Phát huy tinh thần vượt khó

Hai đợt chi viện, vượt đường xa ngay trong ngày thi đấu bằng đường bộ sang Campuchia để có đủ người đăng ký ra sân thi đấu, câu chuyện về đội tuyển U23 tại giải vô địch Đông Nam Á 2022 một lần nữa cho thấy sức mạnh tinh thần và những cảm hứng đặc biệt từ bóng đá Việt Nam.

Niềm cảm hứng đầu tiên, đó là nghị lực và khao khát chiến thắng của các cầu thủ trẻ. Trận thắng U23 Thái Lan để giành quyền vào bán kết là điển hình. 

Trong bối cảnh chỉ kịp có đủ người ra sân cách 3 giờ trước khi bóng lăn, U23 Việt Nam hoàn toàn có thể chọn một lối chơi phòng ngự, chấp nhận để thua với tỷ số nhẹ, là vẫn hoàn thành nhiệm vụ vào bán kết. Nhưng họ đã làm được nhiều hơn mong đợi, vẫn trình diễn được một lối đá rực lửa và điềm tĩnh đến mức ngạc nhiên để thắng thuyết phục. Tận hiến, không toan tính, không lùi bước trước nghịch cảnh, đội bóng trẻ của chúng ta đã tiếp bước futsal, bóng đá nữ để viết tiếp câu chuyện đầy tự hào về tinh thần thi đấu.

Nhưng điều tuyệt vời không chỉ ở đó. Hai đợt bổ sung cầu thủ do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thực hiện đều ở trong tình trạng rất bị động do các diễn biến phức tạp, ngặt nghèo từ hoàn cảnh, nhưng mọi thứ lại diễn ra vô cùng nhanh chóng. Những cú điện thoại khẩn gọi đến các CLB, những cầu thủ nào đang ở trong độ tuổi, đang có sức khỏe tốt, sẽ được điều động.

Về lý thuyết, các đội bóng hoàn toàn có thể từ chối do V-League chuẩn bị khởi tranh, bản thân cầu thủ cũng lo lắng cho sức khỏe của mình vì nơi họ đến - giải vô địch U23 Đông Nam Á - đang là “vùng dịch”, hiện đã có gần 100 người mắc Covid-19 suốt quá trình thi đấu. Nhưng mọi việc suôn sẻ đến không ngờ khi các CLB nhanh chóng “nhả người” và cầu thủ của chúng ta lên đường với tinh thần xung phong dù phải vượt vài trăm cây số đường bộ để đến Phnom Penh.

Những lúc khó khăn nhất, làng bóng đá Việt Nam trở thành một ngôi nhà thống nhất vì mục tiêu chung, giữ vững vị thế và hình ảnh của những “Chiến binh sao vàng” trên đấu trường quốc tế. Đã không có một khoảng cách nào giữa đơn vị quản lý - Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và các CLB, tinh thần đoàn kết ấy không phải lúc nào cũng có, nhưng vì màu cờ sắc áo, những thành viên của ngôi nhà bóng đá Việt Nam đã đồng lòng với nhau.

Cũng cần phải ghi nhận khả năng thích ứng và năng lực thực hiện của VFF hiện nay đã có những bước tiến lớn so với trước. Không chỉ với trường hợp cụ thể của đội tuyển U23, mà công tác điều hành hoạt động các đội tuyển đã từng phát huy sự nhanh nhạy trong trường hợp của futsal và bóng đá nữ thông qua những quyết định chuẩn xác về việc chọn địa điểm tập huấn, sử dụng các liệu pháp tâm lý đúng thời điểm, để đem lại những thành công khó tin.

Trong bối cảnh mà dịch Covid-19 tác động ghê gớm đến những sự kiện thể thao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thi đấu, thì có thể nhiều mục tiêu thành tích sẽ khó như ý nếu rơi vào trường hợp bất khả kháng tác động tiêu cực đến yếu tố chuyên môn. Chính vì thế, giá trị cao nhất sẽ nằm ở tinh thần không bỏ cuộc mà các VĐV thể hiện.

Như trường hợp của U23 Việt Nam, những phẩm chất của họ sẽ truyền động lực cho cả nền thể thao Việt Nam nói chung. Mà cụ thể hơn, cách các cầu thủ U23 vượt khó sẽ giúp V-League 2022 khởi tranh từ ngày hôm nay có những bài học cụ thể để ứng phó với Covid-19 để giải diễn ra đúng kế hoạch, đem lại niềm vui cho người hâm mộ.

Rộng hơn nữa, là nguồn cảm hứng cho SEA Games 31 sắp diễn ra vào tháng 5, hiện vẫn đang đối diện với những thách thức vô cùng lớn trong công tác tổ chức lẫn chuẩn bị nhân lực thi đấu. Tinh thần vượt khó chắc chắn là phẩm chất quan trọng, cần thiết nhất cho những thành viên của đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31, không chỉ với những người sẽ ra sân thi đấu mà còn với cả các cá nhân, tập thể âm thầm ở phía sau sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Tổ quốc cần.

Tin cùng chuyên mục