoài lề và nó trở thành những đợt sóng ngầm ẩn chứa nhiều nguy cơ.

“Hiện tượng chèn ép trong phát hành phim Việt xuất hiện khá nhiều, nên chúng tôi phải hợp lực cùng nhau kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước dùng hàng rào luật pháp để bảo vệ, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp trong nước. Có như thế mới thúc đẩy việc sản xuất phim Việt ngày càng phát triển cả về chất lượng nghệ thuật lẫn hiệu quả kinh doanh. Không lẽ, phát hành phim Việt lại tự chết trên chính sân nhà mình?”, một nhà phát hành phim Việt cảm thán.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục