Việc lãnh đạo TPHCM xử lý kỷ luật nhanh chóng, kịp thời và nghiêm khắc 8 lãnh đạo chủ chốt của 4 công ty dịch vụ công ích đã được dư luận đồng tình, xem đây là hiệu ứng tích cực sau kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Nhưng với cấp ủy 4 công ty dịch vụ công ích, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) rõ ràng là chưa đạt yêu cầu theo đúng tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh” như Nghị quyết Trung ương 4 đề ra. Bài học cốt lõi rút ra từ công tác xây dựng Đảng ở 4 đơn vị nói trên là chưa phát huy được dân chủ trong Đảng.
Một phổ biến lâu nay tồn tại ở nhiều tổ chức Đảng là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, nhất là với người đứng đầu. Cái mà không ít người gọi đó là cách “ứng xử khôn ngoan” đã vô tình thủ tiêu ý chí đấu tranh, sự thẳng thắn, trung thực của đảng viên. Thêm vào đó, thói quen tự phỉnh nịnh và ưa nịnh của người đứng đầu cùng với thái độ dị ứng, thậm chí ghét bỏ những ai phê bình mình cũng làm cho không ít đảng viên, quần chúng phải nhụt chí. Xét về góc độ con người trong vụ “lương khủng” ở 4 doanh nghiệp công ích, đó còn là vấn đề đạo đức.
Một khi người lãnh đạo gian dối, tìm mọi thủ đoạn vun vén cá nhân để hưởng mức thu nhập cao gấp vài chục lần, làm giàu trên mồ hôi, xương máu của những người lao động chân tay, đó là việc làm vô đạo đức. Lòng tham đã làm băng hoại đạo đức, làm họ trở nên ích kỷ hơn, lạnh lùng và tàn nhẫn hơn. Họ đi ngược những giá trị của văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo quản lý. Tư tưởng đó chi phối người đứng đầu và làm cho hoạt động kiểm tra, giám sát của các cấp ủy cũng như hoạt động của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động cũng trở nên hình thức, chiếu lệ và tê liệt lúc nào không hay.
Nguồn gốc sâu xa của những sai phạm đó là thiếu dân chủ trong Đảng. Nó làm biến dạng phê bình, không chỉ trong quan hệ cấp trên với cấp dưới mà cả quan hệ Đảng với nhân dân. Dân chủ trong nội bộ Đảng và dân chủ trong xã hội có mối quan hệ rất mật thiết. Dân chủ trong Đảng là tiền đề của dân chủ trong xã hội, dân chủ trong xã hội là môi trường để phát triển dân chủ trong Đảng.
Thực tế tại nhiều cơ sở Đảng ở TPHCM cho thấy, càng phát huy dân chủ càng khai thác được trí tuệ của từng đảng viên, đồng thời cũng hạn chế những sai lầm, khuyết điểm, nhất là căn bệnh chủ quan, duy ý chí của những người có trách nhiệm ở mỗi cấp, mỗi ngành. Theo kinh nghiệm ở những cấp ủy làm tốt công tác xây dựng Đảng, việc phát huy dân chủ đồng thời cũng phải chống lại dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức, bất chấp kỷ cương. Sinh hoạt dân chủ và chất lượng cao có ý nghĩa quyết định đến dân chủ trong toàn bộ hoạt động của tổ chức Đảng. Khi được hỏi, một đảng viên ở công ty dịch vụ công ích rụt rè cho biết, nhiều người biết lãnh đạo công ty nhận lương cao ngất ngưởng, nhưng không dám nói vì sợ bị trù dập và bản thân cũng muốn yên thân!
Bài học từ những vụ tham nhũng, tiêu cực ở nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước bắt đầu từ việc đơn vị mất dân chủ, lãnh đạo nơi đó không muốn lắng nghe những ý kiến thẳng thắn, phản biện đầy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Chính vì vậy, chỉ có dân chủ thực sự trong Đảng thì những đảng viên có trách nhiệm mới dám nói thẳng, nói thật, đồng thời những đảng viên mắc khuyết điểm, nhất là người đứng đầu mới thực sự cầu thị, lắng nghe những ý kiến đóng góp của đảng viên, quần chúng. Chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông, nên những ý kiến trái chiều dù thiểu số cần phải được lưu giữ tại đơn vị, và cấp trên cũng nên định kỳ nghe những ý kiến bảo lưu, những ý kiến phản biện từ cấp dưới. Khi cái gốc của vấn đề là dân chủ trong Đảng được phát huy, sẽ là tiền đề gắn kết chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng với tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Sự kết hợp hai công tác này góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong từng đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, suy thoái đạo đức, thói quan liêu, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng.
TUẤN SƠN