Phát huy giá trị cây dược liệu

Thời gian qua, cây dược liệu (cây thuốc) tại tỉnh Kon Tum đang ngày càng suy giảm do bị khai thác tràn lan. Cộng với đó, dược liệu trồng, sản xuất trên địa bàn nhưng không thể đưa vào sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh do vướng quy định đấu thầu đã gây lãng phí lớn.
Vườn sâm dây của gia đình anh Hà Văn Đại (xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum)
Vườn sâm dây của gia đình anh Hà Văn Đại (xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum)
Tiềm năng… lãng phí

Dọc theo tuyến đường N5, thị trấn Ngọc Hồi, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), chúng tôi bắt gặp điểm thu cây cu li với số lượng lớn. Cây cu li được chặt nhỏ, chất thành đống dưới mái tôn. Bên trong, nhiều công nhân đang hì hục bốc xếp, phơi cây. Hỏi chuyện, một công nhân tiết lộ, cu li được thu mua giá 2.000 đồng/kg từ các xã Sa Long, Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) và huyện lân cận Đắk Glei, khi gom đủ hàng thì vận chuyển về đây. Thời gian trước, việc thu mua dễ dàng vì cây cu li còn nhiều, còn nay khó hơn vì loại cây này càng ít, phải tranh mua. 

Cách điểm tập kết cây cu li này khoảng 1km là điểm thu mua quả riềng gió, chúng tôi thấy có số lượng gần cả chục tạ quả và do mới hái nên nhiều quả còn xanh trộn lẫn với lá cây. Theo anh G. (trú tại xã Sa Long, huyện Ngọc Hồi), hơn 2 năm trước quả riềng gió được thu mua rất nhiều. Thương lái “khát hàng” đến nỗi nhờ anh vào từng làng gom giúp rồi bán lại cho họ. Mỗi ngày anh G. Mua được hàng tạ với giá 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, quả riềng gió ngày càng hiếm vì bị khai thác cạn kiệt. Trong khi đó, tại huyện Kon Plông, địa điểm từng được mệnh danh “thiên đường” của cây kim cương (hay còn gọi lan kim tuyến), nay cũng đã khan hiếm. Bà H., một chủ quán tạp hóa ở xã Đắk Tăng khi được hỏi mua lá kim cương thì xua tay: “Bây giờ có đốt đuốc đi tìm cũng chưa chắc đã có. Muốn mua cây kim cương thì để lại số điện thoại, khi nào có sẽ gọi”. Khi chúng tôi nâng giá mua từ 1 triệu đồng/kg lên 1,5 triệu đồng/kg, bà H. cũng lắc đầu: “Có đưa giá cao bao nhiêu cũng chịu, rất khó kiếm được ngay”.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, dù tỉnh có nguồn dược liệu phong phú nhưng đang bị suy giảm rất nhiều. Nguyên do từ việc khai thác liên tục nhiều năm nhưng chưa gắn với việc bảo vệ, tái sinh cũng như diện tích rừng giảm. Bên cạnh đó, việc mua dược liệu của các cơ sở y tế công lập theo hình thức đấu thầu nên 100% dược liệu trồng và sản xuất trên địa bàn không đủ điều kiện dự thầu; phần do chưa có đơn vị nào chứng nhận nguồn gốc dược liệu và phần chưa qua chế biến thành vị thuốc cổ truyền. Vì vậy, nguồn dược liệu trên địa bàn có khả năng cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh đang lãng phí. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu về thí điểm đặt hàng hoặc giao kế hoạch thu mua dược liệu để sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập. 

Cây dược liệu hồi sinh

Nhận thức được giá trị của cây dược liệu nên thời gian qua, người dân vùng cao thay vì chăm chăm khai thác ồ ạt khiến cạn kiệt nguồn cung, nay đã quay sang trồng để có nguồn hàng ổn định. Vườn sâm dây và đương quy có diện tích nhiều hécta của anh Hà Văn Đại (thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông) luôn tấp nập người ra vào. Đó là người đến mua cây giống và học hỏi kinh nghiệm trồng sâm dây. Theo anh Đại, anh bén duyên với việc trồng sâm dây, đương quy từ 5 năm trước. “Hồi đó thấy sâm dây có giá trị cao nên tôi đi buôn. Tuy nhiên, sâm dây mua từ các hộ dân khai thác từ rừng ngày càng ít, bữa có bữa không nên tôi tìm mua đất để trồng sâm dây, sau đó trồng thêm cây đương quy và hiện thu nhập mỗi năm được vài trăm triệu đồng”, anh Đại cho biết. Dân nghèo ở vùng này thấy vườn dược liệu của anh Đại cho hiệu quả cao nên đến mua giống rồi nhờ hướng dẫn kỹ thuật trồng.

Theo ông Phan Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Đắk Long, thấy nhiều đơn vị, cá nhân trồng cây dược liệu có hiệu quả, nông dân xã cũng dần chuyển đổi từ đất trồng mì hay cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu. Đến nay, trong xã có khoảng 80 hộ trồng cây dược liệu với diện tích khoảng 30ha. Các cây được trồng nhiều như sâm dây, đương quy, cà gai leo, nghệ. Nhiều hộ tham gia liên kết với công ty để trồng và được cung cấp giống cũng như bao tiêu sản phẩm nên đầu ra khá ổn định.
 
Còn ông Bùi Thanh Phong, Chánh Văn phòng UBND huyện Kon Plông, cho biết hiện đã có 18 dự án đầu tư, phát triển dược liệu trên địa bàn. Trong năm nay, huyện tiếp tục khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế đầu tư trồng và nhân rộng các loại cây dược liệu đã trồng thử nghiệm thành công như hồng đẳng sâm, sa nhân, sâm đương quy, lan kim tuyến; đồng thời tiếp tục trồng thử nghiệm thêm một số loài cây dược liệu khác như chùm ngây, xạ đen...
 Lâm Đồng phát triển 300ha cây dược liệu
Công ty cổ phần dược Lâm Đồng (LADOPHAR) cho biết, thời gian qua đơn vị đã liên kết với khoảng 100 hộ nông dân phát triển hơn 100ha cây dược liệu. Trong đó, có hai cây dược liệu thế mạnh tại địa phương gồm atiso (khoảng 100ha tại phường 11 và phường 12, TP Đà Lạt) và cây diệp hạ châu (khoảng 5ha tại huyện Cát Tiên). Theo đại diện LADOPHAR, đối với những loại cây dược liệu có liên kết với người dân, đơn vị đều áp dụng nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Còn theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện địa phương đang trồng khoảng 300ha cây dược liệu, trong đó có những loại chính như bầu gió, atiso, đương quy, nấm Linh Chi đỏ Đà Lạt, đẳng sâm, phúc bồn tử, bồ công anh, thông đỏ... Phần lớn sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc nước, viên nang và cao các loại.
SƠN CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục