Ngày 2-11, Tòa án tối cao Mỹ lần đầu tiên mở phiên tranh luận về quyết định cấm bán trò chơi điện tử bạo lực đối với trẻ vị thành niên của bang California. Đây là phiên tranh luận không chỉ được lãnh đạo, người dân California mong chờ mà còn được phần lớn dư luận Mỹ kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi quan trọng trong việc lựa chọn cách ứng xử đối với trò chơi điện tử, đặc biệt là các trò mang tính bạo lực.
Phiên tranh luận này xuất phát từ yêu cầu của chính quyền bang California vì đạo luật cấm bán trò chơi điện tử bạo lực cho trẻ vị thành niên được chính nơi này ban hành năm 2005, bị Tòa án liên bang bác bỏ năm 2009 với lý do vi hiến và hoàn toàn không cần thiết. Thế nhưng, California lần này đã thể hiện quyết tâm đưa vấn đề này vào khuôn khổ pháp lý.
Từ năm 2006, một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Missouri (Mỹ) đã thực hiện nghiên cứu về tác động của trò chơi điện tử bạo lực đối với tâm lý người chơi. Kết luận đưa ra: Việc tiếp xúc với những trò có tính chất bạo lực này sẽ ảnh hưởng đến não, kích thích hành vi gây hấn; phần lớn những người chơi nhiều trò bạo lực có xu hướng dửng dưng, vô cảm.
Về phía phụ huynh, hãng Truyền thông Common Sense Media của Mỹ trong tháng 8 năm nay cũng đã thực hiện khảo sát và đưa ra số liệu rằng, có 72% số người tham gia khảo sát cho rằng cần có một đạo luật ngăn cấm việc kinh doanh, lưu hành những trò chơi điện tử thuộc nhóm “rất bạo lực” hay “bạo lực kèm khiêu dâm”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây cũng chỉ là những nghiên cứu riêng lẻ, chưa mang tính đồng bộ và vì thế chưa thể thuyết phục được chính Tòa án liên bang California thông qua đạo luật của chính quyền bang này.
Việc cấm kinh doanh, lưu hành trò chơi điện tử bạo lực đối với trẻ vị thành niên không còn là điều mới mẻ. Tháng 11-2007, Liên minh châu Âu (EU) thông qua một điều luật cấm các cửa hàng kinh doanh trò chơi điện tử tại tất cả các nước EU bán trò chơi điện tử bạo lực cho trẻ em từ 16 tuổi trở xuống. Còn ở Trung Quốc, đi cùng sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin trong thời gian qua là những hệ lụy liên quan đến trò chơi điện tử bạo lực. Chính vì thế, tháng 7-2009, chính quyền nước này đã ban lệnh cấm các trang web không được quảng cáo hoặc có đường dẫn tới trò chơi trực tuyến kích động bạo lực. Và nghiêm khắc hơn là cấm tất cả các trò chơi có liên quan tới ma túy, cờ bạc, trộm cắp, hiếp dâm, phá hoại. Ở Thái Lan, một số trò chơi trực tuyến mang tính chất bạo lực cũng bị cấm.
Những người ủng hộ và những người phản đối trò chơi điện tử bạo lực dù đứng ở hai thái cực trái ngược nhưng họ có cùng điểm chung, đó là cần sự phân loại rõ ràng mức độ của từng loại trò chơi để kiểm soát. Đây cũng là mấu chốt và cơ sở làm tăng tính thuyết phục của lệnh cấm.
Trong khi mục tiêu phát triển bền vững được xem là điều kiện tiên quyết của mỗi quốc gia thì sự bền vững về nguồn lực con người phải được bảo đảm hơn bao giờ hết. Mỹ, một quốc gia nổi tiếng với những bộ phim bạo lực đẫm máu, kiếm được 20 tỷ USD mỗi năm từ ngành công nghiệp trò chơi điện tử nhưng đã đến lúc phải đau đầu tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của các trò mang tính bạo lực, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của mình.
Như Quỳnh