Phát huy giá trị bảo tàng, di tích

Thực tiễn đã chứng minh một trong những kênh giáo dục truyền thống hiệu quả là hoạt động
của hệ thống bảo tàng, di tích. Trước đây, Thành đoàn TNCS và Sở VH-TT TPHCM đã phát động phong trào “Hành trình đến với bảo tàng” trong học sinh, sinh viên và thanh niên TP.

Đông đảo bạn trẻ ghi cảm tưởng, viết thu hoạch cho biết thông qua hoạt động này đã động viên, nâng cao nhận thức của giới trẻ về truyền thống cách mạng, về sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến để viết nên những trang sử oai hùng của dân tộc. Nhiều bạn trẻ bày tỏ xúc động và nguyện noi gương thế hệ cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trong định hướng phát triển cơ sở vật chất ngành văn hóa - thông tin đến năm 2010, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM kết luận: “Tiếp tục nghiên cứu lập danh mục các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, các khu vực sinh thái, danh lam thắng cảnh để có biện pháp bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn, đầu tư nâng cấp và đưa vào khai thác nhằm mục đích gắn với giáo dục truyền thống…”.

Chính tác dụng giáo dục truyền thống to lớn và sâu sắc, dễ gây ấn tượng của hoạt động bảo tàng, di tích mà chúng ta cần nâng cấp, phát huy loại hình hoạt động có chiều sâu và dễ đi vào lòng người này. Nhiều di tích như những bằng chứng sống, xác thực minh chứng hùng hồn về sự hy sinh cao cả của lớp lớp người yêu nước, không tiếc máu xương bảo vệ quê hương đất nước.

Không ai không khỏi rơi nước mắt khi tham quan “địa ngục trần gian” ở Côn Đảo hay hệ thống nhà tù ở Phú Quốc, nơi giam giữ và hành hạ hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Càng xem càng cảm thấy bùi ngùi thắt tim trước những cảnh tra tấn nhục hình của kẻ thù, nhưng vẫn không khuất phục được những người yêu nước. Họ đã trở thành bất tử và là tấm gương trung trinh tiết liệt, có lòng yêu nước mạnh mẽ, trung với Đảng, hiếu với dân.

Từ những tội ác dã man “trời không dung đất không tha” của thực dân, đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai đối với nhân dân ta, những tiếng thét của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới “không được đụng đến Việt Nam”, những “tiếng hát át tiếng bom”, đến những công trình lớn của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... đều được trưng bày bằng hình ảnh, hiện vật, tư liệu ở các bảo tàng. Trong đó tập trung tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Quân khu 7, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ…

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tiếp tục nâng cấp toàn diện hệ thống bảo tàng và di tích, trước mắt tập trung cho những nơi trọng điểm vốn thu hút đông người xem và du khách nước ngoài.

Nâng cấp cả cơ sở vật chất lẫn hình thức và phương pháp trưng bày, theo tiêu chí đẹp, ấn tượng và hấp dẫn. Có hấp dẫn và thu hút đông người xem thì việc phát huy giá trị bảo tàng, di tích mới thực sự có hiệu quả.

Ngoài ra cần đẩy mạnh xã hội hóa bảo tàng và khuyến khích thành lập những bảo tàng tư nhân để khơi nguồn cổ vật, kể cả báu vật, hết sức phong phú đang được lưu giữ, bảo quản tốt trong khu vực này. Điều này sẽ góp phần tôn vinh truyền thống cần cù lao động, đầu óc sáng tạo, tấm lòng nhân ái, nghĩa tình của nhân dân ta trong suốt chiều dài lịch sử bốn ngàn năm văn hiến.

Xuân Thái

Tin cùng chuyên mục