Phát huy sức Dân để chăm lo cho Dân (*)

Phát huy sức Dân để chăm lo cho Dân (*)

(Phát biểu của đồng chí LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tại Hội nghị Tổng kết chương trình giảm nghèo năm 2015)

Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X sắp được khai mạc vào ngày 14-10-2015, ngày 26-9, thành phố Hồ Chí Minh tự hào và vui mừng tổng kết một Chương trình đặc biệt ý nghĩa, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội ta, Chương trình giảm nghèo.

Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố luôn thấm nhuần và kiên trì thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” (1); không ngừng phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, sức mạnh của Nhân dân, năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, và đã “đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước” (2).

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ các đại biểu tại Hội nghị tổng kết chương trình giảm nghèo 2015. Ảnh VIỆT DŨNG

Nhiều năm qua, kinh tế thành phố luôn giữ mức tăng trưởng khá cao, bình quân hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung cả nước; đóng góp nguồn thu ngân sách quốc gia ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước; vị trí thành phố về kinh tế ngày càng tăng, đến nay chiếm hơn 21% tổng sản phẩm nội địa của cả nước. Kinh tế phát triển đã tác động tích cực, đời sống của người dân thành phố ngày càng được cải thiện rõ rệt. GDP bình quân đầu người cuối năm 2015 ước đạt 5.538USD, gấp 12,4 lần năm 1985.

Quán triệt quan điểm tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi và chính sách phát triển. Từ những việc làm, mô hình chăm lo đời sống người nghèo, thành phố đã khởi đầu Chương trình Xóa đói giảm nghèo vào đầu năm 1992 đến nay đã trải qua 23 năm. Với quyết tâm chính trị cao, Thành ủy luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; luôn đề ra và bổ sung chủ trương, chính sách, biện pháp hỗ trợ giảm nghèo đúng đắn, kịp thời và hiệu quả. Đã xây dựng và luôn bổ sung thành một Chương trình kinh tế - văn hóa - xã hội tổng hợp có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài. Xóa đói là nhiệm vụ cấp bách trong thập niên 90 của thế kỷ trước, giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài, cần được thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Giảm nghèo là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố. Luôn gắn kết Chương trình giảm nghèo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, với chỉnh trang và phát triển đô thị, với xây dựng nông thôn mới, với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,…

Trong hơn 23 năm, Chương trình giảm nghèo được thực hiện qua 4 giai đoạn, với 7 lần nâng mức thu nhập để xác định hộ nghèo và hộ cận nghèo, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, chỉ số giá sinh hoạt và mức sống của người dân thành phố. Mức thu nhập để xác định hộ nghèo hiện nay là dưới 16 triệu đồng/người/năm, hộ cận nghèo là dưới 21 triệu đồng/người/năm, thống nhất cả nội thành và ngoại thành; cao hơn chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 là 2,7 lần; tiếp cận chuẩn nghèo quốc tế (2USD/người/ngày).

Sự thành công của Chương trình giảm nghèo trước hết và rõ nét nhất là góp phần giảm chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư của thành phố; đã kéo giảm từ hơn 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014; kéo giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn từ 1,8 lần năm 2008 còn 1,2 lần vào năm 2010; không còn chênh lệch trong nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nội thành và ngoại thành. Hiện nay, trên địa bàn thành phố, hộ nghèo theo tiêu chí thành phố còn khoảng 1%, đặc biệt có 12 quận đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo. Điều quan trọng là không chỉ một số lượng lớn hộ nghèo thành phố thoát được chuẩn nghèo theo từng giai đoạn mà chính là mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống của người nghèo thành phố được cải thiện đáng kể trên các mặt.

