Trước hàng loạt con đập xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong, đã có nhiều cảnh báo từ các tổ chức quốc tế về nguy cơ cạn kiệt nguồn nước và nguồn thủy sản nuôi sống hàng chục triệu người trên lưu vực con sông này.
Mới đây, Phó Hiệu trưởng Học viện Ngoại giao Bộ Ngoại giao Nga, ông Alexander Lukin, đã có bài viết gửi tới Đài Tiếng nói nước Nga phản ánh mối lo ngại về nguy cơ bất ổn trong vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên sông Mekong.
Theo ông Lukin, tranh chấp kiểm soát nguồn tài nguyên nước của các con sông chảy qua nhiều quốc gia là biểu hiện khá phổ biến tại nhiều khu vực trên thế giới. Chẳng hạn, vấn đề căng thẳng tồn tại ở khu vực Trung Á hình thành hai nhóm đối kháng: một bên là Kyrgyzstan và Tajikistan, bên kia gồm Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan. Kyrgyzstan và Tajikistan sở hữu thượng nguồn các con sông Trung Á và rất quan tâm phát triển ngành thủy điện. Nhóm các quốc gia thứ hai, nhất là Uzbekistan, kỳ vọng vào khối lượng lớn nước đảm bảo phục vụ nông nghiệp. Kết quả là quan hệ giữa Uzbekistan và Tajikistan trở nên căng thẳng. Những khúc mắc tương tự tồn tại giữa Ấn Độ và Pakistan, cũng như giữa Nga, Kazakhstan và Trung Quốc.
Sông Mekong với tổng chiều dài 4.350km, chiếm vị trí thứ 13 các con sông dài nhất trên thế giới. Trên sông Lan Thương (tên tiếng Hoa của sông Mekong) Trung Quốc đã có 2 nhà máy thủy điện đang hoạt động, nhưng vào đầu tháng 9-2012, cơ sở thủy điện thứ ba là Nhu Trát Độ, ở tỉnh Vân Nam, được công bố khởi động. Đập ngăn cao nhất châu Á (261,5m) và hồ chứa với dung lượng 21.749m3 được xây dựng ở độ cao 812m trên mực nước biển để đáp ứng công trình.
Tác giả cho rằng việc nắn dòng chảy con sông đưa đến hệ lụy là tái định cư hàng ngàn hộ dân, xóa sổ địa danh và thay đổi cảnh quan có từ hàng ngàn năm. “Nhưng Chính phủ Trung Quốc tin chắc, tất cả sẽ được bù đắp bởi lợi ích kinh tế: điện giá rẻ, cơ hội ngăn chặn lũ lụt, kiểm soát dòng nước. Vì thế, những bất bình của người dân địa phương và sự phê phán từ giới bảo vệ môi trường không được coi là vấn đề trở ngại”, ông Lukin viết.
Thế nhưng, theo ông Lukin, đối với sông Mekong tình hình lại khác. Phản đối không xuất hiện từ phía người dân mà phát đi từ các quốc gia láng giềng. Nguyên nhân chính là những nhà máy thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong (dự kiến 5 nhà máy thủy điện) sẽ gây nên những thay đổi nhanh chóng về mực nước hoặc tác động tiêu cực tới dòng chảy ở 4 quốc gia hạ nguồn. Điều này lý giải việc thành lập Ủy ban sông Mekong gồm các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam vào năm 1995.
Ông Lukin dẫn lời Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Vladivostok, Nga rằng: “Việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước sông Mekong trở thành một vấn đề cấp bách, tác động trực tiếp và tiêu cực tới vựa lúa lớn nhất của Việt Nam”.
KHÁNH MINH