Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trao đổi về bài học đại đoàn kết toàn dân tộc của Cách mạng Tháng Tám trong thời điểm hiện nay.
° Phóng viên: Thưa đồng chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa như thế nào trong thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi nhân chứng lịch sử Cách mạng Tháng Tám
° Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của chúng ta trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám đã được phát huy cao độ vì có 2 điều kiện. Thứ nhất, sức mạnh đại đoàn kết đó đã được Đảng lãnh đạo và định hướng để từ tình cảm của người dân được tập hợp lại, trở thành sức mạnh hiện hữu chứ không phải tại thời điểm đó mới đem lại tác dụng. Chính vì thế nên bài học ở đây là sức mạnh đại đoàn kết thông qua sự lãnh đạo của Đảng đem lại yếu tố tăng cường mới. Thứ hai, sức mạnh đại đoàn kết đã trải qua một quá trình tập dượt từ năm 1941, khi có Mặt trận Việt Minh, và đến năm 1945 vào ngày 15, 16-8 mới thể hiện ở việc hình thành các cuộc xuống đường của hàng vạn người ở Hà Nội và các địa phương khác, đe dọa, gây áp lực đối với những người trong bộ máy chính quyền của chế độ cũ, qua đó tạo thành lực lượng cách mạng để dẫn đến thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám.
° Theo đồng chí, để quy tụ lòng dân, những yếu tố nào là quan trọng để tiếp tục được kế thừa và phát triển trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay?
° Chúng tôi có gặp các cán bộ lão thành cách mạng tham gia Cách mạng Tháng Tám, các bác có nói rằng lúc đấy mà không có người dân ủng hộ thì khó thành công. Người dân theo cách mạng vì biết rằng, cách mạng sẽ làm được những việc theo nguyện vọng của nhân dân. Bài học đó là: muốn tập hợp đoàn kết nhân dân thì phải biết nhân dân muốn gì và phải tổ chức hành động đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân và chuyển tâm tư, nguyện vọng đó đến các cơ quan của Đảng, Nhà nước cũng như đoàn thể để tổ chức triển khai thực hiện.
Từ sau năm 1975 đến nay, chúng ta luôn đặt ra yêu cầu MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nhưng đồng thời cũng có quyền thay mặt nhân dân giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Qua giám sát để thấy rằng việc đó đúng, làm tốt, hiệu quả đến đâu để đáp ứng nhu cầu nhân dân; những việc gì chưa tốt, chưa hiệu quả cũng phải phản ánh với nhân dân. Tức là hoạt động mặt trận vừa phải hiểu được chủ trương của Đảng, vừa phải góp phần đưa chủ trương đó thành hiện thực, không thể chỉ vận động mà không giám sát.
° Những biến động của tình hình thế giới đang ít nhiều tác động đến sự phát triển của đất nước ta. Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với Quân đội và nhân dân. Đặc biệt đã có một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức tham nhũng, tha hóa, biến chất gây mất niềm tin trong nhân dân. Đồng chí suy nghĩ như thế nào về những ý kiến trên?
° Trước những biến động của tình hình quốc tế, khó khăn trong nước, Đảng, Nhà nước đã luôn luôn tìm ra các định hướng, giải pháp để giải quyết vấn đề. Những thông tin này cần được truyền tải đến người dân để người dân cảm thấy không bế tắc. Chúng ta cung cấp đầy đủ thông tin, dân hiểu được thông tin, hiểu được tình hình thì sẽ không cảm thấy bế tắc.
Trong quá trình phát triển, chúng ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng trong nhiều trường hợp, trong cuộc sống bề bộn hàng ngày, những thành tựu này chưa được nói đúng mức thì người ta chưa cảm nhận được đất nước đang đi trên một con đường đúng đắn và có thành quả quan trọng. Ví dụ, nếu so với năm 1989, thì sau 25 năm quy mô nền kinh tế chúng ta đã lớn hơn 30 lần. Chúng ta từ một nước thuộc nhóm thu nhập thấp nhất thế giới thì từ năm 2009 đã vượt qua được nước thu nhập thấp bước đến nước có thu nhập trung bình. Một kết quả quan trọng khác, năm 1989, xuất khẩu của nước ta đạt 5 tỷ USD thì năm vừa rồi đạt 150 tỷ USD. Sau 30 năm xuất khẩu tăng 30 lần. Đó là thành tựu và nếu có được thông tin này nhân dân sẽ tin tưởng hơn vào sự phát triển của đất nước.
Nhưng để dân tin thì chúng ta không phải chỉ nói việc tốt mà những gì yếu kém chúng ta cũng phải lắng nghe, cùng thảo luận cho được và phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước để có hướng giải quyết kịp thời, đem lại niềm tin cho người dân.
° Đất nước ta đã đi qua 30 năm đổi mới, nhưng dường như sức mạnh nội lực của toàn dân tộc vẫn chưa được phát huy triệt để nhằm xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh. Những trở lực nào đang khiến cho việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong thời điểm hiện nay gặp khó khăn, cần khai thông như thế nào?
° Ở Đà Nẵng, cách đây hơn 1 năm, chính quyền dự kiến xây dựng một cây cầu thứ 10 qua sông Hàn để dành riêng cho người đi bộ, tốn hàng trăm tỷ đồng. MTTQ làm chức năng phản biện dự án này. Các nhà khoa học, nhà kiến trúc được mời đến, họ nói rằng không cần làm cây cầu này chỉ riêng cho đi bộ, vì chính cây cầu khác vừa đi bộ vừa đi xe đã đủ rồi. Vì vậy, MTTQ kiến nghị bỏ dự án này. HĐND Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng họp và quyết định bỏ dự án đó.
Để góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết thì mặt trận phải là người đại diện tiếng nói của nhân dân, và khi nói đúng rồi thì Đảng, chính quyền phải lắng nghe. Theo tôi, sức mạnh đại đoàn kết là một tài sản vô giá, chúng ta phải biết ứng xử, chăm sóc để nó phát huy tác dụng. Một lo lắng hiện nay là những người trong bộ máy chính quyền không thật sự lắng nghe ý kiến người dân. Trong ngắn hạn, chính quyền là người nắm trong tay quyền lực, nhưng chúng ta không bao giờ được quên rằng chính quyền nằm trong tay người dân. Nếu trong ngắn hạn một bộ phận có thể là bất chấp ý kiến nhân dân, có thể làm theo ý của mình nhưng dài hạn, ý kiến người dân là quyết định cuối cùng.
Theo tôi, trước hết chúng ta đừng nhìn thấy những khả năng của chính quyền trong ngắn hạn, kết quả trong ngắn hạn mà có thể cho rằng không cần lắng nghe ý kiến đầy đủ của người dân. Đấy mới là sức mạnh cuối cùng. Thứ hai, để đất nước phát triển, chúng ta vận động người dân với tình cảm yêu nước nhưng phải chấp hành pháp luật. Đã đến lúc phải nói không với việc công khai vi phạm pháp luật, nói không với việc không có chế tài xử lý vi phạm trong quá trình phát triển đất nước như hiện nay.
° Xin cảm ơn đồng chí!
PHAN THẢO