Phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa

Khi hội nhập toàn cầu ngày càng mạnh mẽ, chuyển đổi số mở ra nhiều kết nối giữa các quốc gia, câu chuyện “chiếm dụng văn hóa” trở thành nỗi lo toàn cầu. Liệu chúng ta có giữ được bản sắc riêng trong tiến trình hội nhập và khai thác ngành công nghiệp này một cách hữu hiệu và vươn tầm?
Hình ảnh giới thiệu bộ font chữ “Vén” của nhà thiết kế mỹ thuật Đỗ Trọng Đạt
Hình ảnh giới thiệu bộ font chữ “Vén” của nhà thiết kế mỹ thuật Đỗ Trọng Đạt

Bắt đầu từ những font chữ nhỏ

Trong thời buổi hội nhập toàn cầu, văn hóa không chỉ là khái niệm trên sách vở hay những khẩu hiệu để giữ gìn bản sắc dân tộc, mà đã trở thành một ngành công nghiệp để khai thác và phát huy sức mạnh nội sinh. Như Hàn Quốc là điển hình ở khu vực châu Á, làn sóng văn hóa đại chúng Hallyu hay những nhóm nhạc đình đám luôn đi cùng các chiến dịch quảng cáo mang bản sắc xứ sở kim chi.

Vài năm trở lại đây, cộng đồng sáng tạo trẻ Việt Nam đã khai thác nhiều hơn yếu tố văn hóa truyền thống trong các sản phẩm sáng tạo. Kinh doanh vẫn còn là câu chuyện dài, nhưng việc chú trọng khai thác yếu tố văn hóa truyền thống như một ngành công nghiệp cũng là ghi nhận bước đầu cho việc phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa.

Bắt đầu từ việc khai thác các bộ font chữ mang cảm hứng từ những hình tượng sân khấu hát bội, họa sĩ Nguyễn Phương Vy với dự án “Bội tự” chia sẻ: “Hiện tại, tôi đang đang khai thác thương mại bộ font chữ Bội tự trên một số nền tảng trực tuyến. Việc này rất nhỏ và bình thường với những ai làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, nhưng tôi nghĩ đó cũng là cách khai thác và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Cũng là font chữ, nhưng tại sao phải là những font chữ thời thượng theo nước ngoài hay trào lưu nào đó mà không lồng ghép yếu tố văn hóa nước nhà. Những con chữ cách điệu không chỉ là chữ mà còn mang dáng dấp của sân khấu hát bội đã hơn 100 năm, vừa đủ độc đáo để thương mại, vừa có thể truyền tải yếu tố văn hóa nước nhà”.

Cung cấp miễn phí bộ font chữ “Vén” lấy cảm hứng từ tà áo dài và nón lá cho người Việt và thu phí với khách quốc tế, nhà thiết kế mỹ thuật Đỗ Trọng Đạt chia sẻ: “Cụm từ chiếm dụng văn hóa thật sự đang là một đề tài nóng, nếu một đất nước không có bản sắc, không biết bảo vệ nền văn hóa riêng thì sẽ khủng khiếp đến nhường nào. Theo quan điểm của tôi, văn hóa dân tộc không bao giờ là cũ, chỉ có cách chúng ta sử dụng nó, ứng dụng nó có cũ đi, có lỗi thời hay không. Việc tìm kiếm, khai thác yếu tố văn hóa để đưa vào các ứng dụng mới, cách quảng bá mới, đó chính là vấn đề chúng ta cần lưu tâm và cũng là một cách để chúng ta giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc nhưng vẫn khai thác tốt văn hóa truyền thống trong ngành công nghiệp văn hóa”.

Những thiếu sót cần nhìn nhận

 Trong tham luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, PGS-TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: “Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cần tập trung đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa, khi ra khỏi biên giới quốc gia sẽ không chỉ là những sản phẩm, hàng hóa văn hóa thông thường mà còn là biểu tượng, bản sắc, hình ảnh, thương hiệu quốc gia, thể hiện sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Do đó, cần có chiến lược, kế hoạch phát triển có trọng điểm, trọng tâm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa”.

Nhìn nhận về vấn đề khai thác công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi từng chia sẻ, bây giờ nói về tranh thì phần lớn sẽ chú ý đến thị trường, giá cả vì một khi đã có vị thế trên thị trường, định danh được rồi thì giá cứ liên tục lập kỷ lục. Tranh Việt không thua các quốc gia trong khu vực, nhưng vấn nạn tranh giả, tranh nhái làm chúng ta cứ chùn lại.

Không chỉ là câu chuyện tranh ảnh, dọc theo chiều dài đất nước, chúng ta không thiếu sự đa dạng văn hóa bản địa, sản phẩm đặc sắc để xây dựng thương hiệu quốc gia nhưng điều này vẫn còn bỏ ngỏ. Để hướng đến khai thác văn hóa như một ngành công nghiệp thực thụ, cần có chiến lược xây dựng bài bản.

Tại Đại hội Hội Di sản Văn hóa TPHCM mới đây, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận phát biểu: “Chúng ta có khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhưng vẫn chưa có khu công nghiệp văn hóa để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa, lịch sử… Trong thời gian tới, Sở VH-TT TPHCM có kế hoạch xây dựng mô hình khu công nghiệp văn hóa, ở đó sẽ có những công ty khởi nghiệp về văn hóa để chúng ta giữ gìn, đồng phát huy và khai thác một cách có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa”.

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa là xu thế trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới và nước ta hiện nay. Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

Có thể thấy, văn hóa không chỉ dừng lại ở những khái niệm truyền thống, bản sắc, thuần phong mỹ tục… mà còn là công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa. Tuy nhiên, để khai thác và phát huy “sức mạnh mềm” cần có những chiến lược thật bài bản, để văn hóa thực sự là nguồn lực kinh tế đáng kể cho quốc gia.

"Chúng ta có khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhưng vẫn chưa có khu công nghiệp văn hóa để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa, lịch sử…"

Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận 

Tin cùng chuyên mục