Chương trình giảm nghèo đã thật sự mang lại niềm vui, sự an tâm, tự tin cho hàng triệu lượt người nghèo đã được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố, các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng về giáo dục, y tế; thêm điều kiện để các hộ nghèo xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Qua thực tiễn sinh động của các hoạt động giảm nghèo, thành phố đã đúc kết và nhân rộng được nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đó là mô hình giảm nghèo theo cách tiếp cận từ dưới lên, trên cơ sở nắm chắc thực trạng đời sống của từng hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả nhất; mô hình xây dựng dự án tạo việc làm cho người nghèo; mô hình doanh nghiệp hoặc một chi bộ, chi hội, tổ dân phố, một số hộ khá giả trực tiếp nhận hỗ trợ, đỡ đầu hộ nghèo, hộ cận nghèo; mô hình giảm nghèo từ sự kiên trì chăm lo cho con em học chữ, học nghề đến nơi đến chốn, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định, giúp gia đình giảm nghèo căn cơ, bền vững,...

Thành quả của Chương trình giảm nghèo có giá trị nhân văn sâu sắc, nghĩa tình sâu đậm; là nét đẹp văn hóa của người dân thành phố; khơi dậy, phát huy truyền thống tốt đẹp về lòng nhân ái, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau, xây đắp tình làng nghĩa xóm; phát huy được sức mạnh nội lực hướng thiện của cộng đồng, của cơ quan, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tôn giáo, các doanh nghiệp, các cá nhân trong nước và nước ngoài; tạo sự đồng thuận, đồng lòng, chung sức, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp lo cho dân nghèo, phát huy sức Dân để chăm lo cho Dân.

Người nghèo thành phố được giúp đỡ từ lời động viên đến giúp vốn bằng tiền với lãi suất ưu đãi; bằng giống vật nuôi, cây trồng; được cho mượn đất để trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn cách làm ăn, kèm cặp tay nghề; giúp xóa nhà dột nát, tạm bợ; xây mới, sửa chữa nhà ở an toàn và tạo được điều kiện cần thiết để vươn lên. Người nghèo ngày càng nhận thức được nhu cầu, quyền, lợi ích và trách nhiệm của mình, chủ động tham gia vào quá trình giảm nghèo của chính mình; nhiều hộ sau khi vượt nghèo, tự nguyện giúp lại những người nghèo khó hơn mình. Nhiều cán bộ, công chức, giáo viên, bác sĩ, tiểu thương,… dành một phần lương, thu nhập để giúp người nghèo, hỗ trợ học bổng học sinh nghèo, thầm lặng giúp đỡ, không muốn nêu tên, hay được trả ơn hoặc khen thưởng. Tính cộng đồng ngày càng được mở rộng, quan hệ gắn bó, sống có trách nhiệm với nhau trong các cộng đồng dân cư được vun đắp, tô bồi; tác động tích cực đến phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, là một nội dung trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Qua thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo, nhiều tổ chức đảng ở khu phố, ấp, phường - xã, thị trấn đã sát Dân và chủ động giúp Dân tốt hơn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, được công nhận là tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Mô hình chi bộ, đảng viên trợ giúp hộ nghèo đã tạo nên sức sống cho hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng; thể hiện rõ nét vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên; tham gia công tác giảm nghèo chính là môi trường tốt để đảng viên phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; thiết thực tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa đảng bộ với Nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng. Chương trình giảm nghèo thúc đẩy đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; đã giúp cho tổ chức và cán bộ đoàn thể các cấp luôn gắn bó sâu sát với đoàn viên, hội viên và giới mình; kịp thời động viên, hướng dẫn, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, thu hút người dân tự nguyện tham gia hoạt động và gắn bó với đoàn thể.

Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá cao, trân trọng ghi nhận thành quả của Chương trình giảm nghèo ở thành phố 23 năm qua, nhất là của những tập thể đơn vị, cá nhân đã có thành tích xuất sắc được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng. Ban Thường vụ Thành ủy tri ân sâu sắc đồng chí Mai Chí Thọ, đồng chí Võ Trần Chí và nhiều đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm của thành phố đã dày công, toàn tâm, toàn sức chăm lo cho đồng bào nghèo - Những người có công lao to lớn kiến tạo và kiên trì bồi đắp Chương trình giảm nghèo thành phố - Đó là những tấm gương sáng về chăm lo đời sống Nhân dân cho các thế hệ cán bộ, đảng viên thành phố hôm nay và mai sau noi theo. Tôi nhiệt liệt biểu dương ý chí bền bỉ, tinh thần quyết tâm vươn lên thoát nghèo, cần cù lao động của hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố. Hoan nghênh sự nỗ lực không ngừng, tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trước đồng bào nghèo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các doanh nghiệp, các ngành, các cấp, nhất là cấp phường - xã, thị trấn là nơi gắn bó trực tiếp, thấu hiểu và tận tình hỗ trợ người nghèo. Thành ủy chân thành cảm ơn những tình cảm tốt đẹp, nghĩa cử cao quý của các tổ chức và cá nhân trong nước, bà con kiều bào, tổ chức và cá nhân nước ngoài,… đã góp sức, tài trợ cho các chương trình, dự án giảm nghèo của thành phố trong suốt 23 năm qua.

Ủy ban nhân dân thành phố đã có Báo cáo tổng kết, đánh giá đúng mức những kết quả, thành tựu; đồng thời nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế, yếu kém và tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; đúc kết những mô hình giảm nghèo hiệu quả, những kinh nghiệm thực tiễn quý báu để tiếp tục triển khai nhân rộng trong thời gian tới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Hội nghị chúng ta vui mừng được nghe báo cáo minh họa của một số địa phương, đơn vị có những cách làm hay và nhất là những kinh nghiệm rất sinh động của gương điển hình tiêu biểu được giao lưu tại Hội nghị. Sau đây, tôi nhấn mạnh năm vấn đề nhằm đẩy mạnh giảm nghèo bền vững trong thời gian tới:

Trước hết, cần đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận của Chương trình giảm nghèo bền vững. Chúng ta trân trọng, tự hào về thành tựu đạt được, nhưng kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo đối với một bộ phận dân cư vẫn còn khá cao. Trong điều kiện tác động của kinh tế thị trường, trong những thời điểm lạm phát cao có thể làm thu hẹp sản xuất, tăng thất nghiệp, giá nông sản không ổn định, hoặc mất mùa,… đều tác động tiêu cực, là nguy cơ tái nghèo. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo vừa thoát khỏi chuẩn nghèo theo mức thu nhập, được địa phương đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của Chương trình sẽ không được tiếp tục thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Chương trình, sẽ gặp khó khăn, giảm nghèo không bền vững. Có những hộ không thuộc diện nghèo của Chương trình, nhưng còn thiếu điều kiện về đời sống văn hóa, phải chú ý chăm lo toàn diện các mặt.

Chủ trương nhất quán của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy là phải giảm nghèo bền vững. Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX vừa qua đã thảo luận và kết luận chỉ đạo về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 với yêu cầu: Tiếp tục điều chỉnh chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố để tiếp tục bảo đảm mức thu nhập thực tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là rất cần thiết. Việc nâng cao chất lượng sống cho người nghèo, vừa tìm các giải pháp khả thi giúp người nghèo nâng cao thu nhập, vừa tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng về giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm, văn hóa tinh thần, bảo hiểm xã hội, nhà ở, thông tin và các điều kiện sống khác. Phấn đấu đến cuối năm 2020, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo của thành phố tăng gấp 3,5 lần so với năm 2011. Ngay sau Hội nghị Tổng kết này, từ nay đến cuối năm 2015, thành phố tiếp tục phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống) xuống dưới 1% và hộ cận nghèo (thu nhập trên 16 đến 21 triệu đồng/người/năm) xuống còn khoảng 2% tổng hộ dân thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện thí điểm tại một số quận, huyện về chuyển phương pháp đo lường sao cho sát với yêu cầu giảm nghèo bền vững, sơ kết rút kinh nghiệm vào cuối năm 2015 và báo cáo để Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố có chủ trương và nghị quyết triển khai thực hiện trong Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố.

