Mặc cho cơn mưa lớn bất ngờ diễn ra đúng vào ngày khai mạc nhưng sau gần một tuần tổ chức (từ ngày 14 đến 19-12), Hội chợ Triển lãm Thương mại – Du lịch (TM-DL) Thoại Sơn – An Giang 2011 vẫn thu hút hơn 50.000 lượt khách đến tham quan. Thành công của hội chợ không chỉ thể hiện ở lượng khách đông đảo, doanh thu bán hàng hơn 6 tỷ đồng mà còn được hơn 100 doanh nghiệp tham gia hội chợ đánh giá cao về công tác tổ chức. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng TM-DL nơi vùng đất có dòng kênh Thoại Hà chảy qua.
Thu hút nhiều doanh nghiệp
Khác với vẻ yên ắng hàng ngày, trong thời gian diễn ra Hội chợ Triển lãm TM-DL, công viên văn hóa 1-5 (khu vực lòng hồ số 2, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang) bỗng trở nên sôi động. Khuôn viên rộng 11.500m² của khu lòng hồ gần như bị lấp đầy bởi 230 gian hàng của hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, sân khấu hoành tráng với chương trình giao lưu văn nghệ hấp dẫn diễn ra hàng đêm, khu ẩm thực, khu vực vui chơi dành riêng cho thiếu nhi… “Từ nhỏ tới giờ tôi chưa lần nào được trực tiếp xem những nghệ sĩ lớn đến từ TP.HCM biểu diễn. Sẵn dịp vừa sạ lúa xong cũng rảnh rỗi nên cả gia đình tôi đến đây vừa xem văn nghệ, vừa mua sắm đồ Tết luôn. Mà hàng hóa đợt hội chợ này phong phú thiệt, giá cả lại hợp túi tiền, xem hoài không thấy chán”, chị Thái Kim Sa, đến từ huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang), chia sẻ.
Bên cạnh những gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, giày dép, hàng may mặc, máy móc thiết bị, điện tử gia dụng, trang trí nội thất… của các doanh nghiệp đến từ TP.HCM, khu vực ĐBSCL thì các doanh nghiệp của An Giang cũng tranh thủ quảng bá những ngành nghề truyền thống, sản phẩm du lịch của mình. Trong đó, “đội chủ nhà” Thoại Sơn đưa ra giới thiệu các sản phẩm điêu khắc từ đá, khô cá lóc Thoại Sơn, tranh lá thốt lốt, còn huyện Phú Tân thì giới thiệu sản phẩm rèn Phú Mỹ, thị xã Châu Đốc có mắm Bà Giáo Khỏe, huyện Chợ Mới có sản phẩm của Cơ sở nước mắm Đỉnh Hương…
Đáp ứng nhu cầu người dân
Người dân vùng nông thôn Thoại Sơn và một số huyện giáp ranh như Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ), Tân Hiệp (Kiên Giang) tỏ ra thích thú với những sản phẩm ứng dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các loại giống cây trồng cho năng suất và giá trị cao như: Dừa xiêm lùn, dừa dâu lùn, dừa sáp, bưởi Năm Roi…
Ông Nguyễn Văn Be, Trưởng ban quản lý Du lịch huyện Thoại Sơn-Phó trưởng Ban tổ chức hội chợ, cho biết, đây là sự kiện xúc tiến thương mại với qui mô lớn lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Thoại Sơn do UBND tỉnh An Giang trực tiếp chỉ đạo. Với sự phối hợp, hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang (ATIP) và Công ty CP Đầu tư Phát triển văn hóa và Xúc tiến thương mại Sài Gòn (Saigon IPC), hội chợ đã diễn ra thành công ngoài mong đợi.
“Dù có gặp vài bất lợi như: Tuyến đường chính từ Long Xuyên vào thị trấn Núi Sập đang thi công, đi lại khó khăn, giá lúa giảm ảnh hưởng đến sức mua sắm của nhân dân… nhưng nhìn chung, hội chợ đã được rất nhiều doanh nghiệp đánh giá cao với lượng khách đến tham quan đạt trên 50.000 lượt, doanh thu hơn 6 tỷ đồng. Điều quan trọng là qua hội chợ, Thoại Sơn đã có điều kiện giới thiệu tiềm năng, lợi thế, các dự án mời gọi đầu tư với doanh nghiệp trong cả nước”, ông Be đánh giá.
Tuy nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên nhưng Thoại Sơn vừa có đồng bằng, sông nước, vừa có núi non, phong cảnh hữu tình và di chỉ cấp quốc gia Óc Eo. Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, cho rằng, trong thời gian tới, khi dự án mở rộng Tỉnh lộ 943 hoàn thành, cộng với tuyến đường bộ từ Thoại Sơn đi thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) được nâng cấp thành tỉnh lộ thì các con đường đến Thoại Sơn sẽ được khai thông. Khi đó, huyện sẽ có cơ hội khai thác tối đa tiềm năng về phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doang nghiệp đến tiềm hiểu đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ và tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
THOẠI HÀ