Phát huy thế mạnh nông nghiệp đô thị

“Tuy đóng góp về mặt kinh tế không lớn nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở TPHCM lại có ý nghĩa và vai trò quan trọng về mặt xã hội, gợi mở về chủ trương, chính sách cho các địa phương khác về nền nông nghiệp đô thị”, đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tại buổi sơ kết thực hiện Nghị quyết (NQ) 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở TPHCM tuần qua.
Phát huy thế mạnh nông nghiệp đô thị

“Tuy đóng góp về mặt kinh tế không lớn nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở TPHCM lại có ý nghĩa và vai trò quan trọng về mặt xã hội, gợi mở về chủ trương, chính sách cho các địa phương khác về nền nông nghiệp đô thị”, đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tại buổi sơ kết thực hiện Nghị quyết (NQ) 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở TPHCM tuần qua.

        Kết quả khả quan

Có thể nói, việc TPHCM ban hành chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị giai đoạn 2011 - 2015; chính sách khuyến khích chuyển đổi sản xuất bằng các Quyết định (QĐ) 105 trước đó, QĐ 36 và mới đây là QĐ 13 đã có những tác động tích cực đến sự chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp TP. Bên cạnh đó, việc bổ sung, hoàn thiện chính sách đầu tư hạ tầng phục vụ chương trình chuyển đổi; các chủ trương đi vào chiều sâu hơn, như: Chương trình phát triển giống cây, con chất lượng cao; chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi trọng điểm (hoa - cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, bò sữa, cá sấu); chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ nông nghiệp đã khuyến khích người dân chuyển từ việc sản xuất nông nghiệp truyền thống, từ cây lúa chủ lực sang nuôi trồng các loại cây, con có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu dân cư đô thị.

Việc đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm CNSH cũng đã phát huy bước đầu trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ (KHCN), nhất là CNSH trong việc chọn lọc, lai tạo và sản xuất các loại giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, phù hợp yêu cầu nông nghiệp đô thị và sinh thái.

Mây tre lá là nghề ở nông thôn có sự liên kết rõ nét giữa hộ cá thể hay tổ nhóm với DN hoàn thiện sản phẩm theo đơn đặt hàng của công ty xuất khẩu. Ảnh chụp tại nhà xưởng Công ty Thanh Trúc, huyện Củ Chi.

Mây tre lá là nghề ở nông thôn có sự liên kết rõ nét giữa hộ cá thể hay tổ nhóm với DN hoàn thiện sản phẩm theo đơn đặt hàng của công ty xuất khẩu. Ảnh chụp tại nhà xưởng Công ty Thanh Trúc, huyện Củ Chi.

Sau 5 năm chuyển đổi, TPHCM đã gặt hái kết quả ban đầu một cách khả quan, tốc độ tăng trưởng GDP nông - lâm - ngư nghiệp của TP giai đoạn 2009 - 2012 lên đến 4,6%/năm, trong khi cả nước chỉ 2,9%. Nếu tính luôn tốc độ phát triển của nửa năm 2013 thì con số này đạt bình quân 5%/năm. Còn nhớ, giai đoạn đầu của sự bùng nổ đô thị hóa, nền nông nghiệp TPHCM bị lúng túng về phương hướng nên có giai đoạn tăng trưởng rất thấp, trên dưới 1%/năm. Bước chuyển đầu tiên là bỏ lúa một vụ qua nuôi tôm nước lợ vào những năm đầu 2000 đã làm bật dậy tiềm năng của vùng đất Cần Giờ, Nhà Bè. Sau đó các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn cũng bắt đầu chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng các loại cây con giá trị cao theo hướng nông nghiệp đô thị nên góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân 1ha đất canh tác lên gần 240 triệu đồng/năm, tăng hơn gấp đôi so với năm 2008, trong khi bình quân cả nước là 81 triệu đồng/năm.

Năm 2008, diện tích hoa kiểng của TP là 1.000ha, chiếm 1,6% diện tích và chiếm 4,6% giá trị sản xuất. Đến năm 2012, diện tích hoa kiểng tăng gấp rưỡi, lên 1.510ha, chiếm 2,8% diện tích canh tác nhưng lại chiếm gần 7% tổng giá trị sản xuất, gấp 2,7 lần so với năm 2008. Tương tự, diện tích rau an toàn cùng thời gian đó là 2.600ha, chiếm 4,2% diện tích canh tác và 4,9% tổng giá trị sản xuất, nhưng đến năm 2012, diện tích rau đạt 3.024ha (5,5% diện tích canh tác), giá trị sản xuất tăng gấp 5 lần so với trước, chiếm 13,6% tổng giá trị sản xuất. Như vậy, diện tích sản xuất rau tăng 10,1%/năm, năng suất rau tăng 10,1%, sản lượng rau tăng 14,3%, trong khi giá trị sản xuất tăng 50,2%.

        Củng cố để phát triển bền vững

Nhờ những nền tảng này, nông thôn TPHCM đã và đang từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô trang trại như rau an toàn, hoa các loại, cá kiểng, cá sấu, bò sữa ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, tôm nước lợ ở Cần Giờ, làng nghề bánh tráng (Củ Chi), làng cá sấu Hoa Cà (quận 12). Việc liên kết hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã cũng đã xuất hiện hay việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, mây tre lá với các doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm theo đơn đặt hàng của các công ty thương mại để xuất khẩu như mặt hàng làm mành trúc xuất khẩu ở Củ Chi.

Xét cho cùng, khuyến khích chuyển đổi sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng như đường, điện, nước, y tế, trường học, nhà văn hóa; có chính sách thu hút đồng vốn về nông thôn, đầu tư vào nông nghiệp cũng là để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân nông thôn cả về vật chất và thụ hưởng tinh thần cũng như các dịch vụ xã hội khác. Nếu nhìn vào khía cạnh này, TPHCM đã có bước tiến khá dài khi tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn giảm còn 2,12% so với 8,4% trước đó. TPHCM không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Nhờ nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cộng đồng dân cư nông thôn là điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hiện nay 24/56 xã ngoại thành đạt chuẩn về tiêu chí này, trong đó, 6 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới đạt trên 70%. Nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở thành thị cao gấp 1,8 lần so với dân cư nông thôn thì hiện nay chỉ còn 1,24 lần. Nói khác đi, nếu năm 2008 thu nhập bình quân người dân nông thôn chỉ đạt 55,4% so với dân thành thị thì năm 2012 là 80,5%.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng những kết quả này mới chỉ là bước đầu, phải củng cố để trở nên bền vững hơn. Đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới TP cho rằng, nông nghiệp phát triển nhưng chưa tương xứng với thế mạnh khoa học kỹ thuật; chính sách thu hút nguồn lực, chất xám về KHCN để tác động vào việc nâng cao đời sống nông dân chưa như mong muốn; các hình thức tổ chức trong nông nghiệp có nhưng chưa nhiều, chậm đổi mới; cơ sở hạ tầng nông thôn có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc dạy nghề lao động nông thôn chưa đảm bảo yêu cầu về công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Ngay cả nông dân trẻ tiếp thu tiến bộ về KHCN còn hạn hẹp. Chuyển đổi lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp còn chừng mực. Chính sách hiện hành vẫn chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển vùng nông thôn. Việc tiếp cận các chính sách của người dân nông thôn vẫn còn hạn chế. Đây là những điều cần sớm được khắc phục thời gian tới khi thực hiện NQ26.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục