Phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội

Những ngày này, trên cả nước đang có rất nhiều hoạt động kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 - 20-10-2022); 12 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, thể hiện sự ghi nhận, tôn vinh của toàn xã hội với người phụ nữ.

Kết quả đó đến từ những nỗ lực không ngừng của hàng triệu phụ nữ Việt Nam, không chỉ với vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình mà còn với những đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Chưa bao giờ phụ nữ Việt Nam lại đạt được những thành tựu quan trọng như ngày hôm nay. Theo đánh giá của Liên đoàn nghị viện quốc tế, Việt Nam xếp thứ 62/190 quốc gia trên thế giới và thứ 2 trong khu vực ASEAN về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan nghị viện, quốc hội. Hiện 50% bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt. Năm nay, có thêm 1 nhà khoa học nữ Việt Nam được UNESCO vinh danh là nhà khoa học trẻ tài năng thế giới, nâng tổng số lên 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá này.
Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng ngày càng tăng, có 2 doanh nhân nữ trong tốp 10 doanh nhân tiêu biểu xuất sắc nhất, 3 trong 6 doanh nhân có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ phòng chống Covid-19 được tôn vinh tại lễ vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup nữ 2023. Bên cạnh đó, phụ nữ lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc…
Với các hoạt động an sinh xã hội, phụ nữ các cấp cũng thể hiện rất tốt vai trò của mình, với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, phù hợp thực tiễn. Điển hình là các phong trào vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em. Chỉ tính riêng chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội LHPN Việt Nam đã có 11.000 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 2.000 trẻ mồ côi do Covid-19 được kết nối hỗ trợ, đỡ đầu. Các đề án lớn như đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ.
Để có được những thành tựu, kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế là, định kiến giới và những rào cản về văn hóa, chính sách vẫn đang ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của phụ nữ.
Điều đáng mừng là, tại cuộc đối thoại với phụ nữ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học…
Sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành là rất quan trọng để phụ nữ có điều kiện phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của mình trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng trước hết, phụ nữ cần phải có sự nỗ lực. Xã hội luôn vận động, yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới đang đặt ra những thách thức mới đối với phụ nữ, đòi hỏi phụ nữ thích ứng để nắm bắt cơ hội. Cũng như trong lịch sử, càng nhiều khó khăn thách thức thì phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam sẽ càng bộc lộ rõ nét, và đó cũng là lúc vai trò, vị thế của người phụ nữ tiếp tục được nâng cao, khích lệ chị em tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trong mọi lĩnh vực.

Tin cùng chuyên mục