Thứ hai, thành phố đẩy mạnh thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ tác động đến nhu cầu tối thiểu của người nghèo, hộ nghèo. Như hỗ trợ vốn ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận, thụ hưởng những lợi ích chính đáng, hợp pháp trong tổ chức sản xuất, làm ăn, học tập, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và văn hóa tinh thần; đồng thời kiên trì làm cho chính người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo; phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thật tích cực, thường xuyên, cụ thể trong từng đối tượng, tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ và bền bỉ về hành động.

Thứ ba, nguồn lực để vận hành chương trình đóng vai trò quyết định. Cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực của các tầng lớp xã hội, của các thành phần kinh tế theo phương châm “phát huy sức Dân để chăm lo cho Dân”; đồng thời luôn dành ưu tiên nguồn ngân sách hàng năm và trong cả giai đoạn để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo. Đây là nguồn vốn mồi rất cần thiết để triển khai Chương trình, gắn kết có hiệu quả Chương trình giảm nghèo với các Chương trình mục tiêu về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Đặc biệt gắn chặt nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu kinh tế, chỉnh trang phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới của thành phố. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Quỹ Vì người nghèo” để các hoạt động vì người nghèo luôn là phong trào thi đua yêu nước, thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo tầng lớp Nhân dân. Kịp thời phát hiện, biểu dương khen thưởng, tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp, những tấm lòng nhân ái và hành động vì người nghèo.

Thứ tư, chính sách giảm nghèo trong giai đoạn mới phải được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần tính trợ cấp, tăng cường mạnh mẽ các chính sách và giải pháp thiết thực mang tính tác động, hỗ trợ cao để tổ chức sản xuất - kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho làm ăn, tạo cơ hội học tập cho con em các hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định, để hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố an tâm, tự tin tổ chức làm ăn sinh sống, giảm được nghèo, tiến đến vươn lên làm ăn phát đạt; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước, sự chăm lo của đoàn thể, cộng đồng xã hội, thiếu ý chí tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo.

Thứ năm, từng cấp, nhất là các quận - huyện, phường - xã, thị trấn là nơi trực tiếp, sâu sát với người dân, cần phải chủ động, cụ thể hóa và sáng tạo việc thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới.

Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp của thành phố cần được củng cố, kiện toàn để đủ sức làm tham mưu cho cấp ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ giảm nghèo bền vững rất nặng nề nhưng có nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc; nghiên cứu bổ sung chính sách chăm lo thích đáng cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là cấp phường - xã, thị trấn và tổ tự quản giảm nghèo để các đồng chí an tâm, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc lo cơm ăn, áo mặc cho dân là điều vô cùng quan trọng. Ngay từ khi thành lập Nước, Người cho rằng đói nghèo là thứ giặc đầu tiên trong 3 thứ giặc cần phải diệt, kêu gọi Quốc dân đồng bào: “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ đạo “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân”; “Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được” (3). Và trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân” (4).

Thấm nhuần tư tưởng của Bác về diệt giặc đói, về không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân, chăm lo đời sống cho người dân nghèo, sẽ luôn là động lực thôi thúc Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu; quyết tâm, phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới, ra sức thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để xây dựng, tạo cho người dân thành phố khát vọng vươn lên vượt nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu - nơi mà chúng ta luôn trăn trở vì người nghèo, toàn tâm, toàn sức chăm lo cho mọi người dân đều có chất lượng sống tốt; phấn đấu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tập 15, trang 62
(2) Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị ngày 10 tháng 8 năm 2012
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tập 7, trang 572
(4) Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, trang 25
------------

(*) Đầu đề do Báo SGGP đặt

Tin cùng chuyên mục