Phát huy nội lực, trí lực

Năm 2011 khép lại, đánh dấu một năm đầy bất ổn và biến động: suy thoái kinh tế, khủng hoảng nợ công, lạm phát bùng phát, thiên tai dồn dập… trên bình diện toàn cầu. Khó khăn nội tại của các nền kinh tế đầu tàu thế giới đã cản trở sự tăng trưởng GDP nhiều quốc gia, đặt doanh nghiệp vào vị thế bị động, phải đối mặt với nhiều khó khăn gay gắt. Nhìn xa hơn, khủng hoảng kinh tế 2007-2008 vẫn phát tác hiệu ứng tiêu cực, làm xói mòn lòng tin giới đầu tư và người tiêu dùng về triển vọng phục hồi kinh tế, đã làm giá kim loại quý tăng cao đột biến, diễn biến khó lường.

Những ngày này, người phương Tây đón năm mới trong niềm vui “đến hẹn lại lên” xen lẫn nỗi âu lo thường trực chưa được giải tỏa. Giới chuyên gia, phân tích kinh tế và cả các mạng xã hội đều tràn ngập các dự đoán không mấy tốt lành: (i) Tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong năm 2012; kinh tế sẽ khó khăn hơn đối với đa số các nước trên thế giới. (ii) Cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro vẫn tiếp diễn. Khả năng khu vực này tan rã hoàn toàn là rất ít nhưng nếu nó diễn ra sẽ là một thảm họa kinh tế toàn cầu. (iii) Các nền kinh tế lớn vẫn phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, tăng trưởng thấp, khó tạo việc làm dẫn đến tranh chấp kinh tế, bất ổn xã hội gia tăng.

(iiii) Thị trường tài chính thế giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Nếu cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu xấu thêm, thị trường trái phiếu, chứng khoán, kim loại quý… sẽ hỗn loạn nghiêm trọng. Chỉ có một vài điểm sáng là dự báo giá một số nguyên liệu đầu vào sản xuất sẽ giảm sau 2 năm tăng mạnh do lực cầu yếu đi; các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương trỗi dậy thay thế vai trò của châu Âu - Mỹ, sẽ kích cầu tiêu dùng, tạo đầu kéo giải quyết việc làm nhiều nền kinh tế.

Trong bối cảnh vật vã của nhiều nền kinh tế hàng đầu, nước ta về cơ bản vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và đạt mức tăng trưởng khá (5,89%). Điểm sáng nhất trong năm 2011 là kim ngạch xuất khẩu đạt con số kỷ lục (96,3 tỷ USD - tăng 33,3%) và hạn chế nhập siêu dưới mức 10% - đây là mức nhập siêu thấp nhất trong vòng 5 năm qua (9,9%). TPHCM, trung tâm kinh tế - thương mại lớn nhất nước, vẫn tiếp tục khẳng định vị thế của mình: GDP đạt 503.227 tỷ đồng - tăng 10,3%; CPI thấp hơn mức chung cả nước (15,86% so với cả nước là 18,46%); dịch vụ du lịch bứt phá mạnh, tăng 22% so cùng kỳ, chiếm doanh thu 60% toàn ngành… đã góp phần tích cực chống suy giảm kinh tế và có đóng góp lớn vào thành tựu kinh tế - xã hội chung cả nước.

Trong gian nan mới thấy anh hào. Năm 2011 tổng thu ngân sách nhà nước tiếp tục bội thu, vượt 16,3% so với chỉ tiêu; trong đó khối doanh nghiệp FDI chỉ đóng góp 18,4% (và đến nay vẫn còn hơn 80% doanh nghiệp loại này khai báo lỗ), số còn lại do doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước cáng đáng! Có thể nói trong thế khó chung, doanh nghiệp nước ta đã phát huy nội lực, trí lực mạnh mẽ để vượt qua thử thách, giải quyết việc làm, góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội.

Điều này đúng cả trên phương diện thực tế và quan điểm của Đảng: “Ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định”. Ngày cuối năm có thêm tin vui: Bộ NN-PTNT vừa công bố xuất khẩu thủy sản năm nay đạt mốc 6,1 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ và vượt 0,1% so với kế hoạch - một con số mà cách đây 2 tháng không ai dám “mơ” do thị trường xuất khẩu biến động mạnh. Đằng sau con số ấy là đời sống của cả triệu nông dân, việc làm của hàng trăm ngàn công nhân trong ngành chế biến thủy sản!

Bước vào năm mới 2012, vấn nạn cũ và thách thức mới vẫn đặt ra gay gắt. Hai chỉ tiêu rất quan trọng là tăng trưởng GDP (6-6,5%) và lạm phát (9%) đều khó hoàn thành nếu giải pháp điều hành vĩ mô không kiên định, quyết liệt và cộng đồng doanh nghiệp không vào cuộc mạnh mẽ với nỗ lực vượt bậc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảnh báo: Lạm phát đã giảm nhưng còn cao, chưa vững chắc. Nếu không quyết liệt, kiên trì khống chế lạm phát thì lạm phát cao có thể quay lại bất cứ lúc nào, sẽ đe dọa ổn định vĩ mô, làm đảo lộn các mục tiêu đã đề ra trong việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Năm 2012 đang đến với nhiều gam màu sáng tối, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng đồng hành vượt khó mới khắc chế nguy cơ bất ổn. Với các quan điểm mới mà Hội nghị Trung ương lần thứ 3 và 4 của Đảng (Khóa XI) đề ra, chắc chắn sẽ tạo ra sinh khí mới, động lực mới huy động trí lực, tài lực toàn dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Nước ta vẫn có nhiều lợi thế tiềm tàng nổi trội: thị trường nội địa 90 triệu dân, nền nông nghiệp ngày càng phát triển toàn diện, thế mạnh du lịch đang được khẳng định, vẫn là điểm đến thu hút đầu tư do nền tảng chính trị - xã hội ổn định… Lịch sử cho thấy nước ta, nhân dân ta luôn tìm được hướng đi đúng, vượt thoát nguy cơ trong những tình thế ngặt nghèo nhất.

Năm mới, cầu mong an lành, tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. 

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục