Xây dựng nông thôn Việt Nam trở nên giàu đẹp, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo nhiều hơn cho nông dân là vấn đề rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để triển khai Nghị quyết Đại hội X của Đảng về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về vấn đề “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (gọi tắt là tam nông).
Để cụ thể hóa Nghị quyết 26, Bộ Chính trị đã giao Ban Bí thư chỉ đạo xây dựng mô hình nông thôn mới tại 11 xã điểm trong cả nước, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới.
Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho biết sau gần 2 năm triển khai thí điểm tại 11 xã tại các vùng miền trong cả nước, hình hài của nông thôn mới đã hình thành. Dù vẫn còn những điểm cần phải bổ sung, hoàn thiện thêm cho phù hợp, tạo niềm tin vững chắc cho người dân để nhân rộng mô hình xây dựng nông thôn mới ra cả nước.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 đề ra là đảm bảo có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 là 50%. Theo quy định, một xã để được công nhận là nông thôn mới phải đạt được đủ 19 tiêu chí mà Chính phủ quy định. Tuy nhiên, theo ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong quá trình triển khai vừa qua, nhiều địa phương, cán bộ chính quyền và người dân vẫn còn lúng túng, chưa hiểu đầy đủ nội dung về xây dựng nông thôn mới, hoặc có tâm lý trông chờ, thụ động.
Để phong trào thành công, cần xây dựng được những mô hình nông thôn mới, thống nhất cách hiểu về xây dựng nông thôn mới từ các cấp chính quyền tới từng hộ dân. Theo đó, nông dân phải là chủ thể của phong trào xây dựng nông thôn mới, phần lớn công việc phải do người dân thực hiện chứ Nhà nước không thể đầu tư toàn bộ. Nông thôn mới không phải là một “dự án” rót tiền cho các địa phương.
Thực tế cho thấy để xây dựng nông thôn mới thành công, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước phải huy động được nội lực của người dân. Huy động nội lực không nên chỉ hiểu đơn thuần là dân đóng góp vật chất, mà có thể thông qua nhiều hình thức như nông dân tham gia cải tạo nhà cửa, làm công trình vệ sinh hiện đại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp… Đầu tư xây dựng nông thôn mới không nên chỉ thiên về xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, mà còn phải chăm lo dạy nghề để nông dân sản xuất hiệu quả, có năng suất cao, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần người dân…
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, bên cạnh tăng cường tuyên truyền để người dân và chính quyền cơ sở nhận thức đúng về chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới, để phong trào nhân rộng, ngay từ bây giờ các địa phương phải tập trung hoàn thành công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước và chỉ khi quy hoạch xong mới đầu tư, xây dựng hạ tầng, tập trung triển khai các tiêu chí nông thôn mới, gắn cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư với việc xây dựng nông thôn mới.
PHÚC HẬU