Kỷ niệm 37 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2012)

Phát huy tinh thần cuộc Tổng tiến công 1975

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV viết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những chiến công chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế và có tính thời đại sâu sắc”.
Phát huy tinh thần cuộc Tổng tiến công 1975

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV viết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những chiến công chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế và có tính thời đại sâu sắc”.

Bác Hồ với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Ảnh: TƯ LIỆU

Bác Hồ với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Ảnh: TƯ LIỆU

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên phạm vi cả nước từ Bắc chí Nam, trong đó có địa bàn miền Đông Nam bộ - nơi khởi đầu và kết thúc cuộc chiến tranh.Đối với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, miền Đông Nam bộ, trong đó thành phố Sài Gòn là đại bản doanh của quân viễn chinh, là thủ đô, trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của chế độ ngụy quyền; nơi phát ra và chỉ đạo thực hiện chủ trương chiến lược, các kế hoạch, biện pháp và thủ đoạn chiến thuật của cuộc chiến tranh; nơi bố trí phần lớn lực lượng quân sự với những đơn vị cơ động chiến lược sừng sỏ và hệ thống kho tàng dự trữ vật chất kỹ thuật nuôi sống guồng máy chiến tranh xâm lược. Có thể nói, đây là nơi chúng tập trung đánh phá ác liệt nhất về quân sự, chính trị, nơi diễn ra thường xuyên với quy mô lớn các cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch và trận đánh lớn có ý nghĩa làm thay đổi cục diện chiến trường; nơi thực hiện một cách có hệ thống và tinh vi các kế hoạch chính trị phản động, các thủ đoạn chiến tranh tâm lý và truyền bá lối sống thực dân; nơi địch tập trung “bình định”, vơ vét sức người, sức của phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược.Đối với ta, miền Đông Nam bộ có ba vùng chiến lược hoàn chỉnh: đô thị, nông thôn đồng bằng, nông thôn rừng núi, có hải cảng và miền ven biển, có đường biên giới. Số lượng công nhân công nghiệp và công nhân các đồn điền cao su và đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Đây là địa bàn có khả năng thể hiện sự vận dụng đầy đủ đường lối quân sự, chính trị của Đảng ta về tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, với phương châm kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, kết hợp ba thứ quân, ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược, kết hợp tiến công với nổi dậy, chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy… Đây cũng là địa bàn có điều kiện biểu hiện một cách trực tiếp truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân và lực lượng vũ trang hai nước Việt Nam – Campuchia.Trấn giữ một hướng quan trọng trên chiến trường Đông Nam bộ, làm hướng Đông Sài Gòn, khởi từ Bình Thuận qua Long Khánh, Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu vào sát Nhà Bè, Thủ Đức. Trên hướng ấy, trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, Xuân Lộc là tuyến phòng thủ quan trọng bậc nhất của quân đội Sài Gòn. Sau những ngày chiến đấu quyết liệt, dũng mãnh, hy sinh to lớn của bộ đội thuộc Quân đoàn 4, Quân khu 7 và các lực lượng vũ trang địa phương Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh, dưới sự chỉ huy và quyết tâm rất cao của Bộ Chỉ huy Miền, vị trí “Cánh cửa thép Xuân Lộc – Long Khánh” đã được quân giải phóng đánh sập. Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 hành quân từ phía Bắc đã nhanh chóng thọc sâu vào nội đô Sài Gòn, khi Quân đoàn 4 và các lực lượng của Quân khu 7 đã đánh chiếm và làm chủ từ ngã ba Dầu Giây, đánh chiếm sở chỉ huy Quân đoàn 3, sân bay Biên Hòa và tổng kho Long Bình, mở cầu Đồng Nai.

Từ cầu Đồng Nai tiến vào nội đô Sài Gòn, lực lượng đặc công của đặc công, biệt động tại chỗ đã đánh chiếm và giữ các cây cầu quan trọng. Đồng thời với hướng tiến công phía Đông Sài Gòn, các binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương cũng nhanh chóng đập tan các tuyến phòng ngự trên các hướng khác, tiến dần vào nội đô. Khi nói tới mặt trận hướng Đông trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, chúng ta cũng cần nói đến các cánh quân từ các hướng khác, kể cả lực lượng vũ trang trong nội đô Sài Gòn đã thực hiện một cuộc tổng tiến công đồng loạt, nhịp nhàng, đánh trúng, đánh hiểm ở những trận then chốt quyết định, chọc thủng và làm vỡ tuyến phòng thủ chiến lược của địch, khiến quân địch nhanh chóng lâm vào thế bị động, lúng túng rồi vỡ thế trận về quân sự, hoảng loạn về tinh thần, làm tan rã cả bộ máy ngụy quyền và đội ngũ ngụy quân 1,1 triệu tên với trang bị hiện đại.

Mặc nhiên, khi nói đến vai trò của các binh đoàn chủ lực, của các đơn vị vũ trang địa phương, chúng ta cũng cần nói rõ vai trò tiến công và nổi dậy của lực lượng tại chỗ, của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó có cả lực lượng của những người bị bắt buộc đứng trong hàng ngũ của địch, cơ sở cách mạng trong hàng ngũ địch. “Quả đấm chủ lực” tạo điều kiện cho lực lượng quân sự, chính trị bên trong, và ngược lại, lực lượng bên trong đã tạo điều kiện cho các mũi tiến công của các cánh quân chủ lực cơ động.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bắt nguồn từ phương pháp chỉ đạo và điều hành chiến tranh một cách chính xác, sáng tạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền; bắt nguồn từ sự nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.

Lịch sử qua đi, nhưng tinh thần của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 vẫn còn lại mãi mãi. Nó hiện hữu trong các bài học lịch sử mà các thế hệ người Việt Nam hôm nay đang tiếp tục vận dụng và phát huy trong điều kiện mới.

Trong xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, hiện nay loài người vẫn đang hàng ngày đối diện với những diễn biến phức tạp, bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, bạo loạn chính trị, can thiệp lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra gay gắt; tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử - viễn thông, sinh học vẫn tiếp tục gia tăng. An ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong lúc đó, ở trong nước, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam...

Tất cả đang đặt ra cho chúng ta những trách nhiệm, vinh quang nhưng hết sức nặng nề. Kiên định với con đường đã chọn, tuyệt đối tin tưởng vào sự thắng lợi tất yếu của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát huy tối đa nhân tố con người, sức mạnh tổng hợp và sự sáng tạo của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, phát huy yếu tố thời đại trong tiến trình hội nhập và phát triển… là di sản mà những người đã làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã để lại cho chúng ta. Đó là di sản được đổi bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu của bao thế hệ cha anh đi trước.

Kênh Bến Nghé - Tàu Hủ ngày nay. Ảnh: KIM NGÂN

Kênh Bến Nghé - Tàu Hủ ngày nay. Ảnh: KIM NGÂN

Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, các lực lượng vũ trang của cả nước đang ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; tiếp tục thực hiện điều chỉnh tổ chức và biên chế lực lượng, đổi mới công tác huấn luyện, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học quân sự, sớm phát hiện và dự báo xu hướng phát triển, những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay và trong tương lai; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất, năng lực ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ mới, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống!  

Thiếu tướng TRẦN ĐƠN
Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7

Tin cùng chuyên mục